Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Lã Thanh Chương chia sẻ: "Mặc dù xã còn gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng chúng tôi đã xác định và quyết tâm phải thực hiện thành công chương trình XDNTM theo đúng lộ trình đã đề ra. Trong đó phải phát huy thế mạnh vai trò của người đứng đầu các cấp để chỉ đạo, điều hành, đồng thời vận động người dân tham gia xây dựng các dự án, mô hình sản xuất lớn từ quy mô gia đình, đến nhóm hộ, cụm dân cư, thôn và xã. Tranh thủ cao nhất nguồn lực xã hội hóa thông qua sự giúp đỡ của huyện, tỉnh và doanh nghiệp để cùng chung sức XDNTM".
Trong quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo XDNTM của xã thường xuyên xuống tận cơ sở để giám sát, đánh giá tiến độ hiệu quả XDNTM, trên cơ sở đó, báo cáo và đề xuất cụ thể những khó khăn, vướng mắc về huyện; chủ động đề ra nhiệm vụ, giải pháp đối với từng nội dung cụ thể. Xã đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết cho từng tiêu chí, phân công người phụ trách cụ thể, thực hiện nghiêm các chế độ báo cáo tiến độ triển khai thực hiện từng tiêu chí và chỉ tiêu trước cấp ủy đảng và chính quyền.
Với phương châm "vừa làm, vừa học", xã Thanh Sơn ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ trước để từ đó rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện các tiêu chí khó hơn. Hết năm 2017, xã đã đạt được 12 trong số 20 tiêu chí và 42 trong số 53 chỉ tiêu về XDNTM; kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, các tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm đã được đổ bê-tông với tổng kinh phí đầu tư hơn hai tỷ đồng.
Những kết quả bước đầu đạt được trong XDNTM đã làm thay đổi căn bản bộ mặt xã đặc biệt khó khăn này của huyện Ba Chẽ. Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Thanh Sơn giảm từ 38% năm 2016 xuống còn 26% năm 2017 và không còn hộ có nhà dột nát; toàn bộ số trường học được cứng hóa, bảo đảm điều kiện dạy và học thuận lợi. Ngoài ra, xã còn thực hiện thành công mô hình bán trú, phổ cập tiểu học và THCS, không có người mù chữ, tái mù chữ; trạm y tế xã được đầu tư cơ bản đạt chuẩn quốc gia; tất cả chín thôn trong xã có nhà văn hóa; toàn bộ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước hợp vệ sinh; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm.
Trên đường dẫn vào khu trồng rừng và cây dược liệu của gia đình ông Ðàm Văn Cường ở thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một khu đồi rộng gần 10 ha phủ một mầu xanh của cây trà hoa vàng, cây keo tai tượng, cây mây và sa mộc. Bắt tay vào trồng rừng từ năm 2014, đến nay sau gần 5 năm, cây keo và cây trà hoa vàng của ông Cường đã bắt đầu cho thu hoạch hoa và lá, tuy nhiên sản lượng còn khiêm tốn. Ðược biết, năm 2017, tổng thu nhập từ trồng rừng, trồng cây dược liệu, sau khi trừ chi phí đã đem về cho gia đình ông hàng chục triệu đồng. Năm 2018, gia đình ông sẽ mở rộng diện tích trồng rừng, trồng thêm một số cây dược liệu có giá trị như ba kích, cát sâm, đồng thời phát triển thêm mô hình chăn nuôi gà và nuôi ong lấy mật.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ Thân Thị Thúy Hảo cho biết: nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, cây, con giống, cho nên nhiều hộ dân trong xã Thanh Sơn đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, cây dược liệu, phát triển chăn nuôi, từng bước cho thu nhập ổn định, nhiều hộ đã thoát được nghèo và vươn lên phát triển kinh tế làm giàu...
Xác định công tác cán bộ là then chốt trong XDNTM, Ðảng ủy xã Thanh Sơn đã chú trọng quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ được đi học tập, tập huấn ở các tỉnh bạn để từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị và triển khai hiệu quả chương trình XDNTM ở địa phương. Ðến nay, toàn bộ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn và xã đã triển khai tốt việc cung ứng các dịch vụ công như: y tế, giáo dục, bộ phận "một cửa hiện đại", bộ phận tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết kịp thời thủ tục hành chính, đơn thư kiến nghị của công dân.
Chia sẻ với chúng tôi về những định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Lã Thanh Chương nhấn mạnh: "Xã Thanh Sơn tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp - thương mại dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ngoài ra, Thanh Sơn còn mở rộng phát triển kinh tế tập trung như: Trồng cây gỗ lớn, dược liệu, ba kích tím, chè hoa vàng, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống của người dân.