Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới: “Siết” phương tiện giao thông cá nhân

|

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; trong đó yêu cầu Bộ Công an xây dựng đề án tổng thể về định danh biển số xe ô tô và hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân (PTCN), báo cáo Chính phủ trong quý 4-2023.

Nhà chờ xe buýt xây mới thu hút người dân tăng cường sử dụng xe buýt

Chưa hạn chế được PTCN

Vấn đề hạn chế PTCN đã được đặt ra từ hơn 10 năm trước, khi đó, TP Hà Nội mới có 4,3 triệu phương tiện. Đến quý 1-2023, Sở GTVT Hà Nội đã quản lý tổng số 7,9 triệu phương tiện, gồm hơn 1 triệu ô tô, gần 6,7 triệu xe máy, còn lại là xe máy điện. Tương tự, tại TPHCM, cách đây hơn 10 năm có 5,5 triệu phương tiện, thì nay con số này đã là gần 9,5 triệu.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, vấn đề hạn chế PTCN được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp, từ quy định xe máy đi vào ngày chẵn, lẻ theo số cuối của biển số đến tạm ngừng đăng ký xe máy tại một số quận nội thành… nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân. Ngay cả nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hạn chế PTCN là một xu hướng tất yếu của các đô thị trên thế giới nhưng tại Việt Nam, ở thời điểm hiện nay là chưa khả thi. Điều kiện tiên quyết để hạn chế PTCN là xây dựng hệ thống giao thông công cộng đủ năng lực thay thế, nhưng hiện nay, vận tải công cộng cả ở TPHCM lẫn Hà Nội còn đang trong quá trình hoàn thiện. Các phương tiện hiện đại như buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM được xây dựng quá chậm, thiếu kết nối hệ thống, thiếu thân thiện trong tiếp cận vì vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng.

Theo chuyên gia giao thông - TS Khương Kim Tạo, sở dĩ các giải pháp hạn chế PTCN tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM khó triển khai là do các cơ quan quản lý chủ yếu đưa ra lộ trình về thời gian, còn cơ sở để hạn chế thì lại chưa được tính toán và nghiên cứu thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu chờ đủ điều kiện mới triển khai thì tình hình giao thông sẽ ngày càng phức tạp; do đó các nhà quản lý cần đưa ra lộ trình về sự tương thích, tương quan với sự phát triển của giao thông công cộng, nghĩa là loại hình giao thông này phát triển đến đâu thì “siết” PTCN đến đó.

Tăng cường vận tải công cộng

Theo ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, tại Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, Chính phủ đã giao cho UBND TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM tập trung nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào những khu vực này. Hiện các địa phương đang xây dựng và hoàn thiện đề án. Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết, đề án thu phí phương tiện cơ giới đang được xây dựng, trên cơ sở đảm bảo điều kiện về công nghệ thu phí (số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông) để có thể thực hiện được thu phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh; đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí. Đặc biệt, đề án thu phí phương tiện chỉ thực hiện được khi vận tải công cộng có năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông nhằm phục vụ hành khách trung chuyển thuận lợi từ PTCN sang phương tiện công cộng.

Nhiều người sử dụng xe buýt nhằm bảo vệ môi trường, không sợ nắng, sợ mưa

Tại TPHCM, việc xây dựng Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố đang được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Mới đây nhất, UBND TPHCM đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, phòng chống ùn tắc giao thông trong các đề án, quy hoạch của thành phố. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố”. Trong đó, nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng được chú trọng, gồm: hình thành mạng lưới xe buýt hiệu quả vào năm 2030; hoàn thành các tuyến metro, trước mắt là đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thiện và đưa vào vận hành tuyến đường sắt metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cùng một tuyến buýt nhanh.

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển GTVT, cho rằng, hạn chế PTCN là xu thế tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới. Chủ trương của Chính phủ về hạn chế PTCN đã có, TP Hà Nội và TPHCM đã và đang xây dựng, hoàn thiện các đề án liên quan. Các đề án đã được nghiên cứu thận trọng, từ thực trạng và điều kiện kinh tế - xã hội, lấy ý kiến các bộ, ngành, người dân và tham khảo kinh nghiệm các đô thị trên thế giới. Nay thêm chỉ đạo mới của Thủ tướng, các địa phương sẽ có thêm cơ sở để thực hiện tốt đề án này.