Dự kiến cần 381.991 tỷ đồng đầu tư phát triển cảng biển

|

Cục Hàng hải Việt Nam vừa trình Bộ GTVT “Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, cục đề xuất danh mục dự án ưu tiên và nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công cộng và cảng biển.

\r\n

\r\n
\r\n

Cụ thể, đến năm 2025, các bến 3, 4, 5, 6 tại khu bến Lạch Huyện, TP Hải Phòng; bến khởi động tại khu bến Liên Chiểu  (TP Đà Nẵng) và các bến cảng chính thuộc cảng biển loại 1 sẽ được tập trung đầu tư.

Bên cạnh đó, các bến khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch và các bến cảng quy mô lớn gần trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim… cũng sẽ được ưu tiên. Đồng thời, các bến phục vụ khu kinh tế ven biển, các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng như Vân Phong và Trần Đề cần được kêu gọi đầu tư.

Tiếp theo đó, đến năm 2030, bến khởi động khu bến Nam Đỗ Sơn (Hải Phòng) và các bến cảng tại khu vực Cái Mép hạ và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ được ưu tiên đầu tư.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, việc đầu tư các bến cảng biển hầu hết sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp. Dự kiến, tổng mức đầu tư của các bến cảng biển thuộc 5 nhóm cảng biển (không bao gồm các cầu cảng chuyên dùng) đến năm 2030 khoảng 381.991 tỷ đồng.

Đối với kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, hầu hết các dự án sẽ sử dụng vốn đầu tư công, tổng mức đầu tư nhu cầu dự kiến đến năm 2030 khoảng 16.715 tỷ đồng.

Trong đó, đến năm 2025 sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải, nhu cầu vốn khoảng 1.400 tỷ đồng.

Các dự án khác như: luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2 cho tàu đến 20.000 tấn giảm tải; luồng sông Văn Úc cho tàu 10.000 tấn; luồng vào cảng Nghi Sơn cho tàu đến 50.000 DWT (trọng tải toàn phần), luồng Quy Nhơn cho tàu đến 50.000 DWT… cũng sẽ được đầu tư.