Bến xe miền Đông mới: Cần “cú hích” để hút khách

|

Gần 80 tuyến xe khách liên tỉnh sẽ được TPHCM chuyển từ Bến xe miền Đông (BXMĐ) cũ ra hoạt động tại BXMĐ mới vào đầu tháng 10-2022. Điều này đang đặt kỳ vọng khai thác bến xe hoạt động hiệu quả sau gần 2 năm đi vào vận hành nhưng chưa thu hút được hành khách.\r\n

Cần nhiều giải pháp căn cơ để khai thác Bến xe miền Đông mới hiệu quả. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thưa thớt hành khách

Khi lăn bánh khởi hành vào lúc 6 giờ 35 phút sáng ngày 21-9 tại BXMĐ mới, chiếc xe buýt biển số 51B-210.44 chạy tuyến 93 lộ trình Bến Thành - BXMĐ mới mang theo 22 hành khách. Khoảng nửa giờ sau, đến lượt chiếc xe buýt biển số 50F-002.78 mã số tuyến 55 chạy theo lộ trình Công viên phần mềm Quang Trung - BXMĐ mới xuất bến với 25 hành khách trên xe. Số lượng hành khách khiêm tốn mặc dù đang là giờ cao điểm hoạt động của các chuyến xe buýt đón, đưa khách ở BXMĐ. Tình trạng này phần nào phản ánh thực tế hoạt động của BXMĐ mới chưa được như kỳ vọng đặt ra cho bến xe đầu mối được xây dựng mang tầm cỡ hàng đầu cả nước.

Từ khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 (ngày 10-10-2020) đến nay, hầu như ngày nào BXMĐ mới cũng chỉ thưa thớt vài chục hành khách. Không khí nhộn nhịp, ồn ào bình thường vốn có ở hầu hết các bến xe, sân bay rõ ràng chưa có ở BXMĐ mới!

Các nhân viên ở BXMĐ mới cho biết, từ khi đi vào hoạt động, lúc đông khách nhất bến xe có chưa tới 1.000 hành khách/ngày. Từ sau cao điểm dịch Covid-19, tình hình còn sụt giảm hơn, với chưa đầy 100 hành khách/ngày. Hệ quả, số xe vận tải hành khách liên tỉnh lưu đậu trong BXMĐ mới cũng giảm theo, thậm chí giảm đến mức có ngày lưu đậu trong bến chỉ lác đác vài chục chiếc. Nhiều doanh nghiệp vận tải thuộc diện phải dời ra hoạt động tại BXMĐ mới trong giai đoạn 1 than thở rằng đã bị tụt giảm khoảng 70-80% cả số chuyến xe và số lượng hành khách.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng, trong giai đoạn 1, TPHCM chỉ dời 24 tuyến vận tải hành khách đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra phía Bắc có hành trình chạy xe đi qua quốc lộ 1 từ BXMĐ cũ (trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh) sang BXMĐ mới (đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, TP Thủ Đức). Với số lượng tuyến ít ỏi như thế, hành khách đến và đi tại BXMĐ mới chưa thể đông đúc ngay được.

Đồng bộ giải pháp căn cơ

Theo kế hoạch, TPHCM sẽ chuyển thêm gần 80 tuyến xe từ BXMĐ cũ sang BXMĐ mới vào đầu tháng 10-2022. Đó là những tuyến đi miền Bắc, miền Trung còn lại; các tuyến đi khu vực Tây Nguyên vẫn tiếp tục hoạt động ở BXMĐ cũ. Theo lộ trình, giai đoạn 3 sẽ chuyển các tuyến khu vực Tây Nguyên về BXMĐ mới. “Không biết ra bến xe mới, hành khách có đến không chứ cứ nhìn các đơn vị vận tải đã chuyển ra đó thì quá èo uột”, giám đốc một đơn vị vận tải thuộc tuyến sắp di dời ra BXMĐ mới băn khoăn.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, dù là giai đoạn nào, các đơn vị chức năng cũng cần tìm ra phương cách giải quyết hàng loạt vấn đề đã khiến BXMĐ mới hoạt động chưa hiệu quả. Một trong những giải pháp là tổ chức và tăng cường hệ thống vận tải công cộng từ trong nội thành ra BXMĐ mới. Có thể nói rằng, giao thông chưa thuận tiện, cùng với thói quen đến BXMĐ cũ nằm ngay trong nội thành cũng như tâm lý ngán ngại phải đi thêm quãng đường gần 20km ra BXMĐ mới của một bộ phận không nhỏ hành khách là nguyên nhân chính khiến BXMĐ mới hoạt động chưa hiệu quả. Một khi dễ dàng, thuận tiện trong việc đi/đến BXMĐ mới thì lúc đó mới có thể xóa thói quen bắt xe ngay trong nội thành của người dân.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ thuộc Sở GTVT TPHCM, cho biết, Sở GTVT đã tăng cường kết nối các tuyến xe buýt trung chuyển khách từ nội thành ra BXMĐ mới.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở GTVT, hiện đã có 4 tuyến xe buýt có trợ giá kết nối trực tiếp vào BXMĐ mới. Đó là tuyến 55 lộ trình Công viên phần mềm Quang Trung - BXMĐ mới; tuyến 56 lộ trình Bến xe buýt Chợ Lớn - Đại học GTVT; tuyến 76 lộ trình Long Phước - Suối Tiên - BXMĐ mới và tuyến 93 lộ trình Bến Thành - BXMĐ mới. Đồng thời đã kết nối tuyến 150 lộ trình Bến xe buýt Chợ Lớn - Ngã ba Tân Vạn vào đón, trả hành khách tại sảnh BXMĐ mới theo hướng từ TPHCM đi Ngã ba Tân Vạn thuộc địa bàn Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng sẽ lắp đặt nhà chờ xe buýt trước BXMĐ mới để kết nối trung chuyển 4 tuyến xe buýt khác có lộ trình đi qua cổng BXMĐ mới.

Có chuyên gia cho rằng, TPHCM cần giải quyết căn cơ vấn nạn xe dù, bến cóc ngang nhiên đưa đón khách trong nội thành. Có vậy thì tất cả bến xe khách liên tỉnh nói chung và BXMĐ mới nói riêng sẽ không bị cạnh tranh thiếu lành mạnh. Về vấn đề này, Sở GTVT đề xuất các địa phương để xảy ra xe dù, bến cóc cần tổ chức tuần tra xử lý cùng với Thanh tra Sở GTVT. Bởi việc xử lý xe dù, bến cóc, nhất là các bến cóc “ăn theo” cây xăng, cần có lực lượng địa phương thực hiện, do Thanh tra Sở GTVT không có chức năng kiểm tra bên trong khuôn viên cây xăng.

Theo đề xuất của Thanh tra GTVT thành phố, có nhiều vấn đề cần được xem xét, thực hiện để chống nạn xe dù.

Đầu tiên là cần có các bến bãi đậu xe, lên xuống khách, tiếp chuyển khách tại các cửa ngõ dẫn vào khu vực nội đô để tập kết đối tượng xe khách liên tỉnh. Đây là tiền đề để triển khai thực hiện cấm các loại xe khách liên tỉnh lưu thông xuyên tâm thành phố hoặc vào nội đô đưa, đón khách. Những xe khách có nhu cầu vào khu vực nội đô nhằm phục vụ hành khách có nhu cầu chính đáng như đám cưới, đám tang sẽ được cấp phép lưu hành riêng lẻ. Trường hợp xe chở khách du lịch, tham quan thành phố sẽ được cấp biển hiệu đại loại như “xe du lịch”, do Sở GTVT chịu trách nhiệm theo quy định.

Trong khi chờ đợi Bộ GTVT ban hành các quy định mới về quản lý hoạt động vận tải hành khách, chính quyền thành phố cũng cần tăng cường tính răn đe đối với loại hình xe dù, bến cóc bằng cách đề ra các quy định chế tài các hành vi đón, trả khách trái phép. Chẳng hạn như bổ sung thêm quy định “các đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch và lái xe không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của hãng mình”; hoặc bổ sung quy định xử phạt hành vi “đưa xe ô tô vào trong khuôn viên bãi đỗ xe để đón, trả khách”.

Cũng không thể không nhắc đến vai trò của các bến xe. Bởi việc bản thân doanh nghiệp bến xe nâng cao chất lượng dịch vụ, và nhất là thu ở mức phù hợp giá dịch vụ xe ra vào bến cùng các khoản thu khác, sẽ có tác động nhất định đến việc thu hút nhà xe bỏ bến cóc để quay về với bến xe chính thống.