Quyết liệt thực hiện các dự án giao thông trọng điểm

|

Ngày 10-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (BCĐ) đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 33 địa phương. Đây là phiên họp thứ nhất của BCĐ.  \r\n

Thi công nhà ga sân bay Long Thành. Ảnh: HOÀNG BẮC

Nhiều vướng mắc

Theo BCĐ, hiện có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm là đường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TPHCM; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội và TPHCM; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành… 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, công tác giải phóng mặt bằng của hầu hết dự án vẫn là khâu khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án. Nguyên do là khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, trải dài nên quá trình thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh như: xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường; khiếu nại của người dân… Cùng với đó, do số lượng các dự án giao thông có quy mô lớn đồng loạt triển khai nên nhu cầu nguồn vật liệu đắp nền đường rất lớn, trong khi nguồn cung hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác mất nhiều thời gian dẫn đến khan hiếm, nâng giá, ép giá, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. 

Tại khu vực ĐBSCL, vật liệu đắp nền đường là cát với nguồn cung rất hạn chế và tập trung chủ yếu tại các tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Chính phủ đã có các nghị quyết để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục triển khai cấp phép nhưng nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các chủ đầu tư thì vấn đề vật liệu sẽ là nút thắt lớn cho các dự án. 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, năng lực của một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án, của lực lượng tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai đồng thời các dự án với phạm vi, quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian triển khai ngắn như hiện nay. 

Lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay, cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều triển khai các dự án lớn của ngành GTVT. Nguồn vốn ngân sách cũng tập trung cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Kinh nghiệm các địa phương cho thấy, nếu hạ tầng phát triển tốt thì tăng trưởng sẽ cao như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Bình Thuận. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Thủ tướng phân tích, những dự án đã được phân bổ vốn là “tiền tươi thóc thật”, nhưng để giải ngân phải thực hiện theo đúng các quy trình, quy định, thủ tục. Khối lượng vốn phải giải ngân rất lớn so với các năm trước, đòi hỏi phải có những thay đổi về cách làm, trên cơ sở rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì phải tháo gỡ ở đó. 

Đưa ra yêu cầu cụ thể với từng bộ ngành, địa phương, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành các nghị quyết về các tuyến đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TPHCM. Các bộ ngành, địa phương khẩn trương phê duyệt các dự án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và mỏ vật liệu với các dự án đang triển khai; phối hợp chặt chẽ, trực tiếp, tránh giấy tờ, thủ tục lòng vòng. Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT chủ động giải quyết vấn đề liên quan tới các thủ tục vay vốn ODA của các nhà tài trợ.

Liên quan tới chi phí xây dựng, Thủ tướng nêu rõ, hiện giá xăng dầu trong nước đã giảm về dưới mức trước khi xảy ra xung đột Ukraine, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương tiến hành các biện pháp bình ổn, giảm giá các mặt hàng, dịch vụ theo quy định. Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của các nhà thầu, các doanh nghiệp tham gia dự án khi chi phí tăng. Nhưng mặt khác, các nhà thầu, các doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong lúc cả thế giới và đất nước đang gặp khó khăn; các bên phải hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”.

TPHCM đã sẵn sàng triển khai các dự án

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu rõ, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, đến nay, việc triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM nói chung, cũng như trên địa bàn thành phố rất thuận lợi, tập trung, khẩn trương. Hiện tại, TPHCM đang chờ nghị quyết của Chính phủ về dự án. Vừa qua, các địa phương cũng đã họp, thống nhất quy chế phối hợp, từng địa phương cũng đã rà soát công tác giải phóng mặt bằng, đã tiến hành trước các công việc có thể tiến hành được; đã chuẩn bị các điều kiện để khi có nghị quyết sẽ chính thức chỉ định tư vấn và triển khai các công việc khác. Có thể nói, đến thời điểm này, dự án Vành đai 3 TPHCM đang khá thuận lợi. 

Về đoạn 1A của dự án Vành đai 3 TPHCM (Bộ GTVT chủ trì, Đồng Nai, TPHCM liên quan), thì phần TPHCM phụ trách giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 1,7/1,9km, hoàn toàn đủ điều kiện để tháng 9 sẽ khởi công đoạn này. Về tuyến đường sắt đô thị metro 1 và 2, hiện khối lượng thực hiện đạt trên 91%, đang rất tập trung. TPHCM kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét trình Thủ tướng chấp thuận cho phép TPHCM tiến hành thủ tục phê duyệt điều chỉnh thời gian dự án metro 1 và 2. 

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng chấp thuận phê duyệt điều chỉnh giá trị vốn cấp phát và vay lại, thành phố đã gửi hồ sơ, đề nghị các bộ trình Thủ tướng. Sau khi có các thủ tục trên, TPHCM sẽ triển khai các công việc tiếp theo, bảo đảm trong năm nay chạy thử nghiệm tuyến metro, năm 2023 khánh thành và khai thác thương mại metro 1. Với metro 2 thì hiện tại giải phóng mặt bằng đã đạt 84%, vừa qua có vướng mắc ở quận 3 thì thành phố đã giải quyết xong, tới đây sẽ tiếp tục các phần việc còn lại. 

Với dự án Vành đai 4, TPHCM đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho Sở GTVT. Trong tháng 8, thành phố nghe báo cáo tiền khả thi cho dự án Vành đai 4 đoạn TPHCM. Những nội dung nào cần phải trình Quốc hội thì thành phố sẽ trình vào kỳ họp giữa năm 2023. Do dự án diễn ra ở các địa bàn, trong đó có một số địa bàn đã triển khai trước như Bình Dương, nên để bảo đảm tiến độ chung, khai thác toàn tuyến, thành phố đề nghị BCĐ Nhà nước quan tâm, theo dõi tiến độ của các địa phương để chỉ đạo triển khai đồng bộ, hoàn thành toàn tuyến cùng thời điểm.

Với dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, thành phố đang hoàn thiện hồ sơ để trong tuần này trình Thủ tướng phê duyệt nhằm triển khai, phấn đấu bảo đảm tiến độ. Với dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, liên quan đến TPHCM thì phần giải phóng mặt bằng ở Nhà Bè đã hoàn thành xong, sắp hoàn thành ở huyện Bình Chánh, bảo đảm triển khai.