Tìm phương thức đầu tư phù hợp cho 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc

|

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp chiều 13-5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thẩm tra 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng giao thông đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu.

“Đặc biệt, hiện nay các tỉnh thuộc phạm vi các dự án đang triển khai, thực hiện lập quy hoạch tỉnh, do đó đề nghị các địa phương cần cập nhật, cụ thể hóa các dự án này trong quy hoạch tỉnh để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch, đặc biệt là việc kết nối thuận lợi cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics…; lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Về các dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy do các tuyến này có lưu lượng xe chưa cao dẫn tới thời gian hoàn vốn dài, do vậy việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư là khó khả thi. Việc Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công là phù hợp.

Về dự án Biên Hòa – Vũng Tàu, một số ý kiến cho rằng dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn rất hạn chế nhưng đang phải triển khai thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng thì việc thu hút được các nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia đầu tư là rất cần thiết. Do đó, đề nghị cân nhắc tiếp tục đầu tư dự án này theo phương thức đối tác công tư.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng trường hợp triển khai dự án này theo phương thức đối tác công - tư dự kiến đến năm 2026 mới có thể cơ bản hoàn thành. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay việc thu xếp, tiếp cận nguồn tín dụng của các nhà đầu tư còn khó khăn, đồng thời thực tế triển khai một số dự án BOT (dự án Diễn Châu - Bãi Vọt) thời gian qua cho thấy tiến độ chưa đạt yêu cầu đề ra và khó xác định chính xác được thời gian hoàn thành.

Do đó, nếu triển khai theo phương thức đối tác công - tư sẽ không bảo đảm được tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 để khai thác đồng bộ với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025 và tình trạng quá tải của các tuyến đường giao thông hiện hữu đang ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương liên quan. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ.

Vẫn theo ông Vũ Hồng Thanh, điều đáng lưu ý là nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bố trí cho các dự án này khoảng 9.620 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa báo cáo UBTVQH xem xét cho ý kiến về Danh mục phân bổ vốn theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách, tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng chưa trình UBTVQH về phương án sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021.

Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách địa phương, tham gia đầu tư các dự án này khoảng 8.358,5 tỷ đồng, chiếm 12,4% nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 của 3 dự án này. Theo quy định của pháp luật, khi quyết định chủ trương đầu tư phải quyết định tổng mức vốn và cơ cấu vốn. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có nghị quyết của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết bố trí 670 tỷ đồng, chưa có nghị quyết của HĐND các tỉnh còn lại cam kết số vốn bố trí.

Để thuận lợi cho việc phân cấp quản lý, Chính phủ kiến nghị phân chia các dự án thành phần theo nguyên tắc nằm trên địa bàn một tỉnh. Tuy nhiên, việc phân chia các dự án thành phần như vậy sẽ không bảo đảm điều kiện vận hành độc lập của các dự án thành phần. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn giải pháp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cho toàn bộ các dự án này và thuận lợi cho việc quản lý, khai thác, vận hành, thu phí về sau. Theo đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ nên giao cho một cơ quan có đủ năng lực và kinh nghiệm chủ trì thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của các dự án này.

Dự án đường vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 thủ đô Hà Nội: Tính kỹ phạm vi, mức độ cơ chế đặc thù