Trong giai đoạn Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển bứt phá với các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), du lịch trực tuyến trở thành xu thế tất yếu và có khả năng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cùng với bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến được xem là một trong hai thị trường cơ bản chiếm tỷ trọng cao nhất và đóng góp lớn vào sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử cũng như nền kinh tế số Việt Nam trong vài năm trở lại đây.
Bức tranh du lịch trực tuyến Việt Nam
Năm 2019 đánh dấu sự thành công của ngành Du lịch khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt được con số cao kỷ lục, trên 18 triệu lượt khách, tăng trưởng 16,2% so với năm 2018; tổng doanh thu đạt 720 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 33 tỷ USD), đóng góp tới 9,2% vào GDP của đất nước. Cũng trong năm 2019, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã đánh giá Việt Nam nằm trong danh sách top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Cùng với những nỗ lực đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, chất lượng du lịch với những cải thiện tích cực, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp giữ vững danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á” do Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) 2019 bình chọn. Trong đó, du lịch trực tuyến dù còn mới mẻ nhưng đã có những đóng góp to lớn kiến tạo nên những thành công rực rỡ của ngành Du lịch Việt Nam.
Bức tranh du lịch trực tuyến Việt Nam
Năm 2019 đánh dấu sự thành công của ngành Du lịch khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt được con số cao kỷ lục, trên 18 triệu lượt khách, tăng trưởng 16,2% so với năm 2018; tổng doanh thu đạt 720 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 33 tỷ USD), đóng góp tới 9,2% vào GDP của đất nước. Cũng trong năm 2019, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã đánh giá Việt Nam nằm trong danh sách top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Cùng với những nỗ lực đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, chất lượng du lịch với những cải thiện tích cực, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp giữ vững danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á” do Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) 2019 bình chọn. Trong đó, du lịch trực tuyến dù còn mới mẻ nhưng đã có những đóng góp to lớn kiến tạo nên những thành công rực rỡ của ngành Du lịch Việt Nam.
Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 của Google, Temaseck và Brain company đã xếp du lịch trực tuyến là một trong năm lĩnh vực chính của nền kinh tế số các nước Đông Nam Á trong nhóm ASEAN6, trong đó có Việt Nam. Báo cáo cho thấy, du lịch trực tuyến đã đóng góp khoảng 4,1 tỷ USD vào nền kinh tế số trị giá gần 12 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2019. Dù chỉ đạt mức tăng 16% trong giai đoạn 2015-2019, du lịch trực tuyến vẫn đứng thứ 2 trong nền kinh tế số, chỉ sau thương mại điện tử (đạt 4,6 tỷ USD) và vượt khá xa các lĩnh vực kinh tế số khác như: Truyền thông trực tuyến (2,8 tỷ USD), gọi xe công nghệ (1,1 tỷ USD). Công nghệ quảng cáo và du lịch cũng là một trong những lĩnh vực số nằm trong top ngành thu hút vốn đầu tư của kinh tế số Việt Nam.
Sự ra đời và phát triển của hàng loạt nền tảng số với công nghệ 4.0 đã cho phép du khách thông qua các thiết bị thông minh có thể tiếp cận với mọi công đoạn chuẩn bị cho một chuyến du lịch như: Chọn điểm đến, lên kế hoạch cho lịch trình, đặt dịch vụ, trải nghiệm và chia sẻ. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên internet, hành vi tiêu dùng của du khách cũng thay đổi dẫn đến xu hướng du lịch cũng dần dịch chuyển từ các hình thức du lịch truyền thống thông qua các công ty lữ hành, đặt tour sang du lịch cá nhân, tự túc, đặc biệt là với du khách trẻ - nhóm du khách có khả năng tiếp cận và ứng dụng rất nhanh với các hình thức sử dụng công nghệ trực tuyến. Du lịch trực tuyến đã từng bước thay thế cho rất nhiều khâu của du lịch truyền thống trước đây.
Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng tiêu dùng du lịch Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn tương đồng với sự thay đổi của thế giới. Từ sử dụng tiền mặt cho chi trả đang chuyển sang thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Trong đó các dịch vụ đặt chỗ, vé máy bay, khách sạn thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh tăng mạnh.
Bên cạnh đó, sự phát triển và tính lan tỏa cộng đồng của mạng xã hội như facebook, instagram, các vblog du lịch… đã góp phần không nhỏ giúp quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến du khách cả trong và ngoài nước. Các địa điểm đẹp, món ăn ngon, văn hóa vùng miền độc đáo… được những người nổi tiếng, facebooker, các bạn trẻ, blogger… chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội đã tạo hiệu ứng và truyền cảm hứng du lịch một cách cảm quan nhất đến với du khách. Cùng với đó là những chia sẻ về trải nghiệm, kinh nghiệm, đánh giá, nhận xét giúp du khách dễ dàng lựa chọn điểm đến cho mình.
Với trên 63 triệu thuê bao di động có phát sinh sử dụng internet, tương ứng với số người sử dụng điện thoại thông minh trên cả nước và nền tảng số ngày càng được định hình rõ nét, công nghệ thông tin và mạng xã hội hứa hẹn sẽ trở thành động lực phát triển cho du lịch trực tuyến Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các thị phần chủ chốt liên quan đến du lịch trực tuyến tại Việt Nam như đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn… hầu như đang được nắm giữ bởi các thương hiệu nước ngoài như: Agoda, Traveloka, Booking, Tripadviser… Việt Nam. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trực tuyến vào du lịch tại Việt Nam lại là những tên tuổi không phải ai cũng biết đến như: VNTrip, Vinabooking, Mytour, Chudu24, Ivivu. com, Viettravel, Saigontourist… và hầu như mới chỉ cung cấp dịch vụ cho thị trường khách nội địa và vẫn bỏ lỡ nguồn thu ngoại tệ lớn từ khách quốc tế vào tay doanh nghiệp ngoại. Theo các chuyên gia ngành du lịch Việt Nam, các sàn giao dịch điện tử Việt Nam mới chỉ thực hiện được khoảng 20% nhu cầu giao dịch, trong khi khách du lịch quốc tế, thậm chí cả khách nội địa thường tìm đến những sàn giao dịch trực tuyến nước ngoài. Riêng mảng đặt phòng trực tuyến, hai sàn giao dịch nước ngoài là Agoda và Booking đã chiếm khoảng 80% thị phần Việt Nam. Nếu vượt qua thách thức này, thì đây chính là tiềm năng, cơ hội để du lịch trực tuyến Việt Nam nâng cao uy tín, chất lượng và chiếm lại thị phần.
Để tạo đà tăng trưởng du lịch trực tuyến
Những năm qua, Việt Nam luôn chủ động tham gia vào CMCN 4.0 với quyết tâm tận dụng cơ hội đi tắt đón đầu, nhanh chóng tiệm cận thị trường thế giới dựa trên sự tăng trưởng nhanh của nền tảng số và giá trị gia tăng cao. Chính vì vậy, Việt Nam đã và đang tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ số, trực tuyến… Để hiện thực hóa, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển CMCN 4.0 trong toàn bộ nền kinh tế; trong đó phải kể đến Luật Du lịch ban hành năm 2017 đã khẳng định ngành cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại.
Du lịch trực tuyến hiện đang có rất nhiều cơ hội từ các nền tảng công nghệ mới với quyết tâm của Việt Nam khi chọn năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Sau thử nghiệm thành công mạng 5G băng thông rộng năm 2019, quá trình thương mại hóa sẽ được thực hiện trong năm 2020, góp phần giúp cho các doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ hoạt động thuận lợi hơn. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã ứng dụng thành công các công cụ trực tuyến, xây dựng những phần mềm thông minh hỗ trợ việc kinh doanh và quản trị du lịch. Mặt khác, phong trào khởi nghiệp của đội ngũ tri thức trẻ, có khả năng tiếp cận nhanh và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ đã hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch trực tuyến, qua đó tạo ra diện mạo mới mẻ, năng động cho du lịch Việt Nam.
Google, Temaseck và Brain company đã đưa ra những đánh giá khả quan về sức tăng trưởng du lịch trực tuyến tại Việt Nam trong tương lai và kỳ vọng ngành này sẽ tiếp tục duy trì vị trí thứ hai trong nền kinh tế số, đạt trị giá lên đến 9 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, từ những ngày đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giáng một cú đánh mạnh vào nền kinh tế toàn cầu; khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới phải thực hiện lệnh phong tỏa, cách ly xã hội, hạn chế đi lại… Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi hầu như tất cả các khâu của hoạt động du lịch đều bị đình trệ và đóng băng hoàn toàn. Do tác động của dịch bệnh COVID-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt 3,68 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2020, khu vực dịch vụ lần đầu tiên có mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ của 10 năm qua (chỉ đạt 390 nghìn tỷ đồng). Đến thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện cách ly xã hội, tất cả các điểm tham quan du lịch đã phải ngừng hoạt động và cung cấp dịch vụ hoàn toàn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và quy chế kiểm soát đi lại của các nước, hàng loạt khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour, hủy kế hoạch du lịch; nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khốn khó. Cũng trong quý I, có 936 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống phải tạm ngừng kinh doanh, tăng 29,3% so với cùng thời điểm năm 2019. Có thể nói ở thời điểm này, du lịch trực tuyến cũng đang phải nằm im và chờ đợi.
Mặc dù vậy, nhìn về tương lai khi đại dịch kết thúc, du lịch trực tuyến tại Việt Nam hoàn toàn có động lực để tin tưởng vào khả năng phục hồi và phát triển nhất là sau một thời gian dài hạn chế đi lại, cách ly xã hội, tâm lý căng thẳng, khi dịch bệnh được kiểm soát và nhịp sống bình thường trở lại, nhu cầu đi lại, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân trong nước được dự kiến sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, trong giai đoạn cả thế giới phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, hình ảnh một Việt Nam nhỏ bé nhưng công tác chống dịch lại kiểm soát rất tốt, hơn cả nhiều nước phát triển và đã được dư luận, truyền thông thế giới biết đến. Những thông tin đó đã góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam thân thiện, an toàn khiến cho du khách quốc tế cảm thấy an tâm và có động lực lựa chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch.
Do đó, trước khi hồi phục, du lịch trực tuyến Việt Nam cần tranh thủ sự hỗ trợ của các ngân hàng, nhà nước, cơ cấu lại tổng thể toàn ngành, mạnh mẽ chuyển đổi các hình thức truyền thống sang trực tuyến, vừa để đáp ứng xu thể chuyển đổi, vừa để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại. Các doanh nghiệp cần nắm bắt được xu hướng của du khách online, qua đó triển khai các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến, ứng dụng các hệ sinh thái công nghệ trong quản lý và kinh doanh du lịch. Doanh nghiệp cũng cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cải thiện năng lực ứng dụng công nghệ của đội ngũ nhân viên trong ngành. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần liên kết đẩy mạnh du lịch trực tuyến, thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo hiểm… để cùng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn và chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội mới./.
TS. Nguyễn Văn Giao - ThS. Đặng Thị Thư
Đại học Thương mại
Đại học Thương mại