Du lịch Việt tổn thất nặng nề mùa dịch Covid-19

|

Du lịch Việt tổn thất nặng nề mùa dịch Covid-19

Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 lan rộng tới 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã khiến ngành Du lịch Việt Nam bị tổn thất nặng nề: Lượng khách du lịch giảm mạnh; dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển hoạt động cầm chừng… Ước tính, con số thiệt hại do COVID-19 đối với ngành du lịch Việt có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.


Thiệt hại nặng nề

Theo thống kê trong vòng 3-4 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng ngoạn mục, thuộc hàng cao nhất thế giới, với mức trung bình trên 20%/năm. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, cao kỷ lục từ trước đến nay và đang đặt ra mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp thực sự là một cú sốc với ngành du lịch Việt Nam ngay từ những ngày đầu năm 2020.

Kể từ ngày 28/1/2020, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm toàn bộ các hoạt động du lịch nội địa và du lịch nước ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch tại những quốc gia đón nhiều khách Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các tỉnh thành đón nhiều khách Trung Quốc bao gồm Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc... Chính vì vậy, khi toàn bộ các tour du lịch từ Việt Nam đi Trung Quốc bị hủy vì dịch bệnh thì các công ty lữ hành và hàng không đứng trước nguy cơ bị hủy tour và mất trắng nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến du khách lo sợ không dám đi tour trong nước và nước ngoài khiến ngành du lịch thất thu và các công ty du lịch bị thua lỗ lớn. Giới chuyên gia cho rằng, nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều công ty du lịch, khách sạn, hàng không, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch... có thể đứng trước nguy cơ phá sản.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh đó, các thị trường trọng điểm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… cũng bị sụt giảm mạnh. Những thị trường khác cũng được dự đoán sẽ tiếp tục đi xuống, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp trong những ngày qua. Theo ước tính ban đầu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong ba tháng tới, thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9-7 tỷ USD. Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, dự đoán khách du lịch sẽ giảm 90-100%, tương ứng giảm 1,7-1,9 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.021 USD/lượt (theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng cục Du lịch), thiệt hại kinh tế sẽ là 1,8-2 tỷ USD. Đối với các thị trường khách quốc tế còn lại, khách du lịch giảm khoảng 50-70%, tương ứng lượng khách giảm 2-2,8 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.083 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2-3 tỷ USD. Với thị trường nội địa, dự đoán khách du lịch giảm 50- 70%, tức lượng khách sẽ giảm 10,9-15,3 triệu lượt; thiệt hại từ thị trường này khoảng 1,9-2,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, con số thiệt hại theo ước tính của Tổng cục Du lịch chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách nhân với mức chi tiêu bình quân, mà chưa tính đến thiệt hại của các doanh nghiệp. Trong khi đó, đối tượng chịu tác động mạnh nhất hiện nay chính là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú như hệ thống resort - khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí...).

Theo đánh giá sơ bộ của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến hết tháng 2/2020, công suất phòng của các cơ sở lưu trú trên địa bàn giảm mạnh hơn 50% so với cùng kỳ năm trước; lượng khách qua các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng giảm đến 50%, trong khi đó, các đơn vị chuyên khách nói tiếng Hoa có mức sụt giảm còn mạnh hơn, lên đến trên 70%. Một số doanh nghiệp lữ hành lớn cho biết, số tiền thiệt hại chỉ sau 1 tháng bùng nổ dịch bệnh đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Chưa kể việc phải đền bù, đóng phạt cho đối tác nước ngoài trong trường hợp khách đòi hủy tour mà không thương lượng được. Các hoạt động, kế hoạch phát triển thị trường của nhiều doanh nghiệp bị xáo trộn, ngưng trệ dẫn đến việc làm của lao động ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với cán bộ, công nhân viên.

Tại Thủ đô Hà Nội, tính đến 3/3, đã có gần 20 nghìn khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội, tập trung chính vào khách đến từ Trung Quốc (trên 17 nghìn lượt), còn lại là các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật, Indonesia, châu Âu, Mỹ… Cùng với đó, trên 15 nghìn khách nội địa hủy tour đi quốc tế, chủ yếu là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo số liệu thống kê từ các cơ sở lưu trú, số lượng khách đặt phòng hủy hơn 80 nghìn lượt.

Thị trường khách du lịch tại Đà Nẵng cũng giảm từ 10-50% so với cùng kỳ, trong đó, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á giảm từ 20-30%. Các đoàn khách lẻ có tour từ Trung Quốc hay đi Trung Quốc đều đã huỷ... Cùng với đó, công suất khai thác của các khách sạn giảm từ 30-40% so cùng kỳ; công suất tại các điểm đến du lịch cũng giảm từ 30-40%. Những nơi trước đây khách Trung Quốc, Hàn Quốc đông kín trên các tuyến đường trung tâm thì nay hầu như vắng bóng.

Tại Khánh Hòa, hiện hầu hết khách Trung Quốc đã rút vì COVID-19. Còn tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đến thời điểm hiện tại, khoảng 10 nghìn phòng khách sạn được đặt từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3/2020 đã bị hủy, chủ yếu ở phân khúc khách sạn 1-2 sao, các homestay, nhà nghỉ bình dân... Ngoài ra, rất nhiều hàng quán, nhà hàng, khách sạn nhỏ tại các điểm nóng du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đã phải thông báo đóng cửa...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả những thiệt hại này chắc chắn còn vượt xa con số 7 tỷ USD mà Tổng cục Du lịch ước tính. Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) cho rằng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tới quý II, mức độ thiệt hại của ngành du lịch có thể vượt 15 tỷ USD./.
 
Theo số liệu của Tổng  cục Thống kê, tính chung quý I/2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.686,8 nghìn lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.991,6 nghìn lượt người, chiếm 81,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 14,9%; bằng đường bộ đạt 551,1 nghìn lượt người, chiếm 15% và giảm 39,4%; bằng đường biển đạt 144,1 nghìn lượt người, chiếm 3,9% và tăng 92,1%.

Trong 3 tháng đầu năm, khách đến từ châu Á đạt 2.674,4 nghìn lượt người, chiếm 72,5% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt 871,8 nghìn lượt người, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 819,1 nghìn lượt người, giảm 26,1%; Nhật Bản 200,3 nghìn lượt người, giảm 14,1%; Đài Loan 192,2 nghìn lượt người, giảm 7,2%; Ma-lai-xi-a 116,2 nghìn lượt người, giảm 19,1%. Bên cạnh đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có số khách đến nước ta vẫn tăng trong quý I: Thái Lan 125,7 nghìn lượt người, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; Cam-pu-chia đạt 120,4 nghìn lượt người, tăng 254,3%; Lào đạt 36,8 nghìn lượt người, tăng 38,5%.

Khách đến từ châu Âu trong quý I ước tính đạt 664,3 nghìn lượt người, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Vương quốc Anh 81,4 nghìn lượt người, giảm 9,4%; Pháp 74,5 nghìn lượt người, giảm 14,7%; Đức 61,5 nghìn lượt người, giảm 14,9%; riêng khách đến từ Liên bang Nga tăng 13,6% với 245 nghìn lượt người. Khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234 nghìn lượt người, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ đạt 172,7 nghìn lượt người, giảm 21,4%. Khách đến từ châu Úc đạt 102,2 nghìn lượt người, giảm 14,4%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 92,2 nghìn lượt người, giảm 15%. Khách đến từ châu Phi đạt 11,9 nghìn lượt người, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.

 
Thu Hường