Sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng trưởng cao và ổn định

|

Sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng trưởng cao và ổn định

Ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá cao và ổn định

Trong mức tăng chung của ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo - ngành kinh tế mũi nhọn (hiện đóng góp trên 22% trong GDP mới điều chỉnh) - tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao với 11,29% (theo giá trị gia tăng), đóng góp chủ yếu với tỷ lệ xấp xỉ 33% vào mức tăng chung của GDP năm 2019.

Hầu hết các ngành công nghiệp trọng điểm, sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng xuất khẩu thuộc ngành chế biến, chế tạo giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao như: Sản xuất kim loại tăng 28,6%; sản xuất xăng dầu tăng 21,5%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,3%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy; sản xuất giường, tủ, bàn ghế cùng tăng 11,6%; dệt tăng 11,4%; sản xuất đồ uống tăng 10,5%. Đối với ngành khai khoáng, tuy ngành khai thác dầu, khí tiếp tục sụt giảm theo kế hoạch đã được dự báo, nhưng ngành khai thác than năm 2019 lại tăng trưởng khá cao với 11,5% nên đã phần nào bù đắp vào mức sụt giảm của ngành khai thác dầu, khí.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo địa phương, có 57/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tỉnh có tốc độ tăng sản xuất công nghiệp trong nhóm tăng cao nhất gồm: Ninh Thuận tăng 41,7% (chủ yếu do ngành sản xuất điện tái tạo đầu tư mới tăng 217,7%); Bình Thuận tăng 33% (chủ yếu do ngành sản xuất điện tái tạo đầu tư mới tăng 45,8%); Bắc Giang tăng 30,4%; Trà Vinh tăng 28,3%; Ninh Bình tăng 26%; Hà Tĩnh tăng 25,3% (chủ yếu do đóng góp tích cực của Tập đoàn Formosa có quy mô sản xuất lớn, kinh doanh hiệu quả); Hải Phòng tăng 24,2%; Lào Cai tăng 19,3%; Kon Tum tăng 16,7%; Thanh Hóa tăng 16,3% (chủ yếu do đóng góp của Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn quy mô lớn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018)... Có 6 tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 giảm, trong đó có 3 tỉnh giảm do sản xuất thủy điện thiếu nguồn nước (gồm: Sơn La giảm 27,6%, Hòa Bình giảm 20,2% và Lai Châu giảm 10%); Bắc Ninh giảm 10,6% (chủ yếu do ngành sản xuất các sản phẩm điện tử suy giảm); Gia Lai giảm 4,9%; Điện Biên giảm 1,5%. Một số địa phương quy mô công nghiệp lớn cũng có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá cao so với năm trước như: Hải Phòng tăng tới 24,2%; Quảng Ninh tăng 12,7%; Vĩnh Phúc tăng 11,3%; Thái Nguyên tăng 11,1%; Hải Dương tăng 10,2%; Bình Dương tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 8,8%; Hà Nội tăng 8,5%; Cần Thơ tăng 8,2%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,6%...
 

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019 là năm xuất khẩu của nước ta đạt con số ấn tượng với 263,45 tỷ USD, xuất siêu gần 10 tỷ USD. Đóng góp chi phối vào quy mô và tốc độ chung của xuất khẩu là các sản phẩm của ngành chế biến chế tạo, cụ thể: Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản xuất khẩu ước đạt 133 tỷ USD, tăng 8,7% (10,6 tỷ USD), chiếm 50,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 51,8 tỷ USD, tăng 5,3% (2,6 tỷ USD), chiếm 19,7%. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 101 tỷ USD, tăng 11,3% (10,2 tỷ USD), chiếm 38,3% tổng kim ngạch…
 
Công nghiệp tăng trưởng ổn định - những nguyên nhân chủ yếu

Có một số yếu tố cơ bản là nền tảng cho sản xuất công nghiệp năm 2019 và các năm tiếp theo tiếp tục tăng trưởng ổn định, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế:

Một là, năm 2019 ngành công nghiệp tiếp tục được mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm nhiều lao động hơn các năm trước (toàn ngành công nghiệp thu hút thêm 2,8% lao động, trong đó ngành chế biến, chế tạo thu hút thêm 3%; khu vực doanh nghiệp công nghiệp FDI thu hút thêm 4,3%). Điều đó cho thấy, cấu của nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng đang chuyển động theo hướng tích cực và hiệu quả hơn.

Hai là, năm 2019 cũng là năm cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt kỷ lục với 138.139 doanh nghiệp. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành đi đầu về tăng mới và bổ sung thêm mô sản xuất, theo đó tăng 6,2% về số doanh nghiệp (mức tăng chung của toàn bộ nền kinh tế là 5,2%); tăng 18,8% về vốn đăng ký mới (mức tăng chung là 17,1%) và đặc biệt, số lao động tăng tới 35,8% (mức tăng chung là 13,3%).

Ba là, các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo dự báo 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục có xu hướng phát triển tốt hơn 6 tháng cuối năm 2019 với các chỉ số dự báo như sau: Có 89,3% doanh nghiệp (DN) lạc quan cho rằng 6 tháng đầu năm 2020 khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với 6 tháng cuối năm 2019 (trong đó 55,3% DN dự báo tăng và 34% giữ nguyên). Tỷ lệ các DN dự báo đơn hàng mới tăng và giữ ổn định khả quan hơn ở 6 tháng đầu năm 2020 so với 6 tháng cuối năm 2019, trong đó khu vực DN nhà nước và doanh nghiệp FDI với cùng 91,8%, khu vực DN ngoài nhà nước 89,3%. Xu hướng dự báo đơn hàng xuất khẩu tăng và giữ ổn định cao hơn ở 6 tháng đầu năm 2020 so với 6 tháng cuối năm 2019 đều tăng ở cả ba khu vực: Khu vực DN nhà nước với 92,4%; khu vực FDI 92,2% và khu vực DN ngoài nhà nước 90,7%.

Với đà tăng trưởng cao của năm 2019 và xu hướng tiếp tục đầu tư mạnh mẽ về số doanh nghiệp thành lập mới, thu hút thêm lao động và vốn, dự báo năm 2020 ngành công nghiệp, đặc biệt ngành chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực, chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế./.

 
TS. Phạm Đình Thúy
Vụ trưởng vụ Thống kê Công nghiệp - TCTK