Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Đẩy mạnh cải cách hành chính hướng đến phát triển bền vững

|

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Đẩy mạnh cải cách hành chính hướng đến phát triển bền vững

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động toàn Ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành, hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững.
 
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2018, toàn quốc có 14,7 triệu người tham gia BHXH, đạt 100,7% kế hoạch Chính phủ giao; chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHYT khoảng 82,3 triệu người, đạt 102,3% kế hoạch Chính phủ giao, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 88,5% (vượt 3,3% so với chỉ tiêu được giao).

Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp toàn Ngành đạt trên 332 nghìn tỷ đồng, đạt 100,4% so kế hoạch được giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.

Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được bảo đảm với gần 180 triệu lượt người được chi trả chi 
phí khám chữa bệnh BHYT; trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chi trả lên tới gần 300 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống cho trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng (trong đó có 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt, gần 500 nghìn người nhận qua tài khoản cá nhân). Đồng thời, tạo cơ hội được chăm sóc y tế cho hàng triệu người mắc các bệnh nan y với mức chi phí điều trị y tế của mỗi người lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm…
 
Công tác mở rộng đối tượng tham gia, giảm nợ đọng được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác truyền thông vận động tới từng đối tượng cụ thể; tiếp tục mở rộng hệ thống Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình qua hệ thống bưu điện, bảo hiểm PVI...; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, đối thoại, thảo luận nhóm, tư vấn, phát tờ rơi… về chính sách BHXH, BHYT với người dân, người lao động ngay tại doanh nghiệp hoặc cộng đồng dân cư.

Có thể thấy, đạt được những kết quả trên là do ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực trong triển khai và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính. Năm 2018, BHXH Việt Nam được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ về thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)… được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận. Nếu như năm 2011, số TTHC của ngành là 263 thủ tục thì đến năm 2018 chỉ còn 28 thủ tục đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, trang tin điện tử của BHXH các tỉnh. Trong từng thủ tục, các quy định về mẫu biểu, hồ sơ cũng như quy trình giải quyết cũng được đơn giản hóa tối đa, thời gian giải quyết từng thủ tục được rút ngắn.

 


Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Mới đây, theo Báo cáo của BHXH Việt Nam quý III/2019, BHXH Việt Nam tiếp tục tập trung mọi nguồn lực rà soát, đơn giản hóa TTHC gắn với ứng dụng CNTT; thường xuyên đánh giá hiệu quả của quy định TTHC hiện hành, chủ động kiến nghị cắt giảm hoặc sửa đổi đđơn giản hoá thủ tục. Theo đó, 18 TTHC được thay thế trong lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; bãi bỏ 01 TTHC trong lĩnh vực chi trả các chế độ này (từ 28 xuống còn 27 thủ tục). Nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH giảm từ 20 ngày xuống còn 5 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin...

Việc cập nhật, công bố, công khai TTHC được thực hiện đúng quy định, tất cả các TTHC đều được niêm yết công khai tại trụ sở BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện; thực hiện công bố công khai danh mục các TTHC trên Cổng Thông tin Điện tử của BHXH Việt Nam, Trang thông tin điện tử của BHXH các tỉnh.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam thường xuyên rà soát toàn bộ cơ sở dữ liệu TTHC của ngành trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để kịp thời cập nhật, chuẩn hoá các TTHC còn hiệu lực, TTHC mới ban hành và xoá bỏ các TTHC đã hết hiệu lực theo đúng quy định.

Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo 3 hình thức: Qua bộ phận “một cửa” tại trụ sở cơ quan BHXH; qua giao dịch điện tử (doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần); qua dịch vụ bưu chính công ích (doanh nghiệp không phải trả phí). Thông qua hình thức này đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.

Cùng với đó, cơ quan BHXH cũng đã đưa vào vận hành Hệ thống Một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn... Hiện nay, có trên 90% đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện triển khai thí điểm việc ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng (tại Hải Dương, Hà Nội), trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng, việc ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu tại các tỉnh, thành khác trên toàn quốc…

Song song với công tác cải cách TTHC, công tác ứng dụng CNTT các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành những năm qua cũng tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực: Thu, cấp sổ BHXH; thẻ BHYT; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; 
giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đến nay, đã có 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và hơn 34,78 triệu hồ sơ điện tử giao dịch phát sinh trên hệ thống với tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn là 98,9%.
 
BHXH Việt Nam cũng đã tập trung xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm nghiệp vụ với mục tiêu tin học hóa toàn diện hoạt động nghiệp vụ của Ngành, thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan BHXH trên môi trường mạng, nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động, bao gồm các phần mềm: Lưu trữ hồ sơ điện tử ngành BHXH để số hóa tài liệu lưu trữ của Ngành; Thu và quản lý sổ thẻ; Kế toán tập trung; Xét duyệt chính sách; Quản lý đầu tư quỹ; Quản lý đấu thầu thuốc tập trung... Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Ngành hiện nay đã kết nối với hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc (gần 100%). Hệ thống đã tiếp nhận hồ sơ khám chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán của hàng triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tỷ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt trên 95%.

Với những kết quả đạt được, theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành BHXH đang đứng thứ 2, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 6 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ của người tham gia BHYT. Cơ sở dữ liệu này đã sẵn sàng tiến tới tích hợp, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) trong toàn Ngành, năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành BHXH đặt mục tiêu triển khai công tác CCHC nhằm hướng tới mục tiêu: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất và ý thức về hành chính phục vụ, nêu cao tinh thần “nỗ lực, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” trong toàn ngành; tiếp tục đẩy mạnh giao dịch BHXH điện tử, giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy hiện đại hoá hành chính thông qua việc tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến; cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, dữ liệu chi trả BHXH, quá trình hưởng và tham gia, thông tin đơn vị tham gia BHXH; khẩn trương xây dựng hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp...

Theo đó, ngành BHXH sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm về công tác CCHC gồm: Tiến hành rà soát, đơn giản hoá và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của ngành; tăng cường đẩy mạnh việc cắt giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ, giảm số giờ giao dịch BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao… Ngành cũng đã hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án “Đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan”…

Bên cạnh đó, để tạo nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn thực hiện nhiệm vụ trong quá trình đẩy mạnh CCHC, BHXH Việt Nam cũng tiến hành các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về hành chính phục vụ; thực hiện Kế hoạch tinh giản biên chế trong toàn ngành đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện CCHC mạnh mẽ trong các công tác chi trả BHXH; đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố; tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương, tiền công; đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị trực thuộc.

BHXH Việt Nam cũng tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong hệ thống; tiếp tục triển khai Đề án “Nghiên cứu xây dựng, thành lập và triển khai mô hình tổ chức hỗ trợ, tư vấn giải đáp về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của ngành BHXH”; tổ chức thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp bộ máy ngành BHXH theo hướng tin gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”…

Với sự tập trung tối đa mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt trong thực hiện CCHC nhằm tiết kiệm chí phí và thời gian cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp,… thời gian tới ngành BHXH đặt mục tiêu quyết tâm giữ vững vị trí đi đầu trong thực hiện CCHC, khẳng định là đơn vị trụ cột trong triển khai hệ thống an sinh xã hội quốc gia hướng tới phát triển bền vững./.

 
 T.H