Bình Dương: Sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới

|

Bình Dương: Sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới

Sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM
 
Ngay từ đầu giai đoạn 2010- 2015, tỉnh Bình Dương đã thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM, cũng như lồng ghép với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khác, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn theo hướng hiện đại. Theo đó, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt huy động nguồn lực từ Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp phục vụ xây dựng NTM, trong đó phong trào thi đua“Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM” được các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh nhiệt tình tham gia.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Từ đó tới nay, Bình Dương đã luôn có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát huy được sức dân trong xây dựng NTM. Chẳng hạn, đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn, tỉnh đã lồng ghép với chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa toàn tỉnh. Nhờ đó, các công trình giao thông, trường học, y tế… được đầu tư đồng bộ, giảm được chi phí không cần thiết...
 
Song song với việc xây dựng NTM, Bình Dương đã lồng ghép những chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản. Qua đó, tỉnh đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân tại các địa bàn nông thôn trong tỉnh.
 
Từ những kết quả bước đầu đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, trong 3 năm qua (2016-2018), Tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan đổi mới phương pháp, đa dạng hóa cách thức tuyên truyền để các cơ chế, chính sách, những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong xây dựng NTM… đến rộng rãi với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; Các địa phương tiếp tục đầu tư nâng chất lượng các tiêu chí NTM, như giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế, điện, nước sạch nông thôn, môi trường…
 
Với sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp, Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tổng nguồn vốn huy động trong giai đoạn 2016-2018 để xây dựng NTM là 6,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách là 2,9 nghìn tỷ đồng. Điều đáng mừng là đến nay, không có địa phương nào của tỉnh để xảy ra tình trạng nợ công trong xây dựng NTM.
 
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn trong Tỉnh được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Kết quả này được thể hiện qua những tiêu chí NTM cơ bản như: Duy trì 100% số xã đạt chuẩn y tế; 100% nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% số ấp sử dụng điện thoại di động, cố định không dây và truy cập Internet bằng nhiều hình thức; 100% số xã có nhà văn hóa ấp đạt tiêu chí; 66,3% trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, 100% tuyến xã, đường từ trung tâm xã đến huyện, thị trong tỉnh đã được nhựa hóa (tăng 15% so với 2015), 100% đường trục ấp và đường liên ấp được nhựa hóa, bê tông hoặc cứng hóa, 100% đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa (tăng 21% so với năm 2015), 100% đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa. Toàn Tỉnh có 42 chợ nông thôn (tăng 2 chợ so với năm 2015); tỷ lệ hộ dân sử dụng điện tại khu vực nông thôn đạt 99,98%, tăng 0,58% so với năm 2015… Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh còn 1,62% (trong đó hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 0,65%, hộ thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là 0,97%); tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 73%; thu nhập bình quân đầu người ở vùng nông thôn đạt 58 triệu đồng (tăng 11% so với năm 2015)…
 
Tính đến cuối năm 2018, toàn Tỉnh có 43/46 xã đạt 19 tiêu chí được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Dầu Tiếng đạt chuẩn NTM vào năm 2015; thị xã Tân Uyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2016. trong những tháng đầu năm 2019, 03 xã còn lại trên địa bàn tỉnh gồm: An Bình, Phước Hoà (huyện Phú Giáo) và Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng) được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018. Như vậy, đến nay, 100% xã của tỉnh Bình Dương đều đã hoàn thành xây dựng NTM.
 
Xây dựng NTM nâng cao
 
Có thể nói, để đạt được những kết quả tích cực trong công cuộc xây dựng NTM là do chính quyền và nhân dân tỉnh đã nêu cao chủ trương không chạy theo hình thức, chú trọng chất lượng với mục đích chính là nâng cao đời sống cư dân nông thôn, chương trình NTM của Tỉnh đã có bước đi đúng hướng, vững chắc.
 
Để chương trình xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, UBND Tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020 tại Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 16/7/2018, làm cơ sở đánh giá việc nâng cao các tiêu chí sau khi đạt chuẩn NTM. Các chỉ tiêu nâng cao đều hướng tới việc chăm lo đời sống của người dân ở nông thôn tốt hơn, giảm khoảng cách được hưởng các dịch vụ giữa nông thôn và thành thị, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn.
 
Căn cứ Quyết định này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: UBND các huyện, thị chỉ đạo UBND các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM rà soát, đánh giá các tiêu chí đạt được, tiếp tục đầu tư thực hiện nâng chất các tiêu chí còn hạn chế để đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020 ban hành tại Quyết định số 730/QĐ- UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh. Đối với các xã đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020, khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn UBND các huyện, thị tổ chức thực hiện các tiêu chí nâng cao thuộc lĩnh vực ngành quản lý. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hướng dẫn UBND các huyện, thị lựa chọn xây dựng một số mô hình điểm để thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo.
 
Với mục tiêu xây dựng NTM nhằm chăm lo đời sống của người dân nông thôn ngày một tốt hơn, trong năm 2019, Bình Dương phấn đấu có 5 - 7 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện, thị xã đạt chuẩn NTM lên 5 huyện, thị xã. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có 12 - 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; 100% huyện, thị xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
 
Để đạt được mục tiêu trên, Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp cơ sở và nhân dân nắm vững mục tiêu, phương pháp xây dựng NTM, qua đó phát huy vai trò chủ đạo của nhân dân trong thực hiện xây dựng NTM tại địa phương; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn phù hợp với định hướng, lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cho những công trình cấp bách như nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất y tế, văn hóa, trường học…; song song với việc xây dựng mới, tiếp tục thực hiện cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường giao thông, cây xanh, cảnh quan môi trường trong các khu dân cư nông thôn để xây dựng môi trường  sống văn minh, xanh, sạch, đẹp trong thời gian tới./.
 
 
Bài học kinh nghiệm khi xây dựng NTM tại Bình Dương
 
Theo văn phòng điều phối NTM tỉnh Bình Dương, quá trình xây dựng NTM của Bình Dương đã rút ra nhiều bài học quan trọng, trong đó, xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài nên không thể vội vàng huy động một lúc tối đa nguồn lực. Chính vì vậy, để đạt kết quả cao trong xây dựng NTM phải có sự bàn bạc thống nhất giữa Nhà nước và nhân dân để thực hiện các công trình, dự án ưu tiên hoàn thành trước, làm rõ nhiệm vụ của Nhà nước và nhân dân; cùng với đó triển khai các đồ án, đề án để người dân hiểu rõ và đồng thuận góp công, góp của để hoàn thành mục tiêu đề ra. Đồng thời, trong xây dựng NTM, tỉnh luôn lấy người dân làm trọng tâm, các công trình xây dựng, nhất là giao thông nông thôn phải công khai, dân chủ trên cơ sở dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi, từ đó tạo sự đoàn kết, đồng lòng cùng nhau góp sức xây dựng NTM.
 

Thu Hường