Sức bật của ngành công nghiệp nội dung số

|

Sức bật của ngành công nghiệp nội dung số

Sức bật của ngành công nghiệp nội dung số
 
Ngành CNNDS xuất hiện và có những bước đi chập chững đầu tiên ở Việt Nam từ những năm cuối của thế kỷ XX. Tuy nhiên phải đến năm 2007, ngành CNNDS mới thực sự được quan tâm khi Chính phủ ban hành Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển Công nghiệp nội dung số, với 9 dự án và tổng kinh phí đầu tư của Nhà nước lên tới 1.280 tỷ đồng. Đây được coi là văn bản pháp lý đầu tiên, tạo tiền đề cho lĩnh vực CNNDS tăng tốc phát triển trong những năm tiếp theo. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2008, mặc dù hạ tầng Internet nước ta mới chỉ dừng lại ở công nghệ 2G và lượng người dùng Internet còn hạn chế, song tốc độ tăng trưởng của ngành CNNDS đã lên tới 35- 40%/năm. Bước sang năm 2009, sự xuất hiện của mạng 3G cùng xu hướng làm việc và giải trí trên các thiết bị di động như: Điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop… đã khiến thị trường nội dung số sôi động hơn với việc ra mắt thư viện âm nhạc Việt Nam lớn nhất trên Amazon hay các trò chơi điện tử trên các thiết bị di động “made in Vietnam”. Tiếp sau đó, năm 2013, thị trường nội dung số ghi nhận hàng trăm kênh giải trí được đầu tư và người dùng hưởng ứng đón nhận. Mặc dù vậy thời gian này, các nhà sáng tạo nội dung số hoạt động khá dè dặt do nhận thức của người dùng lẫn doanh nghiệp Việt về bản quyền vẫn còn hạn chế. Đến năm 2016, việc dịch vụ 4G được các nhà mạng khai thác đã thực sự tạo sức bật cho ngành CNNDS tại Việt Nam phát triển, mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho người sử dụng các dịch vụ nội dung số, đồng thời đóng góp đáng kể cho toàn ngành công nghệ thông tin nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

 


Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Về số lượng doanh nghiệp, theo số liệu Sách trắng Công nghệ Thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2009, cả nước có trên 2.800 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nội dung số. Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đạt cao nhất là vào năm 2013 với gần 4.500 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2016, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số giảm xuống chỉ còn 2.700 doanh nghiệp, do sự tăng cường quản lý trò chơi trực tuyến và siết chặt các quy định về quản lý nội dung trên Internet đối với các nhà cung cấp. Những năm tiếp theo, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có xu hướng tăng trở lại và đạt trên 3.700 doanh nghiệp vào năm 2018. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tạo việc làm và mức thu nhập đáng kể cho người lao động. Tổng số lao động trong ngành CNNDS tính đến cuối năm 2016 là trên 46,6 nghìn người và tăng lên đạt gần 63 nghìn người năm 2018.
 
Tuy số lượng doanh nghiệp có sự biến động lên xuống trong những năm qua, song thị trường nội dung số Việt Nam ngày một sôi động hơn bởi sự đa dạng của các sản phẩm nội dung số, bao gồm: Dịch vụ đào tạo trực tuyến với các sản phẩm số phục vụ giáo dục như bài giảng điện tử được cung cấp bởi hocmai.vn, moon. vn, Topica; Giáo trình điện tử; Tài liệu học tập điện tử được cung cấp bởi Violet.vn, 123doc.org; Các loại sách, tài liệu dưới dạng số được cung cấp bởi Bibox.vn, Aleeza hay từ điển trực tuyến được cung cấp bởi Vdict.com, tratu.soha.vn... Bên cạnh đó là các sản phẩm giải trí trên mạng viễn thông di động và cố định: Nhạc chuông, nhạc chờ cho điện thoại di động, hình logo, hình nền, biểu tượng cảm xúc cho điện thoại di động được cung cấp bởi các nhà điều hành mạng viễn thông; Các bản tin điện tử kinh tế - xã hội, tư vấn, giải trí được cung cấp bởi Vnexpress.net, VietnamNet.vn, Dantri.com.vn... Cùng với đó là sự phát triển các sản phẩm trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại, thiết bị di động; thư viện điện tử, kho dữ liệu số; phim số, đa phương tiện số.
 
Những cái tên nổi lên trong ngành CNNDS ở Việt Nam có thể kể đến là: Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online), Công ty Công nghệ Việt Nam VNG, Công ty cổ phần VCCorp, Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media), Công ty VTC Công nghệ và Nội dung số (VTC Intecom), Công ty Truyền thông Viettel (Viettel Media), Tiki, Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica (Topica Edtech Group), NextTech...
 
Một số doanh nghiệp nội dung số trong nước chủ động và năng động trong kinh doanh, không chỉ chiếm lĩnh thị phần lớn trên thị trường nội địa mà bước đầu đã đầu tư, cung cấp dịch vụ ra thị trường nước ngoài, là những điểm sáng đầu tàu cho hoạt động khởi nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ nội dung số của Việt Nam. Theo số liệu tổng hợp báo cáo từ các địa phương của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2016 ngành CNNDS có kim ngạch xuất khẩu đạt 561 triệu USD, năm 2018 đạt 775 triệu USD, chiếm 90% tổng doanh thu cả ngành.
 
Về tốc độ tăng trưởng, theo Báo cáo phân tích hiện trạng ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông được công bố vào cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009- 2014 đạt mức 7%/năm. Sự tăng trưởng doanh thu ngành nội dung số chủ yếu là từ trò chơi trực tuyến mang lại. Năm 2018 doanh thu công nghiệp nội dung số ước đạt 895 triệu USD.
 
Những hạn chế tồn tại

 
Mặc dù vậy, sự đóng góp của CNNDS vào hoạt động chung của ngành công nghiệp CNTT còn hạn chế, khi tỷ trọng doanh thu của ngành này trong toàn ngành công nghiệp CNTT chỉ ở mức thấp (dưới 10%). Cùng với đó, ngành CNNDS chưa có sự chủ động trong sản xuất các sản phẩm có tính cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực trò chơi. Phần lớn sản phẩm nội dung số tại thị trường Việt Nam là nhập khẩu, nên công nghệ sản xuất chưa cao, giá trị gia tăng có được thông qua hoạt động sản xuất không nhiều.
 
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý phát triển ngành nội dung số còn nhiều bất cập: Chính sách pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, an toàn, thông thoáng cho ngành CNNDS phát triển; Cơ chế quản lý ngành nội dung số chưa hợp lý; Cơ quan quản lý Nhà nước còn bị động trong việc thu thập thông tin về ngành công nghiệp và về thị trường nội dung số; Các quy định pháp luật chưa tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam và nước ngoài. Cụ thể là việc quản lý trong các doanh nghiệp đăng ký trong nước khá chặt chẽ nhưng lại có phần buông lỏng đối với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên nền tảng xuyên biên giới (như quảng cáo xuyên biên giới). Điều này phần nào ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, dẫn tới việc hầu hết các doanh nghiệp có xu thế đầu tư ngắn hạn thay vì dài hạn. Mặc dù Chính phủ đã bãi bỏ rất nhiều điều kiện kinh doanh, song thực tế là cơ chế quản lý, thủ tục hành chính kiểm duyệt, cấp phép còn phức tạp, do đó ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước trong quá trình triển khai các sản phẩm nội dung số.
 
Hơn nữa, trong thời gian qua, Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp đối với ngành CNNDS, tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chủ yếu được hỗ trợ thông qua các dự án đầu tư cho các ứng dụng CNTT, với sản phẩm là các trang website cung cấp thông tin của các bộ, ngành; nhiều cơ sở dữ liệu về luật pháp, thông tin thống kê, thông tin thương mại... do Nhà nước đầu tư đã được đưa vào hoạt động. Như vậy có thể thấy, sự đầu tư về CNNDS chủ yếu mang tính cung cấp thông tin cơ bản và thực hiện dịch vụ công của Nhà nước. Việc đầu tư mang tính chiều sâu vào các nguồn thông tin từ mô hình tổng thể, kiến trúc, chia sẻ kết nối dữ liệu để từ đó khai thác dữ liệu, tạo ra các giá trị gia tăng trong các sản phẩm nội dung số chưa được quan tâm nhiều. Đến nay, số lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực nội dung số có khả năng tiếp cận được vốn hỗ trợ khởi nghiệp theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khá ít ỏi vì chưa có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, vốn Nhà nước rất khó để có thể hỗ trợ theo hình thức đầu tư mạo hiểm.
 
Một trở ngại khác đối với sự phát triển ngành CNNDS nước ta là đang thiếu một phương thức thanh toán hiệu quả giữa người sử dụng nội dung số và nhà cung cấp. Thời gian gần đây, phương thức thanh toán qua tin nhắn đã được áp dụng song cũng bộc lộ nhiều bất cập như phát sinh nhiều chi phí phụ cho hạ tầng, kết nối... dẫn đến tỷ lệ hao hụt quá lớn.
 
Mặt khác, một trong những đặc điểm quan trọng của ngành công nghiệp nội dung số là phát triển phụ thuộc vào sự phát triển của sở hữu trí tuệ và sự sáng tạo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn luôn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm khá cao. Điều này không những gây khó khăn cho việc tạo dựng thị trường, mà còn tạo ra một hình ảnh không tốt cho CNNDS Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Cùng với đó còn là các vấn đề như: Quy mô các doanh nghiệp nội dung số trong nước chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ; Nhân lực và năng lực công nghệ nội dung số thiếu hụt lớn về số lượng và yếu kém về trình độ; Các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với những công ty xuyên quốc gia như Google, Facebook, Youtube… vốn có nhiều tiềm lực tài chính và kinh nghiệm; Hạ tầng kỹ thuật trong nước chủ yếu vẫn thiên về phát triển truyền thông, mà chưa đáp ứng yêu cầu của ngành nội dung số. So với các nước trong khu vực, chất lượng, dung lượng và cước phí đường truyền viễn thông cũng như Internet của Việt Nam bị đánh giá khá thấp. Sản phẩm nội dung số do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chưa đa dạng...
 
Khai thác tiềm năng để phát triển
Ngành nội dung số Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Trước hết, Việt Nam được đánh giá có ổn định cao về an ninh chính trị và có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong khu vực châu Á, một khu vực năng động nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thu hút được sự quan tâm đầu tư của nhiều tập đoàn đa quốc gia và các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam có một lực lượng đông đảo lao động trẻ, ham học hỏi, cầu tiến, được đào tạo cơ bản tốt, sẽ giúp tạo ra nguồn nhân lực lĩnh vực CNNDS có chất lượng.
 
Cùng với đó, do đang thời kỳ dân số vàng nên Việt Nam lượng dân số dùng smartphone với số thuê bao 3G, 4G khá cao ngày càng tăng. Theo một nghiên cứu công bố năm 2018 của Pew Research Center (Mỹ), tỷ lệ người dân Việt sở hữu smartphone lên tới 53%. Lượng người dân sử dụng các dịch vụ mạng đáng kể, đơn cử như riêng về mảng video trực tuyến, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN với 92% người xem video trực tuyến mỗi tuần, sau Việt Nam Philippine với 85%, Indonesia với 81%. Trong vòng 4 năm, tỷ lệ xem video trực tuyến trên smartphone đã tăng từ 10% lên 64%. Trong khi đó, doanh thu quảng cáo trên thiết bị di động trong năm 2017 của Việt Nam đạt 78 triệu USD con số này được dự báo sẽ tăng mạnh lên tới hơn 200 triệu USD vào năm 2020. Cũng theo một kết quả khảo sát, đến 97% người Việt Nam sử dụng các thiết bị điện tử thông minh cho rằng họ dùng dịch vụ“video theo yêu cầu”để xem phim, 90% xem các chương trình giải trí, 89% xem tin tức từ các kênh địa phương, 87% xem ca nhạc, 84% xem phim nước ngoài. Hơn nữa, thiết bị và hạ tầng mạng Việt Nam đang ngày càng phát triển với việc các doanh nghiệp công nghệ thông tin không ngừng nỗ lực theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với những tiềm năng trên, trong 5 - 10 năm tới, ngành nội dung số phát triển được dự báo chỉ sau du lịch, vượt qua dệt may, xăng dầu… về giá trị kinh tế mang lại cho Việt Nam ước chừng tạo ra một triệu việc làm.
 
Tuy nhiên, là một ngành công nghiệp “non trẻ“, quy mô vừa và nhỏ, là đối tượng dễ bị ảnh hưởng khi hội nhập sâu rộng, do đó sự hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNNDS, trong giai đoạn tới, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu sẽ triển khai xây dựng Đề án thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nội dung số Việt Nam nhằm xác định mô hình phát triển hệ sinh thái nội dung số phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam, đưa ra các giải pháp chính sách ban đầu; Thực hiện sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nội dung số trong nước phát triển. Bộ Thông tin và Truyền thông đồng thời nghiên cứu cơ chế tăng cường bảo vệ bản quyền nội dung, đặc biệt bản quyền nội dung số trên môi trường mạng; tăng cường hậu kiểm, giám sát; triển khai thí điểm dạng sand-box1 một số nội dung./.


1. Là một kỹ thuật trong bảo mật giúp hạn chế việc truy cập vào tài nguyên hệ thống của ứng dụng ngoài.
 
  
ThS. Lê Thị Minh Trí
Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Hồng Đức