Bức tranh xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2018 khởi sắc nhờ nhiều điểm sáng nổi bật, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu:
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Thứ nhất, năm 2018, Việt Nam có tới 29 mặt hàng ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,3% tổng kim ngạch gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (50 tỷ USD); Hàng dệt may (30,4 tỷ USD); Điện tử máy tính và linh kiện (29,4 tỷ USD); Máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng (16,5 tỷ USD); Giầy dép (16,3 tỷ USD). Mức tăng của 5 mặt hàng có kim ngạch đạt trên 10 tỷ USD đóng góp tới 60% vào mức tăng chung của xuất khẩu năm 2018.
Thứ hai, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước năm 2018 tăng trưởng cao hơn so với khu vực FDI, kim ngạch xuất khẩu khu vực này ước đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%(9,5 tỷ USD); khu vực FDI (kể cả dầu thô) kim ngạch ước đạt 175,5 tỷ USD, tuy tăng trưởng thấp hơn so khu vực kinh tế trong nước song vẫn đạt mức tăng 12,9% (20,1 tỷ USD) và chiếm tỷ trọng 71,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giảm 0,5 điểm phần trăm về tỷ trọng so với năm 2017.
Thứ ba, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản như gạo, rau quả, thủy sản và gỗ vẫn duy trì tăng trưởng đã góp phần vào mức tăng chung của xuất khẩu. Mặc dù, một số mặt hàng nông sản như cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều có giá xuất khẩu bình quân thấp hơn so với năm 2017 làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu năm 2018, song kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vẫn duy trì tăng trưởng với mức 10% (tương đương 2 tỷ USD) so với năm 2017. Đây có thể coi là thành tích trong xuất khẩu sản phẩm của ngành Nông nghiệp trong năm 2018.
Bên cạnh những thành tích về xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu năm 2018 cũng có nhiều dấu hiệu tích cực so với năm 2017.
Một là, nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất tăng hơn so với năm 2017, ước tính kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ở mức 116 tỷ USD, tăng 19,8% (19,2 tỷ USD), chiếm 48,98%, tăng 3,4 điểm phần trăm so với năm 2017. Điều này khẳng định sản xuất trong nước đang được mở rộng và phát triển, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Hai là, nhập khẩu của khu vực trong nước ước đạt 94,8 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2017, tăng trưởng của khu vực trong nước đã rút ngắn khoảng cách so với khu vực FDI; khu vực FDI ước nhập khẩu 142,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2017 (năm 2017 tăng trưởng nhập khẩu của khu vực trong nước và FDI tương đương 17,4% và 24,8%). Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, lắp ráp của khu vực doanh nghiệp trong nước đã phục hồi và dần vươn lên so với khu vực FDI.
Ba là, tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng nhập khẩu trong tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2017, mặc dù kim ngạch nhập khẩu ước tính 20,5 tỷ USD, tăng 6,8% (1,3 tỷ USD). Điều này minh chứng cho sản xuất trong nước đang được đẩy mạnh và đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam với một số thị trường lớn có thay đổi tích cực. Với các thị trường mà Việt Nam xuất siêu như Hoa Kỳ và EU thì mức thặng dư tăng lên, còn với các thị trường Việt Nam luôn nhập siêu thì mức nhập siêu ước tính trong năm 2018 đã giảm (Hàn Quốc) hoặc tăng nhẹ (Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản) so với năm 2017.
Bảng 1: Tổng mức lưu chuyển xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa năm 2018
của Việt Nam với một số nước
của Việt Nam với một số nước
Quan hệ thương mại hàng hóa hai chiều với Trung Quốc năm 2018 vượt ngưỡng 100 tỷ USD và duy trì vị trí dẫn đầu với kim ngạch hai chiều ước đạt 107,8 tỷ USD, tăng 14,6% (13,8 tỷ USD) so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu tăng 18,5%, cao hơn mức tăng của nhập khẩu (tăng 12,3%) kéo theo nhập siêu từ thị trường này ở mức 23,9 tỷ USD, tăng 3,0% so với năm 2017.
Thị trường Hàn Quốc có quan hệ thương mại hai chiều đứng thứ 2, sau Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 7,1% (4,4 tỷ USD). Xuất khẩu tăng tới 23,2% (3,4 tỷ USD), trong khi nhập khẩu chỉ tăng 2,0% dẫn đến nhập siêu từ Hàn Quốc giảm 7,8% (2,5 tỷ USD) so với năm 2017. Mức nhập siêu ước đạt 29,7 tỷ USD và là thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất trong năm 2018.
ASEAN có kim ngạch hai chiều ước đạt 56,7 tỷ USD, tăng 13,3% (6,7 tỷ USD), trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 24,7 tỷ USD, tăng 13,7% (3 tỷ USD), nhập khẩu ở mức 32 tỷ USD, tăng 13,0% (3,7 tỷ USD). Nhập siêu từ thị trường ASEAN ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 10,9% (714 triệu USD).
Kim ngạch thương mại hai chiều với Nhật Bản ước đạt 38,3 tỷ USD, tăng 13,1% (4,4 tỷ USD), xuất khẩu đạt 19 tỷ USD, tăng 12,9% (2,2 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 19,3 tỷ USD, tăng 13,4% (2,3 tỷ USD). Nhập siêu từ thị trường Nhật Bản ở mức 223 triệu USD, tăng 105 triệu USD so với năm 2017.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa ngoại thương với Hoa Kỳ ước đạt 60,3 tỷ USD, tăng 18,3% (9,3 tỷ USD) so với năm 2017. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra, các chuyên gia lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với 47,5 tỷ USD, tăng 14,2% (5,9 tỷ USD); cán cân thương mại hàng hóa thặng dư tới 34,7 tỷ USD, tăng 7,7% (2,5 tỷ USD) so với năm 2017 và duy trì vị trí dẫn đầu.
Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều với EU ước đạt 56,3 tỷ USD, tăng 11,5% (5,8 tỷ USD) so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 42,5 tỷ USD, tăng 11% (4,2 tỷ USD), nhập khẩu đạt 13,8 tỷ USD, tăng 13,1% (1,6 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa với EU ở mức 28,7 tỷ USD, tăng 10% (26 tỷ USD) so với năm 2017. Các dấu hiệu trên cũng cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu tăng trưởng mạnh ở những thị trường khó tính và nhập khẩu cũng đã hướng tới lựa chọn thị trường cao cấp, đảm bảo về chất lượng nguồn hàng hóa.
Bên cạnh những thành tích nổi bật trong năm 2018, bức tranh xuất, nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn có những điểm tối, tiềm ẩn khó khăn, thách thức trong năm 2019.
Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng có thể sẽ suy giảm trong các năm tiếp theo khi mà nhu cầu thị trường đã đạt đến đỉnh điểm. Bằng chứng là trong 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD có tới 20 mặt hàng có tăng trưởng thấp hơn so với năm 2017. Theo đó, mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất có tăng trưởng thấp hơn là điện thoại các loại và linh kiện tăng 10,5% (năm 2017 tăng 31,9%), tiếp đến là hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,4% (năm 2017 tăng 37%), giày dép tăng 11% (năm 2017 tăng 12,9%). Điều này cho thấy nhu cầu về các mặt hàng này đã chững lại, đặc biệt là các mặt hàng điện thoại thông minh và hàng điện tử được đánh giá là đến “ngưỡng”. Vì vậy, đây sẽ là những thách thức lớn cho năm 2019 khi mà thị trường đã đến điểm bão hòa.
Thứ hai, hoạt động thương mại hàng hóa năm 2019 sẽ có những thách thức đến từ bên ngoài khi mà các nền kinh tế phát triển được dự báo tăng trưởng năm 2019 thấp hơn 2018; tăng trưởng thương mại toàn cầu cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2019 cùng với tình hình chiến tranh thương mại tiếp diễn và các rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu.
Thứ ba, các hiệp định FTAs đã ký kết được thực thi sẽ tác động đến nhập khẩu của Việt Nam, nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất bằng 0 sẽ làm gia tăng nhập khẩu và khi đó nhập siêu có thể quay trở lại trong thời gian tới.
Thứ tư, với các yêu cầu cao về xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm hay quy trình sản xuất cũng sẽ là những thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia vào sân chơi toàn cầu.
Thứ năm, với độ mở nền kinh tế ở mức cao và tăng nhanh, kinh tế trong nước dễ bị tổn thương khi có tác động từ thị trường bên ngoài.
Vì vậy, để vượt qua được các thách thức nêu trên và tận dụng nhiều hơn các cơ hội từ quá trình hội nhập sâu, rộng hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm thị trường; chuẩn bị tốt về quản trị, nguồn nguyên phụ liệu, tạo liên kết trong công nghiệp phụ trợ; xây dựng thương hiệu… Nếu không các doanh nghiệp Việt có thể sẽ thua ngay trên sân nhà khi mà nguồn lực hạn chế, chi phí sản xuất cao, hoạt động không hiệu quả. Và khi đó, các doanh nghiệp FDI với các nguồn lực sẵn có, khả năng quản trị tốt sẽ tận dụng được nhiều cơ hội hơn.
Việt Nam vốn là nước nông nghiệp nên có lợi thế về các mặt hàng nông, thủy sản, tuy nhiên, xuất khẩu các mặt hàng này chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, với yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm từ các đối tác, các doanh nghiệp Việt cần chú trọng ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, minh bạch hóa thông tin giúp cho các sản phẩm nông, thủy sản chế biến của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu trong ngành nông nghiệp.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cần tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quan tâm nhiều hơn đến công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua các thách thức, tiếp tục chinh phục và chiếm lĩnh những thị trường mới./.
ThS. Phạm Thị Quỳnh Lợi
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ - TCTK
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ - TCTK