Ngành gỗ Việt Nam tận dụng cơ hội để bứt phá

|

Ngành gỗ Việt Nam tận dụng cơ hội để bứt phá

Tận dụng tiềm năng, cơ hội từng bước khẳng định là ngành hàng xuất khẩu chủ lực
 
Với 61/63 tỉnh, thành phố có rừng, Việt Nam là quốc gia hội tụ nhiều tiềm năng để có thể phát triển ngành Gỗ. Thời gian qua, từ hiệu quả của chủ trương xã hội hóa nghề rừng, chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã giúp cho kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững, mang lại sinh kế cho trên 25 triệu hộ dân; đồng thời khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nước ta có 14,9 triệu ha đất lâm nghiệp, chiếm 45% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, trong đó, đất rừng phòng hộ là 5,2 triệu ha, đất rừng đặc dụng là 2,2 ha và đất rừng sản xuất là 7,5 triệu ha. Năm 2018, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 238,6 nghìn ha; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 85,8 triệu cây; sản lượng củi khai thác đạt 23,7 triệu ste; sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 12,8 triệu m3, tăng 9,6% so với năm 2017. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Quảng Trị tăng 22,1%; Nghệ An tăng 19,4%; Quảng Nam tăng 10,3%; Phú Thọ tăng 10,2%; Quảng Ngãi tăng 9,9%.
 


Ảnh minh họa, nguồn Internet

 

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2018, tổng nguồn cung nguyên liệu gỗ là trên 40 triệu m3 gỗ tròn, trong đó, lượng gỗ trong nước khoảng 30 triệu m3, chiếm 75%. Điều này thể hiện thành tựu của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam là nâng cao tỷ lệ sử dụng gỗ nội địa, từ đó nâng cao được giá trị gia tăng của nguồn cung nguyên liệu.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, chất lượng nguyên liệu rừng trồng từng bước được nâng lên nhờ sự chuyển hóa thành rừng trồng gỗ lớn (khoảng 290 nghìn ha). Trong đó, trên 220 nghìn ha đã được cấp chứng chỉ rừng trồng FSC (là chứng chỉ được tổ chức Quốc tế Forest Stewardship Council (FSC) chứng nhận - đây là một trong chứng chỉ đảm bảo tuân thủ đủ những biện pháp kiểm soát việc quản lý rừng trên thế giới phù hợp với môi trường, đồng thời có lợi ích cho xã hội và đạt hiệu quả kinh tế). Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển nguyên liệu gỗ trong nước, năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản được nâng cao với sự tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ, nhờ vậy đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ. Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu là trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017. Hiện nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. Một số doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô lớn như: Công ty Chế biến xuất khẩu Lâm sản Nam Định, Woodsland, Kim Huy, Hòa Bình, Tavico, An Cường, Scanviwood, Tiến Đạt… Những doanh nghiệp trên mặc dù có quy mô sản xuất và phát triển ở mức độ khác nhau, song đã từng bước trở thành mắt xích rất quan trọng tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu.
 
Nhờ định hướng phát triển nguyên liệu gỗ đúng hướng, sự phát triển mạnh mẽ, nỗ lực tự thân của doanh nghiệp... mà hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của ngành Gỗ năm 2018 đạt nhiều kết quả ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt mức kỷ lục mới với 8,9 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017 (trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,3 tỷ USD, tăng 8,8%; xuất khẩu gỗ đạt 2,6 tỷ USD, tăng 33,4% so với năm 2017), giá trị xuất siêu đạt trên 6,5 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 6% thị phần thế giới và được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển. Một số thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch lớn năm 2018 bao gồm: Hoa Kỳ có kim ngạch xuất khẩu đạt 3,89 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm 2017; Nhật Bản đạt 1,147 tỷ USD, tăng 12,2%; Hàn Quốc đạt 937,1 triệu USD, tăng 40%. Thị trường Trung Quốc và EU cũng nằm trong top 5 về các thị trường xuất khẩu có kim ngạch cao nhất của Việt Nam.
 
Dự báo khi tham gia vào CPTPP, ngành Gỗ Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi thâm nhập sâu hơn vào thị trường khác trên thế giới, với mức thuế của các sản phẩm gỗ về 0% ở các quốc gia: Nhật Bản, Canada, Mexico… Thực tế, số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khối CPTPP tăng trưởng cao, năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các thị trường này đạt trên 1,626 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2017, chiếm 18,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
 
Cùng với đó, việc Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào 28 quốc gia châu Âu, mà không cần qua nước trung gian. Đây là Hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU. Hiệp định VPA/FLEGT sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, nổi bật là mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Theo VPA/FLEGT, việc hưởng lợi nhất cho ngành Gỗ Việt Nam là thuế hiện hành đang ở mức 7-10% sẽ về 0% sau 5 năm; ván dăm từ 7%, về 0% sau 5 năm; gỗ thanh từ 3-4% về 0% ngay  khi Hiệp định có hiệu lực và đồ gỗ dùng cho nhà bếp 2,7%, được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
 
Ngoài ra, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục được duy trì. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp chế biến gỗ có cơ hội mở rộng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm. Giá trị thương mại đồ nội thất khoảng 430 tỷ USD và khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại đồ ngoại thất. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí phong cách cổ điển.
 
Đồng hành cùng ngành Gỗ - hướng đến những giải pháp phát triển bứt phá trong thời gian tới
 
Đứng trước thực trạng và cơ hội phát triển của Ngành gỗ, mới đây, tại diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công và bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá năm 2019”tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh mục tiêu: Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngành cần tiếp tục bứt phá trong năm 2019những năm tiếp theo. Kim ngạch xuất khẩu không chỉ đạt 11 tỷ USD trong năm 2019phải đạt ở mức cao hơn, phấn đấu đạt 13 tỷ USD vào năm 2020 và đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD gắn với khát vọng vươn lên là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gỗ và lâm sản, Việt Nam là trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới.
 
Để đạt được mục tiêu trên với nỗ lực và quyết tâm cao, ngành Gỗ đang từng bước hướng đến khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại để bứt phá trong năm 2019 như: Một là, chất lượng gỗ rừng trồng. Hiện nay, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu với người trồng rừng để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng vẫn còn hạn chế. Gỗ rừng trồng chủ yếu nhỏ, khai thác sớm, chất lượng thấp, cùng với sự phát triển nhanh của các cơ sở chế biến gỗ, nên áp lực về thiếu chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng trở nên gay gắt hơn, trong khi nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khan hiếm và có giá đắt hơn. Hai   là, giá thành vật liệu phụ trợ cao cùng rào cản kỹ thuật cũng là yếu tố gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản sản. Ngoài ra, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong chế biến gỗ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất, nên hiệu quả và năng suất lao động còn thấp. Ba là, yêu cầu quản lý nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm“sạch” cũng là thách thức đối với công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, các chính sách tín dụng chưa được triển khai tốt, chưa hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, chưa hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu; Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức…
 
Để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ - lâm sản có thể bứt phá phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo thuận lợi tối đa để khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản. Theo đó, một số giải pháp được triển khai thực hiện thời gian tới, cụ thể như:
 
Về cơ chế chính sách: Các cơ quan có liên quan cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế chính sách; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho ngành chế biến gỗ, lâm sản. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động kiến nghị các giải pháp về chế, chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Về đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch cho hoạt động sản xuất của Ngành: Cần đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng của ngành chế biến gỗ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trồng rừng (vốn, quỹ đất, mặt bằng…), khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến để đảm bảo nguồn cung gỗ ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân trồng rừng. Từng bước triển khai có hiệu quả Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, tăng cường phát triển và sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đạt chứng chỉ rừng quốc tế.
 
Mặt khác, tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm để hoàn thiệnnhân rộnghình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu lâm sản với người trồng rừng, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chế biến; đồng thời, tăng chuỗi giá trị sản phẩm, chia sẻ lợi ích, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người trồng rừng.
 
Các doanh nghiệp phải đi đầu trong việc đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt để tăng giá trị gia tăng, làm động lực cho tăng trưởng của Ngành trong thập niên tới. Cùng với đó, cần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, áp dụng mạnh mẽ công nghệ quản trị hiện đại, tận dụng tốt cơ hội của CMCN 4.0, hướng tới áp dụng chuẩn mực quốc tế của EU và Hoa Kỳ về đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp. Khuyến khích phát triển các khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung với công nghệ cao để tạo điều kiện hợp tác sản xuất, nâng cao hiệu quả trên các lĩnh vực sản xuất, thiết kế, thương mại và xây dựng thương hiệu.
 
Về đào tạo: Cần đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ. Thu hút sự tham gia các hiệp hội, doanh nghiệp; chú trọng đào tạo đội ngũ thiết kế, khuyến khích phát triển các viện nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, tổ chức các giải thưởng thiết kế; quy tụ và phát triển đội ngũ sáng tạo và thiết kế giỏi từ trong và ngoài nước.
 
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực của ngành. Để đảm bảo thị trường ổn định cho xuất khẩu, cần duy trì mức tăng trưởng tại các thị trường hiện có, tìm kiếm mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới nổi. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn xúc tiến thương mại để nghiên cứu, đánh giá xu hướng, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác; hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại gỗ quốc tế và trong nước; xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá cho ngành Gỗ trên phương tiện thông tin đại chúng. Cácquan thương mại cần đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp với thị trường quốc tế. Các bộ, ngành xây dựng các tiêu chuẩn, qui chuẩn để có biện pháp bảo vệ thị trường nội địa hợp lý, phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp với luật pháp quốc tế.
 
Tiếp tục hỗ trợ các Hiệp hội và các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam về thông tin thị trường, các qui định pháp lý về gỗ hợp pháp của các quốc gia, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về quản lý chuỗi, quản trị chất lượng trong khâu cung ứng và truy xuất nguồn gốc gỗ, phân loại doanh nghiệp./.

Thu Hòa