Công tác thống kê đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động quản lý, điều hành kinh tế xã hội, bởi đây là nguồn dữ liệu đầu vào để ban hành, đánh giá các quyết sách điều hành. Những năm qua, môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê ngày càng được hoàn thiện chặt chẽ, song trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những bất cập cần khắc phục.
Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật thống kê được Quốc hội ban hành năm 2021 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động thống kê nhà nước nói chung và công tác điều phối trong hoạt động thống kê nhà nước nói riêng ngày càng được tăng cường.
Phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê đi vào thực chất
Theo Tổng cục Thống kê, một trong những điểm nổi bật trong hoạt động điều phối thống kê được thực hiện hiệu quả, nhất là xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê, giúp công tác thống kê được triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện từ trung ương đến địa phương.
Thực hiện định hướng khai thác cơ sở dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê, thời gian vừa qua (2015 - 2022), công tác phối hợp và chia sẻ thông tin giữa thống kê bộ, ngành và Tổng cục Thống kê ngày càng được quan tâm và đi vào thực chất hơn trong các bước của quy trình thống kê.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thống kê toàn quốc với chủ đề
"Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả".
"Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả".
Hầu hết các bộ, ngành thực hiện tốt việc cung cấp thông tin thống kê về tình hình phát triển của ngành, lĩnh vực quản lý cho Tổng cục Thống kê thông qua thực hiện chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.
Nhiều bộ, ngành đã chia sẻ, cung cấp kịp thời các thông tin chuyên ngành, số liệu từ các cuộc điều tra do bộ, ngành chủ trì để Tổng cục Thống kê có thêm thông tin biên soạn báo cáo, số liệu phục vụ điều hành của Chính phủ.
Tổng cục Thống kê đã chủ động và ký các Quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, Ban Kinh tế Trung ương, Tổng cục Thuế, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Hải quan; Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Bộ Nội vụ…
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Tổng cục Thống kê cũng cho biết do nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình thực hiện phối hợp trong công tác thống kê vẫn còn những tồn tại, bất cập.
Thứ nhất là các chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổng hợp, rất nhiều chỉ tiêu không đáp ứng tần suất công bố theo yêu cầu, hoặc mức độ phân tổ theo yêu cầu. Số liệu do địa phương công bố không thống nhất với số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, nguyên nhân một phần do sự quan tâm của không ít lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh tới các hoạt động thống kê chưa tương xứng với tầm quan trọng của công tác thống kê.
Hai là, đối với bộ, ngành, còn có chênh lệch về số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành do không thống nhất về thời điểm thống kê, về phạm vi thu thập số liệu và về khái niệm, định nghĩa, phương pháp tính chỉ tiêu... Nguyên nhân là do nhận thức về tầm quan trọng của công tác thống kê ở một số bộ, ngành còn chưa được đầy đủ. Một số cơ quan chưa có tổ chức thống kê, chưa bố trí đủ nhân lực tương xứng với hoạt động thống kê.
Số liệu không thống nhất làm giảm niềm tin của người dùng
Hạn chế thứ ba là sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước chưa hoàn thiện, còn nhiều thách thức. Đây là một nội dung rất quan trọng nhằm nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực và giảm chi phí trong việc sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính sẵn có.
Ông Nguyễn Đình Khuyến - Vụ Trưởng Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê cho hay, hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin giữa bộ, ngành với Tổng cục Thống kê còn chưa nhịp nhàng; thiếu đồng bộ… Một số bộ, ngành gửi báo cáo về Tổng cục Thống kê chậm, thiếu thông tin, không bảo đảm phạm vi số liệu và thời gian quy định.
Một số vấn đề về đảm bảo chất lượng dữ liệu phát sinh trong quá trình phối hợp, chia sẻ như việc khó khăn trong xác định loại hình kinh tế (một số đơn vị sự nghiệp bị xác định là doanh nghiệp nhà nước…); số lượng các bản ghi ở hai cơ sở dữ liệu chưa trùng khớp. Cuối cùng, do còn hạn chế về nguồn nhân lực và thời gian, thiếu các quy định cụ thể, nên việc tổ chức, điều phối thực hiện tiêu chuẩn quản lý và đánh giá chất lượng thông tin thống kê thời gian vừa qua chưa được hiệu quả.
Vẫn còn tình trạng một số cơ quan thực hiện điều tra chồng chéo, nên đưa ra các số liệu khác nhau về cùng một chỉ tiêu; một số chỉ tiêu do bộ, ngành thu thập rất khác so với số liệu của Tổng cục Thống kê, do khác nhau về khái niệm và nội dung chỉ tiêu. Việc tiếp cận tới một số lĩnh vực còn khó khăn, nhất là lĩnh vực tài chính, tiền tệ do các quy định bảo mật hiện hành.
Những tồn tại này vừa lãng phí nguồn lực của nhà nước, vừa dẫn đến sự chênh lệch số liệu làm cho người dùng tin thiếu sự tin tưởng vào số liệu thống kê...
Để hoạt động thống kê thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác hoạch định chính sách, quản lý điều hành tại các cấp chính quyền trung ương và địa phương, tại các bộ, sở, ban ngành thì sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự đầu tư thích đáng về nguồn lực, đặc biệt là thực hiện tốt công tác điều phối hoạt động thống kê nhà nước... là những yếu tố căn bản tạo dựng môi trường hoạt động thống kê hiệu quả./.
Hoàng Yến
https://thoibaotaichinhvietnam.vn
Hiện Tổng cục Thống kê đã hợp tác với Tổng cục Hải quan trong việc xây dựng quy trình, biểu mẫu và thử nghiệm sử dụng dữ liệu hải quan để sản xuất số liệu thống kê xuất nhập khẩu. Các cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin về đăng ký doanh nghiệp, tình trạng hoạt động, số liệu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… theo thời gian thực (realtime). |