Tổng điều tra Dân số nhà ở - Không đơn thuần là đếm số dân

|

Tổng điều tra Dân số nhà ở - Không đơn thuần là đếm số dân

1. Bối cảnh thế giới
 
Tổng điều tra dân số là cuộc điều tra có lịch sử lâu đời nhất được biết đến trong lịch sử loài người. Một trong những cuộc Tổng điều tra dân số được ghi nhận đầu tiên tại Trung Quốc, đời nhà Hán, năm thứ 2 sau Công nguyên. Khi đó, dân số Trung Quốc qua kiểm đếm là 57,6 triệu người và 12,4 triệu hộ dân cư. Cuộc Tổng điều tra tiếp sau của Trung Quốc được thực hiện sau đó 140 năm, vào khoảng năm 144 sau Công nguyên. Ở các nước phương Tây, cuộc Tổng điều tra dân số cũng được thực hiện từ khá sớm tại một số cường quốc nhưng Ý, Pháp, Tây Ban Nha trong giai đoạn trước Thời kỳ Phục Hưng[1].
 
Tuy nhiên, phải đến giữa Thế kỷ thứ 20, Tổng điều tra dân số mới trở nên phổ biến và được hầu hết các quốc gia trên thế giới thực hiện theo một số nguyên tắc và khuyến nghị chung của các cơ quan Liên hợp quốc. Từ đó đến nay, Tổng điều tra dân số đã trở thành một cuộc điều tra quy mô lớn nhất được hầu hết các quốc gia thực hiện liên tục, định kỳ thường với chu kỳ 10 năm một lần. Riêng một số quốc gia phát triển như trong khối OECD như Canada, Nhật và Hàn Quốc thực hiện Tổng điều tra dân số với chu kỳ 5 năm 1 lần.
 
Câu hỏi đặt ra là, tại sao mặc dù rất tốn kém nhưng Tổng điều tra dân số vẫn được ưu tiên thực hiện ở nhiều quốc gia? Vì sao nhiều quốc gia có hệ thống cơ sở dữ liệu hành chính khá tốt nhưng vẫn thực hiện Tổng điều tra dân số? Phải chăng khi đã có cơ sở dữ liệu hành chính về dân cư được cập nhật thường xuyên thì các quốc gia không cần thực hiện Tổng điều tra dân số?
 
Để trả lời cho các câu hỏi đó, chúng ta  cần đánh giá  các giá trị mà một cuộc Tổng điều tra dân số đem lại.
 
Con người là vốn quý nhất, là động lực quan trọng cho sự thành công và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Việc cung cấp các đánh giá chính xác và đáng tin cậy về nguồn vốn này ở phạm vi quốc gia và ở các cấp hành chính nhỏ hơn có giá trị đặc biệt quan trọng đối với các quyết định dựa trên bằng chứng của các nhà lập chính sách, các nhà quản lý, các học giả, các nhà nghiên cứu và mọi tầng lớp nhân dân. Mục đích cơ bản của cuộc Tổng điều tra dân số là cung cấp bằng chứng phục vụ các đánh giá đó.
 
Thực hiện Tổng điều tra dân số, ngoài mục tiêu để trả lời câu hỏi “Chúng ta có bao nhiêu người?” còn nhằm để trả lời các câu hỏi tiếp theo “Chúng ta là ai?” (độ tuổi, giới tính, học vấn, tình trạng lực lượng lao động, nghề nghiệp và các đặc điểm quan trọng khác), cũng như “Chúng ta sống ở đâu?” (khu vực nào, địa phương nào) hoặc “chất lượng sống của chúng ta ra sao?” (chất lượng nhà ở, điều kiện ở, khả năng tiếp cận nước, sự sẵn có của các tiện nghi thiết yếu,…).
 
Trên thế giới, dựa vào hệ thống hồ sơ hành chính hoàn hảo hoặc thông qua nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, một số quốc gia phát triển có thể dễ dàng trả lời các câu hỏi trên. Tuy nhiên, ngay cả khi có một hệ thống hồ sơ hành chính về dân cư khá tốt, hầu hết các quốc gia (có và chưa có cơ sở dữ liệu hành chính) đều quyết định tiến hành các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở bằng việc đến từng hộ gia đình và thu thập thông tin thực tế (không phụ thuộc vào các tài liệu, giấy tờ nhân thân) về tất cả các cá nhân trong một khoảng thời gian ngắn, rồi dựa vào đó để tính toán và cung cấp các số liệu thống kê chi tiết về dân số và nhà ở của toàn quốc, của từng vùng, từng địa phương theo một nguyên tắc nhất định đảm bảo tính so sánh quốc tế. Lý do chính là vì:
 
Thứ nhất, đối với cơ quan hành chính nhà nước, kết quả của một cuộc điều tra dân số là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng để đảm bảo sự công bằng trong phân phối của cải, nguồn lực và ngân sách của Chính phủ cho các địa phương. Việc thiết lập các nguyên tắc ưu tiên sẽ khó có thể thực hiện được nếu không dựa trên số liệu điều tra dân số. Ngoài ra, kết quả Tổng điều tra cũng rất hữu ích cho công tác đánh giá, phân tích, nghiên cứu của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân khác.
 
Thứ hai, Tổng điều tra dân số và nhà ở đóng một vai trò thiết yếu trong tất cả các yếu tố của hệ thống thống kê quốc gia (bao gồm cả thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước). Kết quả Tổng điều tra dân số được sử dụng làm tiêu chuẩn để tổng hợp thống kê hoặc làm khung chọn mẫu cho các cuộc điều tra mẫu. Trên thực tế, hệ thống thống kê của hầu hết các quốc gia đều dựa vào các cuộc điều tra mẫu để thu thập dữ liệu, ngay cả khi thông tin từ các nguồn dữ liệu lớn (Big Data) bắt đầu được tận dụng tốt. Do đó, nếu không có khung chọn mẫu và các tiêu chuẩn dân số thu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở, hệ thống thống kê quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
Thứ ba, đặc điểm cơ bản của Tổng điều tra dân số và nhà ở là cung cấp được số liệu thống kê ở cấp hành chính nhỏ với sai số mẫu bằng không. Tổng điều tra dân số có thể cung cấp được thông tin về bất kỳ đơn vị địa lý theo ranh giới linh hoạt, không nhất thiết phải bó buộc trong khuôn khổ các khu vực hành chính. Ví dụ: Trong quy hoạch địa điểm xây dựng trường học, cần có số liệu phân bố trẻ em trong độ tuổi đi học theo các thôn, tổ dân phố, không tương ứng với ranh giới đơn vị hành chính, thì thông tin từ các cơ sở dữ liệu hành chính không thể đáp ứng được, chỉ có số liệu từ Tổng điều tra dân số mới đáp ứng được nhu cầu này. Tính năng linh hoạt này của Tổng điều tra dân số cũng vô cùng đáng giá đối với cả khu vực tư nhân cho các ứng dụng như lập kế hoạch kinh doanh và phân tích thị trường.
 
Thứ tư, kết quả Tổng điều tra dân số được sử dụng làm tiêu chuẩn cho nghiên cứu và phân tích. Dự báo dân số là một trong những kết quả phân tích quan trọng nhất dựa trên dữ liệu điều tra dân số; đó là nguồn số liệu đầu vào quan trọng cho các chiến lược phát triển đất nước.
 
Ngoài các vai trò nêu trên, vai trò quan trọng nhất là Tổng điều tra dân số không đơn thuần chỉ để đếm số người mà còn đảm bảo cung cấp số liệu thống kê về dân số và các thuộc tính của dân số mang tính so sánh quốc tế. Ví dụ: số liệu thống kê về giáo dục theo độ tuổi và giới tính ở các vùng khác nhau. Thực tế, các hệ thống dữ liệu hành chính hiện tại ở nhiều quốc gia cho phép cung cấp các thông tin có cùng mức độ chi tiết nhưng lại bị hạn chế về do các quan ngại ảnh hưởng đến quyền riêng tư và khả năng ước tính sai lệch do các thông tin cung cấp bị ràng buộc bởi các yếu tố pháp lý. Điều này làm giảm cơ hội tiếp cận thông tin của các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là những tổ chức cá nhân thuộc khu vực ngoài nhà nước, dẫn đến tình trạng các nghiên cứu, phân tích sâu về các vấn đề liên quan đến dân số và phát triển khó thực hiện được.
 
Chính vì vậy, tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở ngay cả khi đó là hoạt động rất tốn kém vẫn là ưu tiên hàng đầu của hoạt động thống kê tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. “Tổ chức thành công Tổng điều tra dân số là một niềm tự hào dân tộc của nhiều quốc gia”[2].
 
Trên thực tế, nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới với hệ thống cơ sở dữ liệu hành chính về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) hoàn hảo từ hàng thập kỷ nay vẫn thực hiện Tổng điều tra dân số định kỳ nhằm phục vụ cho việc hoạch định các chính sách an sinh, phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Một số quốc gia điển hình là:
 
(*) Hợp chủng quốc Hoa Kỳ:
 
Thống kê Dân số Hoa Kỳ (còn được gọi điều tra dân số Hoa Kỳ) là cuộc điều tra dân số thực hiện theo tần suất 10 năm một lần và được quy định trong Hiến pháp. Kết quả điều tra dân số được dùng để phân bổ ngân quỹ cho các chương trình chính phủ. Cuộc Tổng điều tra dân số được tiến hành bởi Cơ quan Tổng điều tra Hoa Kỳ (Census Bureau). Cuộc Tổng điều tra đầu tiên được thực hiện kể từ sau Cách mạng Hoa Kỳ là Tổng điều tra năm 1790.Từ đó đến nay, Hoa Kỳ đã thực hiện 24 cuộc Tổng điều tra dân số. Cuộc Tổng điều tra dân số gần nhất được tiến hành vào năm 2020. Chi phí cho Tổng điều tra dân số năm 1990 của đất nước này là 2,5 tỷ đô la. Tổng dân số đếm được từ cuộc Tổng điều tra năm 1990 là 248,7 triệu người. Đến năm 2010, chi phí cho Tổng điều tra tăng lên 12,9 tỷ đô la trên tổng số người dân thu được từ kết quả điều tra là 308,7 triệu người.[3]
 
(*) Nhật Bản
 
Tổng điều tra dân số của Nhật Bản được thực hiện 5 năm 1 lần. Cuộc Tổng điều tra đầu tiên được thực hiện vào năm 1920, cuộc Tổng điều tra gần đây nhất được thực hiện vào tháng 10 năm 2020. Đối tượng của điều tra dân số là những người đã hoặc sẽ sống ở Nhật Bản từ 3 tháng trở lên không phân biệt quốc tịch. Nội dung trả lời sẽ chỉ được sử dụng cho công tác thống kê và không sử dụng cho các mục đích khác như quản lý xuất nhập cảnh hoặc điều tra của cảnh sát, v.v. Kết quả điều tra được sử dụng vào việc lập chính sách phát triển giúp tất cả mọi người (kể cả công dân nước ngoài) đang cư trú ở Nhật Bản sống tốt hơn.[4]
 
(*) Trung Quốc
 
Tổng điều tra dân số của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tiến hành 10 năm 1 lần và được quy định trong Luật Thống kê năm 1983 và sửa đổi vào năm 2009. Tổng điều tra dân số đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thực hiện vào năm 1953. Đến nay, Trung Quốc đã thực hiện được 7 cuộc Tổng điều tra dân số. Tổng điều tra được thực hiện nhằm mục đích thu thập thông tin toàn diện về số lượng, cơ cấu, phân bố và các khía cạnh khác của dân số Trung Quốc để cung cấp thông tin thống kê chính xác hỗ trợ cho việc hoàn thiện chính sách và chiến lược phát triển dân số của Trung Quốc, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội và tiến bộ của sự phát triển kinh tế chất lượng cao.
 
“Ủy ban Trung ương Đảng và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc rất coi trọng cuộc Tổng điều tra dân số. Trong cuộc Tổng điều tra dân số năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng. Cuộc Tổng điều tra đã thu hút sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và các cấp chính quyền địa phương với 679 nghìn cơ quan điều tra dân số được thành lập ở  các cấp địa phương trên khắp Trung Quốc và hơn bảy triệu nhân viên điều tra dân số được tuyển dụng. Cơ quan Tổng điều tra các cấp và toàn thể cán bộ tham gia Tổng điều tra đã tích cực nỗ lực khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và hoàn thành tốt công tác điều tra thực địa của tất cả các hộ gia đình và người dân. Cuộc Tổng điều tra dân số của Trung Quốc được tiến hành vào tháng 11 năm 2020 và công bố kết quả chính thức vào ngày 11 tháng 5 năm 2021”[5].
 
2. Thực tế tại Việt Nam
 
Ở Việt Nam, các cuộc điều tra dân số cũng được thực hiện từ khá sớm trong thời kỳ phong kiến, với mục tiêu kiểm đếm dân số để nắm số người phải nộp thuế hoặc để tuyển lính phục vụ cho các cuộc chiến tranh. Do đó các cuộc kiểm kê này không định kỳ và thu thập ít chi tiết.
 
Trong thời kỳ 1954-1975, hai cuộc Tổng điều tra dân số đã được tiến hành vào tháng 3 năm 1960 và tháng 4 năm 1974 trên phạm vi miền Bắc. Tại cuộc Tổng điều tra Dân số đầu tiên thực hiện vào năm 1960 ở miền Bắc nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự Lễ ra quân ở tỉnh Lạng Sơn. Bác đã phát biểu:“Vì sao toàn thể đồng bào cần phải giúp Chính phủ làm cho tốt việc điều tra dân số, vì Chính phủ biết rõ miền Bắc ta có bao nhiêu người, mỗi tỉnh có bao nhiêu đàn ông, đàn bà, cụ già, trẻ em thì mới rõ cần bao nhiêu lương thực, vải vóc, thuốc men, giấy bút để cung cấp cho nhân dân cần xây dựng bao nhiêu nhà trường, trường học.... để phục vụ nhân dân. Nói tóm lại: Việc điều tra dân số là nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, cho nên phải khai thật đúng, chớ khai thiếu, chớ khai thừa, chớ khai trùng một người nào”.
 
Ngay sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, đầu năm 1976, Việt Nam tổ chức tổng kiểm kê dân số ở các tỉnh miền Nam để phục vụ bầu cử Quốc Hội của cả nước và sự nghiệp kiến thiết nước nhà.
 
Cuộc Tổng điều tra dân số thực sự đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thống nhất được tiến hành vào tháng 10 năm 1979. Với nguồn lực và khả năng kỹ thuật sẵn có lúc đó, cuộc Tổng điều tra năm 1979 đã cung cấp được những số liệu cơ bản có chất lượng làm nền tảng cho công cuộc phát triển đất nước. Sau đó, cứ 10 năm 1 lần, Việt Nam lại tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã tiến hành thành công 5 cuộc Tổng điều tra dân số vào các năm 1979, 1989, 1999, 2009 và 2019.
 
Trải qua 50 năm, nhờ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự tích cực vào cuộc của các cấp chính quyền, sự tham gia nhiệt tình của mỗi người dân và sự ủng hộ to lớn của bạn bè quốc tế, Tổng điều tra dân số ở Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò và nhiệm vụ của mình. Đó là: Đếm đúng và đủ dân số Việt Nam của toàn quốc và của từng địa phương (đến cấp thôn, bản, tổ dân phố) làm cơ sở để phân bổ các nguồn lực cần thiết của các cấp chính quyền; Cung cấp các thông tin về dân số và các đặc điểm nhân khẩu học của dân số làm bằng chứng để đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, chính sách kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thời kỳ trước và phục vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ tiếp theo; tạo nền tảng về khung lấy mẫu cơ bản cho các cuộc điều tra mẫu quốc gia và các cuộc điều tra khác; cung cấp các bằng chứng quan trọng phục vụ các phân tích nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học, nhànghiên cứu trong và ngoài nước; là căn cứ để tiến hành dự báo dân số, đảm bảo mục tiêuổn định, phát triển, nâng cao chất lượngdân số.
 
Đối với riêng ngành Thống kê, qua mỗi kỳ Tổng điều tra, Tổng cục Thống kê đều nghiên cứu áp dụng các phương pháp luận mới, các kỹ thuật tiên tiến mang tính chất cách mạng trong thu thập và xử lý thông tin, làm nền tảng để phát triển ngành thống kê theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thống kê thế giới. Năng lực của những người làm công tác thống kê qua đó được nâng cao, được bạn bè thế giới công nhận. Qua mỗi lần thực hiện thành công Tổng điều tra dân số, vị thế của Việt Nam nói chung và của ngành Thống kê nói riêng ở trên thế giới và trong khu vực được nâng lên tầm cao mới.
 
Trong kỳ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; đặc biệt,được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương, Tổng điều tra dân số đã thực sự trở thành “Ngày hội của toàn dân”. Đó không chỉ là sự kiện, nhiệm vụ mang dấu ấn của riêng ngành Thống kê mà còn là nhiệm vụ và thành tựu của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
 
Qua Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Thế giới biết đến Việt Nam như một trong những quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi công đoạn của điều tra. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới tận dụng thiết bị thông minh của điều tra viên để cài đặt chương trình điều tra (CAPI) và trực tiếp thu thập thông tin tại địa bàn trong Tổng điều tra dân số. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có tỷ lệ điều tra bằng phiếu điện tử cao đến 99,9%. Vì vậy, trong vòng hơn 2 tháng thực hiện phúc tra, xử lý, làm sạch và đánh giá chất lượng số liệu, kết quả Tổng điều tra đã đươc công bố với thời gian rút ngắn 01 năm so với các kỳ Tổng điều tra trước.
 
Nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới đã đến Việt Nam để học tập và trao đổi kinh nghiệm (Cơ quan thống kê dân số Liên hợp quốc, UNFPA, Sri Lan Ka, Maldives,…); qua đó nâng cao vị thế của Thống kê Việt Nam nói riêng và của quốc gia nói chung. Dựa vào kết quả Tổng điều tra dân số, nhiều phân tích chuyên sâu đã được thực hiện, góp phần cung cấp các bằng chứng quan trọng cho việc đánh giá và xây dựng các chương trình mục tiêu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.
 
 Đặc biệt, số liệu của Tổng điều tra dân số năm 2019 đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII; trong đó, số liệu dân số, nhà ở, mức sống dân cư,…làm cơ sở để đánh giá Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020; xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. Kết quả Tổng điều tra Dân số năm 2019 đã kịp thời cung cấp thông tin cần thiết để tổ chức thực hiện thành côngbầu cử Quốc hội khóaXV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở nước ta.
 
Mặt khác, do có được nguồn dữ liệu về tọa độ địa lý (dữ liệu GPS) của các hộ dân cư trong Tổng điều tra năm 2019, Tổng cục Thống kê đã tận dụng xây dựng trang thông tin điện tử để biểu diễn dữ liệu nàytrên bản đồ Việt Nam. Bản đồ về vị trí các hộ dân cư của Việt Nam được xây dựng trên môi trường Internet, tích hợp với Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam (dmptc.gov.vn) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Tổng cục Phòng chống Thiên tai) được kỳ vọng sẽ cung cấp cho các nhà lập chính sách các nguồn thông tin quan trọng về dân số và vị trí địa lý của hộ dân cư trong mối tương quan với các vấn đề xã hội, môi trường, theo các đơn vị hành chính, theo các vùng/địa bàn, đặc biệt các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng bới thiên tai, biến đổi khí hậu,v.v góp phần phục vụ xây dựng chính sách, các can thiệp  và hỗ trợ kịp thời cho nhóm dân số có nguy cơ, rủi ro thiên tai.
 
Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, liệu cơ sở dữ liệu này có thể thay thế được Tổng điều tra dân số không? Hay nói cách khác, khi đã có cơ sở dữ liệu này Việt Nam có cần thực hiện Tổng điều tra dân số nữa không? Chúng tôi xin cung cấp một số phân tích về sự khác biệt giữa thông tin từ các cơ sở dữ liệu hành chính và thông tin của Tổng điều tra dân số để cùng làm sáng tỏ vấn đề.
 
Trước hết, Tổng điều tra Dân số nhằm thu thập thông tin về con người trong đời sống kinh tế-xã hội thực tế của một khu vực địa lý, một quốc gia theo các tiêu chí được thừa nhận và áp dụng trên toàn thế giới. Các tiêu chí này không hoàn toàn thống nhất với quy định của cơ quan hành chính của mỗi quốc gia. Cụ thể, để xác định một người sẽ được tính vào dân số của một địa bàn hành chính nào đó, Tổng điều tra dân số dựa trên khái niệm “nhân khẩu thực tế thường trú”. Nhân khẩu thực tế thường trú là những người đã cư trú ổn định trên địa bàn từ 6 tháng trở lên hoặc chưa đủ 6 tháng nhưng có ý định cư trú ổn định lâu dài tại địa bàn, không phân biệt họ có hay không có các giấy tờ đảm bảo cư trú cần thiết như: sổ hộ khẩu, giấy đăng ký tạm trú,… .
 
Trong khi đó, để được là công dân thuộc phạm vị quản lý của một địa phương nào đó trong cơ sở dữ liệu ngành công an, công dân cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú theo đúng quy định của ngành công an. Vì vậy, vì một lý do nào đó, công dân không thực hiện các thủ tục theo quy định thì họ sẽ không được tính là dân số của địa phương họ đang thực tế cư trú.
 
Ví dụ, nhiều người dân đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh A, nhưng sau đó, họ chuyển đến tỉnh B sinh sống và làm việc ổn định, thường xuyên. Như vậy, Tổng điều tra dân số ghi nhận là họ là dân số của tỉnh B không phân biệt họ đã hay chưa có hộ khẩu thường trú, đã đăng ký tạm trú hay chưa đăng ký tạm trú ở tỉnh B. Trong khi đó cơ sở dữ liệu hành chính có thể vẫn ghi nhận những người này ở tỉnh A do họ chưa có giấy tờ đăng ký ở tỉnh B. Điều này dẫn đến sự khác biệt về số liệu dân số quản lý trên giấy tờ nhân thân khác với số liệu dân số trên thực tế tại một địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý và phân bổ nguồn lực thực tế tại địa phương.
 
Như vậy, trên thực tế, cơ sở dữ liệu hành chính được kiểm soát bởi các yếu tố hành chính và pháp lý nên đôi khi thông tin cung cấp trong cơ sở dữ liệu có thể khác với thực tế đang tồn tại. Đặc biệt, nếu các quy định chưa kịp thay đổi hoặc năng lực quản lý chưa tốt thì thông tin từ cơ sở dữ liệu hành chính có thể khác xa với thông tin thực tế. Cụ thể, việc quản lý đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú chưa tốt có thể làm dân số đang thực tế cư trú của một địa phương khác xa với dân số đang quản lý trong cơ sở dữ liệu. Hoặc nếu trẻ em sinh ra, người chết đi vì lý do nào đó chưa được đăng ký khai sinh hoặc khai tử thì không thể có thông tin trong cơ sở dữ liệu.
 
Hơn nữa,cơ sở dữ liệu hành chính có phạm vi giới hạn trong các khu vực hành chính nhất định, không thể linh hoạt đến cấp thôn, tổ dân phố, địa bàn điều tra như thông tin từ Tổng điều tra vì vậy đôi khi sẽ hạn chế về thông tin chi tiết cung cấp cho công tác quản lý và phân phối nguồn lựccũng như tổ chức thực hiện một chính sách đến từng địa bàn cơ sở tại địa phương.
 
Bên cạnh đó, Tổng điều tra dân số không chỉ thu thập thông tin về dân số mà còn thu thập các thông tin về nhà ở của các hộ dân cư cùng với một số chỉ tiêu thống kê quan trọng khác để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân như: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh, trình độ học vấn của dân số, tỷ lệ người dân tộc biết chữ phổ thông, tỷ suất di cư thuần của dân số; tỷ suất sinh, tỷ suất chết, các đặc điểm nhà ở của hộ dân cư,…Những chỉ tiêu thống kê này rất khó có được từ nguồn cơ sở dữ liệu hành chính, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư.
 
Nội dung các trường thông tin thu thập trong cơ sở dữ liệu hành chính là cố định qua nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, không linh hoạt theo tình hình thực tế như nội dung thu thập qua Tổng điều tra. Vì vậy thông tin trong cơ sở dữ liệu hành chính có thể được cập nhật nhưng không đảm bảo so sánh quốc tế mà chỉ phục vụ cho quản lý của ngành, lĩnh vực nào đó. Ví dụ, khi thiết kế thông tin thu thập trong Tổng điều tra, người dùng tin có thể phát hiện thấy có một số vấn đề bức thiết như sự tăng cao về tỷ số giới tính khi sinh do các định kiến giới. Các thông tin này không thể có được từ các cơ sở dữ liệu hành chính trong khi đó dễ dàng cài đặt vào các cuộc Tổng điều tra để nghiên cứu, đánh giá.
 
Các thông tin trong cơ sở dữ liệu hành chính là thông tin cá nhân trong khi các thông tin thu thập từ Tổng điều tra là thông tin về cá nhân sống trong một hộ dân cư. Trên thực tế, đặc trưng của mỗi cá nhân bị tác động rất nhiều bởi đặc trưng của hộ, những người sống cùng trong hộ và các điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của họ. Các nghiên cứu, phân tích và chính sách phần nhiều phải dựa vào hộ dân cư, mà thông tin về hộ thì không có được từ cơ sở dữ liệu hành chính.
 
Các thông tin trong cơ sở dữ liệu hành chính mang tính pháp lý, bảo mật và riêng tư, vì vậy khả năng tiếp cận nguồn thông tin này phục vụ các hoạt động nghiên cứu và phân tích của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước là rất khó khăn.
 
Hiện cơ chế quản lý và chia sẻ thông tin từ các cơ sở dữ liệu trên chưa được ban hành vì vậy rất khó có thể đánh giá hiệu quả sử dụng đối với nguồn cơ sở dữ liệu này so với Tổng điều tra.
 
Với tất cả lý do trên, chúng tôi thấy rằng, cần hết sức thận trọng khi quyết định không thực hiện Tổng điều tra dân số vì “Tổng điều tra dân số và nhà ở - không đơn thuần chỉ là đếm số dân”. Đồng thời, cũng cần khẳng định rằng, khi thực hiện Tổng điều tra dân số trong thời gian tới, Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng phương pháp luân, kỹ thuật tiên tiến, cách làm mới, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và đặc biệt cần đánh giá kỹ các nguồn thông tin, khả năng chia sẻ để xác định những thông tin còn thiếu, thực sự cần thu thập để đảm bảo tiết kiệm,hiệu quả./.
 

[1] Trích nguồn: https://vi.wikipedia.org/
[2] Trích trong tài liệu: “United Nations, Principles and Recommendations for Population and Housing Censuses, Revision 3, 2017”
[3]Trích dẫn nguồn tin từ: https://guides.loc.gov/census-connections/census-history
[4]Trích dẫn nguồn tin từ: https://kccfr.jp/vn/dieu-tra-dan-so-nam-2020/
[5]Trích dẫn nguồn tin từ: http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/202105/t20210510_1817185.html