Tổng kết năm 2023, nền kinh tế của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,05%, đây là kết quả tích cực đưa Việt Nam vào nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá đã tạo bàn đạp thúc đẩy sản xuất cho năm 2024.
Kết quả sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong tháng Một năm 2024
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước[1] và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung thể hiện rõ vai trò chủ chốt của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong hoạt động sản xuất công nghiệp và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế.
Tốc độ tăng các ngành công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước
Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP tháng Một các năm 2020-2024
2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | |
Sản xuất chế biến thực phẩm | -2,1 | 13,7 | 7,3 | -7,5 | 17,2 |
Sản xuất đồ uống | -11,1 | 19,6 | -7,4 | 0,6 | 3,7 |
Dệt | -8,6 | 19,1 | 2,4 | -25,7 | 46,2 |
Sản xuất trang phục | -14,5 | 15,8 | 16,3 | -26,1 | 20,9 |
Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan | -9,9 | 24,1 | 3,4 | -19,3 | 34,7 |
Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy | -7,2 | 26,2 | 2,5 | -29,0 | 38,7 |
Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất | -11,8 | 23,9 | 2,5 | -16,8 | 38,7 |
Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác | -12,8 | 28,7 | 2,3 | -19,4 | 20,9 |
Sản xuất kim loại | -6,8 | 54,1 | -0,3 | -19,7 | 39,4 |
Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) |
-4,2 | 24,5 | 4,1 | 3,5 | 7,8 |
Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học |
-5,4 | 39,7 | 1,4 | -1,1 | 5,6 |
Sản xuất thiết bị điện | -19,4 | 41,2 | 9,7 | -26,7 | 43,3 |
Sản xuất phương tiện vận tải khác | -17,8 | 12,7 | 8,2 | -24,2 | 13,1 |
Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế | -13,1 | 28,1 | 2,6 | -24,0 | 66,7 |
Một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao như: Quảng Ninh tăng 157,9%; Bắc Giang tăng 57,7%; Nam Định tăng 56,9%; Vĩnh Long tăng 51,2%; Kiên Giang tăng 47,7%; Phú Thọ tăng 39,4%. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực trong tháng 1/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đường kính tăng 66,2%; thép cán tăng 59,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57,1%; sữa bột tăng 47,4%; sơn hóa học tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 40,7%; thép thanh, thép góc tăng 37,5%; thuốc lá điếu tăng 34,7%.
Động lực tạo đà tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2024
Theo số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, trong tháng đầu năm nay dòng tiền đầu tư tấp nập đổ về thị trường hàng hóa nguyên liệu với kỳ vọng sản xuất đang thực sự trên đà phục hồi và tăng trưởng trong năm 2024.
Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý IV/2023 giảm 2,57% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,83%; Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý IV/2023 tăng 1,11%, trong đó, nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,49% và tăng 1,84%; Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý IV/2023 giảm 3,94%, trong đó, nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,21% và giảm 1,37%. Những con số này sẽ tạo kỳ vọng cho các doanh nghiệp chế biến chế tạo tiết kiệm được chi phí đầu vào, mở rộng quy mô sản xuất trong năm 2024, nhờ vậy đóng góp cho tăng trưởng ngành công nghiệp.
Xuất khẩu hàng hóa cũng được kỳ vọng là một trong những động lực tăng trưởng của năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao trong giai đoạn 2020-2024, điều đó cho thấy thị trường xuất khẩu đã được phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, xuất khẩu một số mặt hàng ngành chế biến chế tạo tăng cao trong tháng Một năm nay sẽ tạo động lực và kỳ vọng cho các ngành này tiếp tục tăng quy mô sản xuất trong năm 2024./.
Vụ Thống kê Tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê- TCTK