Tăng cường biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cao điểm

|

Tăng cường biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cao điểm

Những tháng cuối năm là cao điểm của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do nhu cầu hàng hóa của thị trường tăng mạnh nhằm đáp ứng các dịp Lễ, trước, trong và sau Tết. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng liên quan luôn chuẩn bị sẵn phương án ứng phó, quyết tâm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) đã ban hành Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Kế hoạch được thực hiện từ ngày 20/11/2023 đến hết ngày 29/02/2024 nhằm triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Công điện, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương, Tổng cục QLTT và Cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.

 

Tăng cường biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng

Kế hoạch đặt ra yêu cầu việc triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm phải tuân thủ đúng quy định pháp luật; kết hợp hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; không gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Các đơn vị chủ động nắm vững diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương, tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực/mặt hàng trọng điểm, các địa bàn, tuyến trọng điểm. Tăng cường quản lý giám sát, giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, phân công công chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo theo yêu cầu; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị QLTT các cấp trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đơn vị thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần tập trung vào các nhiệm vụ chung, như: Xác định cụ thể tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để xây dựng Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Quán triệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong công tác hậu kiểm, đặc biệt đưa mặt hàng sữa chế biển vào danh mục các mặt hàng trọng điểm thực hiện kiểm tra hậu kiểm trong Quý IV/2023 theo Kế hoạch số 1766/KHBCĐTƯATTP ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm, phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng. Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không đề xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân. Xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành... thường xuyên kiểm tra trên khâu lưu thông, rà soát các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, làng nghề,… Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và phối hợp đấu tranh, phòng chống các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,… trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động công tác.

Bên cạnh đó, đơn vị Nghiệp vụ QLTT và đơn vị QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương cần chú trọng các nhiệm vụ cụ thể; trong đó có, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Tại các tỉnh biên giới, lực lượng QLTT cần phối hợp với lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành, Kiểm dịch động vật,.. tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng hóa vận chuyển trái phép từ khu vực tuyến biên giới đường bộ, đường biển vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đồng thời, rà soát, giám sát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, chợ biên giới; chú trọng vào các mặt hàng, các lĩnh vực trọng điểm. Tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán./.

 
P.V