Tăng cường quản lý và giám sát mã số vùng trồng cho nông sản xuất khẩu

|

Tăng cường quản lý và giám sát mã số vùng trồng cho nông sản xuất khẩu

Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay, việc các nước nhập khẩu nông sản đưa ra những quy định chặt chẽ, yêu cầu cao hơn về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam cần quan tâm hơn nữa trong tuân thủ các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để nâng cao uy tín, hình ảnh, thương hiệu hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thực trạng quản lý và giám sát mã số vùng trồng của Việt Nam hiện nay

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có mức tăng trưởng cao. Kim ngạch Xuất khẩu các mặt hàng này đã tăng từ 27,4 tỷ USD năm 2013 lên 53,2 tỷ USD năm 2022, tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 3 tỷ USD, gần bằng con số 3,16 tỷ USD của cả năm 2022. Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp cận tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất nông nghiệp được áp dụng ở nhiều quốc gia đã khiến các nước nâng cao rào cản kỹ thuật, các quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu và an toàn thực phẩm ngày càng trở nên khắt khe. Do đó, để xuất khẩu nông sản thực sự bền vững, đảm bảo ổn định chất lượng nông sản, Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu và thực hiện việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đây cũng là điều kiện nền tảng, tiên quyết và cũng là quy định bắt buộc và hoàn toàn phù hợp theo các thông lệ quốc tế đối với các nước xuất khẩu nông sản.

 

Mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sơ chế đóng gói, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc thiết lập vùng trồng để cấp mã số sẽ bao gồm xác định diện tích, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng, kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước, có nhật ký canh tác, thực hành nông nghiệp tốt tối thiểu theo quy trình VietGAP.

Đến nay, công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cũng đã giúp thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, hướng dẫn người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn. Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như: Xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Newzealand và Úc là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cụ thể cho các địa phương chủ động thực hiện từ khâu tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định đến việc cấp các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và duy trì giám sát các điều kiện tại các khu vực đã được cấp mã số vùng trồng.

Tuy nhiên, công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng; các tranh chấp về quyền sở hữu mã số vẫn còn diễn ra ở một vài nơi. Sự quan tâm, phân bổ nguồn lực để thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ở một số địa phương còn hạn chế. Một số tỉnh, thành phố cũng chưa thực sự chú trọng vào quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói dẫn tới nhiều mã số vùng trồng ở địa phương không đảm bảo chất lượng…

Thực tế thời gian gần đây, Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định đối với sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc.

 

Tăng cường quản lý và giám sát mã số vùng trồng

Các mặt hàng nông sản Việt Nam có sức hấp dẫn ngày càng tăng đối với nhiều thị trường trên thế giới. Để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh đối với nông sản phải được coi là yếu tố then chốt.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tham gia và hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), do đó đòi hỏi người dân và doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản bền vững phải tự nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao đối với chất lượng, quy cách đóng gói sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Để công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững, ngày 28/3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Bố trí nguồn lực gồm nhân lực và tài chính thực hiện công tác thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong đó chú trọng tập huấn, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân liên quan.

Thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương để phục vụ công tác mở cửa thị trường, giải quyết các rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm hoặc phòng chống Covid-19...

Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, chú trọng công tác tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật hoàn thiện việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia; cập nhật các tài liệu hướng dẫn về thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để tập huấn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Chủ động đàm phán với Cơ quan kỹ thuật của nước nhập khẩu để mở cửa thị trường, tăng số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu; giải quyết các rào cản kỹ thuật để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng gói. Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho từng đối tượng áp dụng về các quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu trên từng loại sản phẩm trồng trọt cụ thể. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu về vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo sử dụng dữ liệu hiệu quả và truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng các chương trình tập huấn, truyền thông về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong kế hoạch hoạt động hàng năm.

Các doanh nghiệp và người sản xuất chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo luôn duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói. Chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói. Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan quản lý tại địa phương tổ chức tập huấn cho nông dân trong vùng nguyên liệu đảm bảo thực hiện đúng các quy định kỹ thuật.

Hiệp hội ngành hàng tăng cường tuyên truyền cho hội viên quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại địa phương hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên tích cực tham gia phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại địa phương phục vụ xuất khẩu./.

Trang Nguyễn