Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

|

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa giảm, thời tiết trở nên nắng nóng gay gắt ở một số nơi, đặc biệt vào cao điểm mùa khô là một trong những nguyên nhân gây nên các vụ cháy rừng. Cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái, là một trong những vấn nạn mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới phải nghiêm túc đối mặt và có biện pháp phòng, chống quyết liệt.
 
Từ khóa: Cháy rừng, thiệt hại, phòng cháy, chữa cháy, nguy cơ, cảnh giác
 
Cảnh báo nguy hiểm cháy rừng trong cao điểm mùa khô
 
Theo thông tin công bố hiện trạng rừng toàn quốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 31/12/2023, diện tích rừng cả nước (gồm diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ rừng) đạt trên 14,86 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,12 triệu ha, rừng trồng là 4,73 triệu ha. Tỷ lệ che phủ toàn quốc là 42,02%. Trong số các vùng sinh thái, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích rừng lớn nhất với 5,62 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng cũng lớn nhất, 54,23%. Tiếp theo là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 5.5,44 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,04%. Khu vực Tây Nguyên có 2,59 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,34%. Trong số các tỉnh có rừng trên toàn quốc, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất với 1,02 triệu ha; tiếp theo là Quảng Nam với 681,16 nghìn ha, xếp thứ 3 là Sơn La với 676,89 nghìn ha. Ngoài ra, một số tỉnh có diện tích rừng lớn như: Thanh Hóa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lạng Sơn.
 
Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tích cực đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng kết hợp với khai thác hợp lý, diện tích rừng của Việt Nam tăng lên đáng kể. Cụ thể, diện tích rừng năm 2023 tăng 70,23 nghìn ha so với năm 2022 (14,79 triệu ha; trong đó rừng tự nhiên có 10,13 triệu ha, rừng trồng có 4,65 triệu ha). Tuy nhiên, các cánh rừng Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ bị thiệt hại mỗi năm do nạn chặt phá rừng, khai thác bừa bãi, đặc biệt những năm gần đây thiệt hại về rừng có xu hướng tăng lên do biến đổi khí hậu và các nguyên nhân gây nắng nóng, hay sự bất cẩn của con người dẫn đến gia tăng các vụ cháy rừng.

Theo Cơ quan Giám sát Khí hậu của Liên minh Châu Âu, các đợt nắng nóng trong 12 tháng gần đây đều phá kỷ lục nhiệt độ so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết có 86% khả năng có một năm nóng hơn 2023 xuất hiện trong vòng 5 năm tới. Tương tự, mùa hè năm nay cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy nó có thể vượt qua hè 2023 và trở thành mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm lịch sử. Trong khi đó, nhiệt độ tại nhiều địa phương miền Bắc của Việt Nam đã vượt ngưỡng lịch sử; miền Trung chạm mốc lịch sử, còn miền Nam nắng nóng kéo dài liên tục với thời gian nắng nói kéo dài từ 10-12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài, nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương; tâm điểm là khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, nhiều khả năng kỷ lục về nhiệt độ cao sẽ tiếp tục bị phá vỡ.

 

Các vụ cháy rừng từ đầu năm đến nay gây ra những thiệt hại đáng kể
 
Từ tháng Mười hai năm trước đến tháng Hai năm sau thường là những tháng thấp điểm của công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô. Tuy nhiên, từ giữa tháng 1/2024 đến nay thời tiết liên tục nắng nóng. Thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa dẫn đến tình trạng cháy rừng và cảnh báo cháy rừng với cấp độ cao diễn ra phức tạp tại các địa phương có rừng trên cả nước.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước có 1.722,3 ha rừng bị thiệt hại, tăng 53,5% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 1.047,8 ha, giảm 3%; diện tích rừng bị cháy là 674,5 ha, gấp 16,3 lần so với năm 2022. Diện tích rừng bị cháy của năm 2023 chủ yếu tập trung vào những tháng hè do thời tiết nắng nóng kéo dài. Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng đã xảy ra. Đáng nói là, chỉ tính đến cuối tháng Sáu, con số thiệt hại đã là 683,9 ha rừng bị cháy, tăng 25,9% so với cùng kỳ, thậm chí còn vượt qua tổng diện tích rừng bị cháy của cả năm 2023.
 
Điển hình tại tỉnh Hà Giang, 26-27/4/2024, cháy rừng đã xảy ra tại khu vực giáp ranh 3 xã: Phương Tiến, Lap Chải, Xín Chải của huyện Vị Xuyên gây thiệt hại rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân trên địa bàn. Đáng buồn là, vụ cháy không chỉ thiêu rụi gần 20 ha rừng mà còn khiến hai cán bộ kiểm lâm hy sinh và một kiểm lâm khác bị thương khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng.
 
Thông tin từ Hệ thống Quản lý cháy rừng, mất rừng và khai thác thông tin của Cục Kiểm lâm, từ đầu năm tính đến ngày 26/6/2024, cả nước có 32 địa phương có báo cáo điểm cháy rừng. Trong đó, Điện Biên là địa phương đứng đầu về số điểm cháy rừng với 13.802 điểm cháy; đứng thứ hai là Gia Lai với 12.890 điểm cháy; thứ ba là Đắk Lắk với 10.246 điểm cháy. Cũng theo Hệ thống Quản lý cháy rừng, mất rừng và khai thác thông tin, tại thời điểm ngày 26/06/2024, một số khu vực đã có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ cháy rừng. Trong đó, có 149 vùng cảnh báo cháy cấp IV tại các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và 2 vùng cảnh báo cháy cấp V - cấp cao nhất tại thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa thuộc tỉnh Gia Lai.
 
Cháy rừng không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn gây ra thiệt hại về người và nhiều tác hại nghiêm trọng cho môi trường như: Mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí, mất đất và dinh dưỡng đất, tác động đến hệ thống thủy văn, mất cân bằng hệ sinh thái. Đồng thời, thiệt hại do cháy rừng cũng khiến cho nhiều gia đình sống nhờ vào lâm nghiệp phải rơi vào tình trạng nghèo đói, tái nghèo.
 
Chủ động ứng phó kiểm soát tình hình cháy rừng và giảm thiệt hại
 
Trước thực trạng cháy rừng kể trên, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được các cấp chính quyền và người dân quan tâm và triển khai thực hiện, nhất là vào giai đoạn cao điểm mùa khô. Theo đó, để công tác phòng cháy chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao, cần tuân thủ nguyên tắc lấy hoạt động phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng. Chủ động, sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng. Đồng thời, thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bao gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Chỉ đạo, chỉ huy thống nhất; phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Ngoài ra, trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.
 
Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Công điện về chủ động, quyết liệt tăng cường triển khai có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước. Tại Công điện số 43/CĐ-TTg gần đây, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan theo chức năng và thẩm quyền được giao, tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27/4/ của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và các văn bản chỉ đạo có liên quan;  tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng.
 
Để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao, các địa phương có rừng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân, chung sức thực hiện một số giải pháp sau:
 
Một là, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
 
Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.
 
Ba là, chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương với phương châm “bốn tại chỗ”; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; Trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo hiệu quả, an toàn; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống khói độc, công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm, nước uống, vật tư y tế phục vụ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng.
 
Bốn là, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất.
 
Năm là, có phương án, kế hoạch di dời người dân, tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra; có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối và có chính sách phù hợp, hiệu quả cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ chữa cháy rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Sáu là, chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
 
Bảy là, thường xuyên theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; kịp thời thông tin, báo cáo ngay khi có cháy rừng; đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng từ các địa phương khác khi cần thiết./.
 
Thu Hiền