Bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước

|

Bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước

Không chỉ có chức năng và vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của quốc gia, vùng đất ngập nước còn là nguồn sinh kế của cộng đồng người dân địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương khi phát triển kinh tế quá mức gây ô nhiễm môi trường và khai thác tận diệt. Để bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước, những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong xây dựng hệ thống thể chế, chính sách và triển khai nhiều hành động thực tiễn.

Bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước

Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước sẽ góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, lưu trữ carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của vùng đất ngập nước, Đảng, Nhà nước luôn xác định việc bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu phát triển bền vững.

Cụ thể, Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN chính thức tham gia Công ước về vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar) năm 1989; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định để phát huy giá trị các vùng đất ngập nước như: Nghị định số 66/2019/NĐ- CP, ngày 29/7/2019, về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030; Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việt Nam cũng tích cực tham gia Ngày Đất ngập nước Thế giới 2024 với chủ đề “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người” hướng tới làm nổi bật mối liên hệ giữa việc duy trì, bảo tồn các vùng đất ngập nước để bảo đảm phúc lợi toàn diện của con người. Từ đó giúp Việt Nam thúc đẩy nâng cao nhận thức của con người trong quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên đất ngập nước.

Đến nay, Việt Nam đã có 9 khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) được thế giới công nhận với tổng diện tích 120.549 ha, bao gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định); Vùng đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai); Hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn); Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp); Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau); vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen thuộc Vườn quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Long An) và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (tỉnh Ninh Bình). Việt Nam đã quy hoạch và khoanh vi để thành lập 47 khu bảo tồn đất ngập nước. Ban hành kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ tăng số lượng khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar lên 15 khu.

Vùng đất ngập nước lớn nhất của Việt Nam là châu thổ sông Cửu Long có một hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt cùng những cánh đồng lúa, rừng ngập mặn, rừng tràm, các bãi triều và ao nuôi tôm, cá. Ở miền Trung, vùng đất ngập nước là các đầm phá ven biển, các hồ chứa nước nhân tạo. Ở miền Bắc, đất ngập nước là các hồ trong hệ thống lưu vực sông Hồng, những bãi triều rộng lớn và rừng ngập mặn của châu thổ.

Tính đa dạng các kiểu loại đất ngập nước đã góp phần tạo nên sự phong phú về loài có ý nghĩa đối với Việt Nam và thế giới. Ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống thuộc hệ sinh thái nước ngọt. Có trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú tại các vùng đất ngập nước tại Việt Nam. Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái khác nhau. Trong đó, hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật chỉ có ở Việt Nam. Trên bảng xếp hạng về mức độ đa dạng sinh học trên thế giới, Việt Nam xếp hạng thứ 14. Tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3 sau Indonesia, Myanmar.

Việc bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả. Năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng cũng được tăng cường.

Trong những năm qua, vùng đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, vùng đất ngập nước góp phần cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu nước ngoài. Theo Tổng cục Thống kê năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, trong đó, cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu nông sản, lâm sản ước đạt 28,15 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 9,01 tỷ USD, chiếm 2,5%. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 59,34 tỷ USD, trong đó, cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu nông, lâm sản ước đạt 5 tỷ USD, chiếm 8,4%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 2,2%. Việt Nam hiện là một trong những nước có xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Đặc biệt, du lịch dựa trên các giá trị các điểm du lịch vùng đất ngập nước như: Đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, các khu căn cứ cách mạng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, các khu du lịch sinh thái như: Vườn quốc gia Xuân Thủy, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Vườn quốc gia Ba Bể, Vườn quốc gia Tràm Chim,... đã đạt hiệu quả tịch cực khi thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, các vùng đất ngập nước làm tăng khả năng chống chịu của cộng đồng đối với thiệt hại do bão lụt và các hiện tượng cực đoan gây ra. Nhiều loại đất ngập nước như rừng ngập mặn, bãi cạn, rừng san hô và than bùn ven biển tạo thành những vùng đệm tự nhiên giúp chống lại các tác động của thời tiết, sạt lở và suy thoái ở nhiều khu vực

Việt Nam hành động bảo vệ, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước

Việt Nam đang từng bước thể hiện trách nhiệm là thành viên Công ước về các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar). Ngày 29/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Theo đó, Nghị định đã đưa ra nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước gồm: Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước; Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu chung của Quyết định số 1975/QĐ-TTg là bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam là quốc gia thành viên tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar).

Quyết định số 1975/QĐ-TTg đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng; Cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); tăng diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc; Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam được thiết lập và hoạt động có hiệu quả, trong đó chú trọng các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; 70% các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại một số khu Ramsar.

Đến năm 2030, tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức điều tra, đánh giá, quản lý, quan trắc, giám sát theo quy định tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và hướng dẫn của Công ước Ramsar; Cả nước có 15 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar; tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước; Phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; Các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; Năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được tăng cường.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, Kế hoạch hành động quốc gia cũng đã đưa ra các giải pháp thực hiện, cụ thể:

Hoàn thiện các văn bản chính sách, pháp luật về quản lý các vùng đất ngập nước: Xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc; Xây dựng tài liệu hướng dẫn cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tại các vùng đất ngập nước quan trọng; Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trong hệ thống chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường; Xây dựng cơ chế kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực đến các vùng đất ngập nước quan trọng.

Tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý về đất ngập nước: Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý đa dạng sinh học, đất ngập nước từ trung ương tới địa phương; đa dạng hóa phương thức đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đất ngập nước các cấp; nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng cường năng lực Cơ quan đầu mối thực hiện Công ước Ramsar và các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước tại các bộ, ngành, địa phương.

Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước: Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Xây dựng cơ chế đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước thông qua các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, bồi hoàn đa dạng sinh học, cơ chế chia sẻ lợi ích tại các vùng đất ngập nước quan trọng và các cơ chế tài chính khác; Huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ quốc tế đầu tư cho các dự án về bảo tồn đất ngập nước, hoạt động về tuyên truyền cho công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; Phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường tại các vùng đất ngập nước.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; Xây dựng chương trình, triển khai các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị, chức năng của các vùng đất ngập nước và quy định quản lý đất ngập nước trên toàn quốc; kết nối và cập nhật thường xuyên thông tin về các hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên trang điện tử Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam; Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với các đối tượng khác nhau; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; nhân rộng các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước: Thúc đẩy hoạt động phối hợp nghiên cứu đất ngập nước với các quốc gia trong khu vực và quốc tế; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tập trung nghiên cứu ứng dụng phát triển các mô hình du lịch sinh thái, mô hình cộng đồng, doanh nghiệp tham gia quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, mô hình phối hợp quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên và chia sẻ hài hòa lợi ích tại các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc; Nghiên cứu triển khai các biện pháp khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước: Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm với các nước, tổ chức quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tham vấn kỹ thuật với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức và chuyên gia quốc tế hoạt động ở Việt Nam, khu vực và thế giới về xây dựng chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Tăng cường các hoạt động hợp tác xuyên biên giới về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, đặc biệt tại lưu vực sông Mê Công./.

Minh Thư