Mức sống dân cư hiện nay là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, cùng với phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng với thế giới, Đảng và Nhà nước đã luôn nỗ lực xây dựng và chỉ đạo thực thi nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, nhờ đó, đời sống của người dân Việt đã được cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua.
Thu nhập bình quân đầu người là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất, thể hiện rõ thành tựu đạt được trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nhờ phát triển kinh tế của bất cứ địa phương hay quốc gia nào trên thế giới. Tại Việt Nam, sau hơn một thập kỷ từ năm 2012-2022, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 2 lần. Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng (thu nhập bình quân) của người dân Việt Nam đã tăng từ 2 triệu đồng năm 2012 lên 4,67 triệu đồng năm 2022. Trong đó, thu nhập bình quân của người dân ở khu vực thành thị tăng từ 2,98 triệu đồng lên 5,94 triệu đồng, gấp gần 2 lần; khu vực nông thôn tăng từ 1,57 triệu đồng lên 3,86 triệu đồng, gấp 2,44 lần. Như vậy, với thu nhập tăng lên, đời sống của người dân, nhất là người dân sống ở khu vực nông thôn cũng được cải thiện đáng kể. Đáng nói là thu nhập bình quân năm 2022 còn cao hơn con số 4,29 triệu đồng/người/tháng của năm 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa xảy ra; trong đó, thu nhập trung bình của 20% dân số giàu nhất đạt 10,23 triệu đồng/người/tháng. Điều này cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng toàn xã hội dẫn đến thu nhập tăng lên.
Cùng với các chính sách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các khu chế xuất, khu công nghiệp ngày càng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến cơ cấu việc làm và cơ cấu thu nhập của người dân có sự thay đổi đáng kể. Năm 2012, cơ cấu thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo nguồn thu là 34,0% từ các công việc phi nông, lâm, thủy sản; 19,8% từ công việc nông, lâm nghiệp, thủy sản; còn 46,2% là tiền lương, tiền công. Đến năm 2022, sự thay đổi lớn đã diễn ra với thu nhập bình quân từ nguồn nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn chiếm tỷ trọng 10,1%, thu nhập từ tiền lương, tiền công tăng mạnh, chiếm 55,2%; còn lại từ nguồn phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng nhẹ và chiếm tỷ trọng 34,7%.
Thu nhập bình quân đầu người là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất, thể hiện rõ thành tựu đạt được trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nhờ phát triển kinh tế của bất cứ địa phương hay quốc gia nào trên thế giới. Tại Việt Nam, sau hơn một thập kỷ từ năm 2012-2022, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 2 lần. Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng (thu nhập bình quân) của người dân Việt Nam đã tăng từ 2 triệu đồng năm 2012 lên 4,67 triệu đồng năm 2022. Trong đó, thu nhập bình quân của người dân ở khu vực thành thị tăng từ 2,98 triệu đồng lên 5,94 triệu đồng, gấp gần 2 lần; khu vực nông thôn tăng từ 1,57 triệu đồng lên 3,86 triệu đồng, gấp 2,44 lần. Như vậy, với thu nhập tăng lên, đời sống của người dân, nhất là người dân sống ở khu vực nông thôn cũng được cải thiện đáng kể. Đáng nói là thu nhập bình quân năm 2022 còn cao hơn con số 4,29 triệu đồng/người/tháng của năm 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa xảy ra; trong đó, thu nhập trung bình của 20% dân số giàu nhất đạt 10,23 triệu đồng/người/tháng. Điều này cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng toàn xã hội dẫn đến thu nhập tăng lên.
Cùng với các chính sách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các khu chế xuất, khu công nghiệp ngày càng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến cơ cấu việc làm và cơ cấu thu nhập của người dân có sự thay đổi đáng kể. Năm 2012, cơ cấu thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo nguồn thu là 34,0% từ các công việc phi nông, lâm, thủy sản; 19,8% từ công việc nông, lâm nghiệp, thủy sản; còn 46,2% là tiền lương, tiền công. Đến năm 2022, sự thay đổi lớn đã diễn ra với thu nhập bình quân từ nguồn nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn chiếm tỷ trọng 10,1%, thu nhập từ tiền lương, tiền công tăng mạnh, chiếm 55,2%; còn lại từ nguồn phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng nhẹ và chiếm tỷ trọng 34,7%.
Chất lượng sống của người dân Việt Nam tăng cao trong vòng 1 thập kỷ. Ảnh minh họa
Thu nhập tăng lên góp phần kéo theo chi tiêu bình quân của người dân cả nước cũng tăng lên, thúc đẩy sự tăng trưởng của sản xuất, thương mại. Chi tiêu bình quân của người dân Việt Nam đã tăng từ 1,60 triệu đồng/người/tháng lên 2,79 triệu đồng/người/tháng; khu vực nông thôn đạt mức tăng cao, từ 1,31 triệu đồng/người/tháng năm 2012 lên 2,49 triệu đồng/người/tháng năm 2022, gấp 1,89 lần kể từ đầu giai đoạn. Chi tiêu cho đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của các hộ gia đình. Năm 2022, chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 95,5% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,3 triệu đồng và không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng.
Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, phát triển kinh tế gia đình, cá nhân, Đảng và Nhà nước còn xây dựng nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao đời sống người dân, tăng cường phúc lợi như giáo dục, y tế, điều kiện sinh hoạt tối thiểu… một số chỉ tiêu khác về mức sống của người dân cũng tăng cao trong 10 năm qua. Năm 2000, sau khi hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH), xóa mù chữ, Việt Nam đã cam kết phấn đấu đạt 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ được ghi trong Bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc với 189 quốc gia thành viên. Trong các mục tiêu này, PCGDTH là một trong những mục tiêu mà Việt Nam chú trọng triển khai và đã đạt được thành tích rất đáng trân trọng ở tất cả các vùng miền trong cả nước. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 10-CT/TW ngày 05/12/2011 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả PCGDTH và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn; Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Nghị định 20/2014/NĐ-CP thông qua việc ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để hướng dẫn, giúp địa phương thực hiện củng cố, duy trì bền vững và thúc đẩy hơn nữa công tác phổ cập giáo dục tiểu học. Nhờ đó, Việt Nam được đánh giá là có tiến bộ nhanh hơn so với phần lớn các nước có thu nhập thấp khác trên thế giới trong việc khắc phục những sự chênh lệch về giới và về tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi. Theo Tổng cục Thống kê, trong vòng 10 năm từ 2012 đến 2022, tỷ lệ đi học đúng tuổi qua các năm đều có xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ lệ đi học đúng tuổi trung học phổ thông (tăng từ 59,4% năm 2012 lên 77,2% năm 2022). Đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình cũng ngày càng cải thiện, thể hiện ở chi giáo dục, đào tạo cho 1 người đi học ngày càng tăng, từ 4,08 triệu lên 7,0 triệu đồng/người/năm. Năm 2012, tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt là 92,4%, 84,1% và 59,4%. Sau những nỗ lực phổ cập giáo dục, năm 2022, tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều tăng cao, lần lượt là 95,8%, 90,5% và 77,2%.
Sự phát triển của mạng lưới y tế cơ sở theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX tại Chỉ thị số 06/CT/TW ngày 22/01/2002 về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đã từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, phòng chống và quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân bước đầu được triển khai từ tuyến xã; chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân. Tính đến năm 2022, có 89,2% người có thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí, không có sự khác biệt về tiếp cận thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí giữa khu vực, vùng, mức sống và giới tính. Nhờ tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh năm 2022 cũng giảm so với năm 2020, cụ thể năm 2022 là 2,5 triệu đồng trong khi năm 2020 là hơn 3 triệu đồng. Năm 2022, chi tiêu bình quân một người có khám chữa bệnh nội trú xấp xỉ 9 triệu đồng và một người có khám chữa bệnh ngoại trú là gần 1,4 triệu đồng. Thành thị có mức chi y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh cao hơn nông thôn (2,8 triệu đồng so với 2,3 triệu đồng).
Người Việt Nam vốn có tư duy “an cư rồi mới lạc nghiệp”, do đó, nhà ở có vai trò quan trọng và thiết yếu đối với tất cả các hộ gia đình, chất lượng nhà ở được quyết định bởi diện tích và kết cấu của ngôi nhà để ở đó. Kết quả khảo sát cho thấy, giai đoạn 2012-2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, chất lượng nhà ở của các hộ gia đình nước ta được nâng cao rõ rệt. Năm 2022, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 27,2 m2, tăng 1,9 m2 so với năm 2020 và tăng 9,3 m2 so với năm 2012. Về kết cấu nhà ở, năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố lên tới 96,8%, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ, không hẳn là do điều kiện kinh tế kém mà đôi khi do điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán lâu đời.
Cùng với nhà ở, chất lượng sống của người dân Việt Nam còn được đánh giá ở các chỉ tiêu về nước sạch sinh hoạt, điện sinh hoạt, tài sản có giá trị, nhà vệ sinh… Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2022 là 98,3%, tăng 0,9% so với năm 2020 và tăng 7,3% so với năm 2012, cụ thể có 99,7% hộ thành thị và 97,4% hộ nông thôn có nguồn nước hợp vệ sinh. Đặc biệt, Nhà nước đã quan tâm đầu tư, đưa nguồn nước sạch về tới các hộ gia đình khu vực nông thôn, do đó, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh tăng nhanh hơn ở khu vực này, tăng 8,6% kể từ đầu đến cuối giai đoạn. Tương tự, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nhà vệ sinh cũng tăng nhanh theo thời gian. Bên cạnh đó, lưới điện quốc gia cũng được vươn xa hơn tới mọi vùng, miền của Tổ quốc, từ 97,6% hộ sử dụng điện trên cả nước năm 2012, đến nay điện lưới đã phủ rộng tới 99,5% hộ dân.
Những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đã và đang hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện. Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số…, thông qua các chính sách, chương trình quốc gia về bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống mua bán người, phòng chống lao động, bóc lột và bạo hành đối với trẻ em… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khoảng cách về mức sống giữa các nhóm dân cư đang ngày một mở rộng, đặc biệt đối với bộ phận người dân tộc thiểu số sống tại khu vực phía Bắc, nhất là vùng sâu, vùng xa của một số tỉnh có mức sống chưa cao. Sự bất bình đẳng được thể hiện rõ nét nhất khi nghiên cứu giữa nhóm dân giàu nhất và nhóm dân nghèo nhất Việt Nam. Điều đó được thể hiện qua các con số thống kê: Theo chuẩn nghèo mới, toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều, trong đó, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (12,1%). Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (tương ứng 0,7% và 0,9%). Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2022 là 0,375, giữ ổn định so với năm 2020 và 2021 và vẫn đang ở mức bất bình đẳng trung bình. Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn là hai vùng có hệ số GINI cao nhất (tương ứng 0,408 và 0,399).
Trong 6 vùng kinh tế của cả nước, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng), trong khi Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng thấp nhất (3,17 triệu đồng). Kéo theo đó, chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất (nhóm 5) và nhóm nghèo nhất (nhóm 1) là 3,2 lần năm 2022, với chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 gần 4,1 triệu đồng so với gần 1,3 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1. Trung du và miền núi phía Bắc cũng là vùng có tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh luôn luôn thấp nhất (92,6% năm 2022); còn tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh hầu như thấp nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (90,7% năm 2022).
Có thể nói, với mức sống của ngày càng tăng cao, người dân Việt Nam đang được hưởng ngày càng nhiều quyền và tự do hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện quyết liệt các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao các chỉ số về mức sống, thu hẹp dần khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân cư và các khu vực, góp phần xây dựng đất nước phát triển toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau./.
TS. Hoàng Thanh Huyền - Học viện Ngân hàng