Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam - Đảng ta hân hoan viết nên những trang sử vẻ vang

|

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam - Đảng ta hân hoan viết nên những trang sử vẻ vang

Ngược dòng lịch sử, giữa thế kỷ XIX, khi đất nước ta chưa có Đảng lãnh đạo, dẫn dắt, cách mạng Việt Nam bị khủng hoảng về đường lối cứu nước. Trong bối cảnh đó, ngày 06/5/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên Văn Ba đã rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước. Qua nhiều năm tháng bôn ba, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm được con đường cách mạng giải phóng cho dân tộc.
 
Ngày 03/2/1930, sau gần 20 năm đi tìm đường cứu nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo đất nước, chỉ ra con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là con đường kết hợp giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là điểm mở đầu quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự phát triển của dân tộc trong các giai đoạn sau này.
 
 
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.
Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
 
Với đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, truyền cảm hứng mạnh mẽ, làm sống dậy khát vọng giải phóng dân tộc trong nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại.
 
Sau 15 năm đi theo đường lối cách mạng của Đảng, dân tộc ta đã thực hiện thành công cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra một thời đại mới, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình.
 
Tuy nhiên ngay sau đó, dân tộc ta một lần nữa lại đối mặt với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Đảng ta đã sáng suốt đề ra đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
 
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, đề ra đường lối kháng chiến “tiến hành đồng thời cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam”. Với những quyết sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã chiến đấu anh dũng và chiến thắng hết sức vẻ vang. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội và nhân dân Việt Nam đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
 
Sau ngày thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ vững chắc nền độc lập, khẳng định sự tất yếu và tầm quan trọng đưa đất nước thống nhất đi lên Chủ nghĩa xã hội. Khẳng định trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới và phát triển đất nước (tại Đại hội VI của Đảng năm 1986), quyết định thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; đồng thời, đổi mới chính sách xã hội, hướng vào những giải pháp nhằm cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân.
 
Trong những năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng (tháng 2/2021) đã nhận định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay". Diện mạo đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được một số kết quả tích cực. Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng.
 
Toàn cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Thành tựu nổi bật nhất sau hơn 35 năm đổi mới là Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển. Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế tăng lên do trình độ của người lao động được cải thiện, năng suất lao động năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động).  Nhiều con số ấn tượng khác cũng được ghi nhận, như kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc trên 700 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD và là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu.
 
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh, nền kinh tế đã hình thành một số ngành kinh tế mũi nhọn: Dầu khí, dệt may, da giày, thủy, hải sản, lương thực, cây công nghiệp, lắp ráp linh kiện điện tử... Ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn đưa nhiều nông sản thâm nhập vào nhiều thị trường “khó tính”. 
 
Cùng với đó, kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Hiện Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ và đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao. Bên cạnh đó, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả tốt.
 
Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với trên 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO, v.v.
 
Nhìn lại trong suốt 93 năm qua, Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, cùng dân tộc Việt Nam làm nên những kỳ tích, viết nên những trang sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà. Những kỳ tích vĩ đại giành được qua 93 năm là minh chứng hùng hồn, thuyết phục về sự lãnh đạo của Đảng. Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
 
Trong không khí hân hoan phấn khởi của xuân Quý Mão 2023, dân tộc Việt Nam đón mừng Đảng ta thêm tuổi mới. Trong thời kỳ mới, Đảng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo đưa Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII, tạo tiền đề quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển, tự tin bước đến tương lai./.
 
Bích Ngọc