Tăng tốc chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh lớp 10

|

Thời điểm hiện tại, các tỉnh, thành phố đang “nín thở” chờ Bộ GD-ĐT công bố quy chế tuyển sinh THCS và THPT để xác định môn thi thứ ba (ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn) tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Giáo viên tại TPHCM đã có một số lưu ý gửi đến học sinh.

Thay đổi cấu trúc đề thi

Cô Phạm Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho biết, hiện nay học sinh lớp 9 đã kết thúc chương trình học kỳ 1 năm học 2024-2025. Theo kế hoạch, từ giữa học kỳ 2, giáo viên sẽ kết hợp hoàn thành chương trình lớp 9 và tăng cường ôn tập kiến thức, tổ chức cho học sinh làm quen với định dạng đề thi tuyển sinh lớp 10 công lập.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Đồng Khởi (quận 1, TPHCM) trong một giờ lên lớp. Ảnh: MINH THƯ

Căn cứ đề minh họa đã được Sở GD-ĐT TPHCM công bố, đề thi tuyển sinh năm nay ở môn Toán có 2 thay đổi đáng chú ý: tổng số câu hỏi giảm từ 8 xuống còn 7 câu, phần hình học thay đổi cách đặt câu hỏi so với các năm trước (do Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 điều chỉnh mạch kiến thức so với Chương trình Giáo dục phổ thông 2006).

Nhìn chung, tỷ lệ giữa các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao tương đương các năm trước, đề thi gồm 100% câu hỏi tự luận, không có câu trắc nghiệm. “Học sinh cần đọc kỹ đề, gạch chân dưới từ khóa quan trọng và vận dụng tất cả dữ liệu được cho trong đề thi, chú ý yêu cầu làm tròn số, quy đổi đơn vị được nêu trong đề bài. Trong các bài toán thực tế, học sinh phải có câu đặt vấn đề, trình bày các bước giải, xác định phương trình hoặc hệ phương trình và kết luận”, cô Thanh Thủy lưu ý.

Đối với môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Hương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, cho hay, nếu như đề thi tuyển sinh các năm trước có 3 phần là đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm) thì năm nay cấu trúc đề thi có nhiều điểm mới đáng lưu ý. Cụ thể, đề thi gồm 2 phần: phần 1 tích hợp đọc hiểu tri thức tiếng Việt, tri thức ngữ văn và vận dụng viết đoạn văn nghị luận văn học có độ dài 200 chữ, phần 2 tích hợp đọc hiểu với viết bài văn nghị luận xã hội. Trước đây, đề thi tuyển sinh theo chương trình cũ tập trung kiến thức ở lớp 9 thì năm nay mở rộng mạch kiến thức giữa lớp 8 và lớp 9, tăng cường kỹ năng đọc hiểu, lập luận, đưa ra lý lẽ của học sinh, đồng thời tăng tỷ lệ điểm của bài văn nghị luận xã hội.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Hương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1 (TPHCM), lo lắng trước kỳ thi là tâm trạng chung không thể tránh khỏi, nhưng nếu học sinh nắm vững kiến thức, có kỹ năng và phương pháp làm bài thì sẽ thích ứng được định dạng đề thi theo chương trình mới. Những thay đổi về mạch kiến thức, định dạng câu hỏi của đề thi không phải triển khai đột ngột ở lớp 9 mà đã thực hiện cuốn chiếu từ năm học lớp 6 nên phụ huynh và học sinh không cần quá lo lắng.

Với những thay đổi nói trên, học sinh cần rèn kỹ năng đọc hiểu, không chỉ đọc tác phẩm văn chương thuần túy mà còn đọc nhiều thể loại khác nhau như báo chí, sách khoa học tự nhiên, khoa học thường thức… để phát triển kỹ năng đọc và khả năng tư duy. Đối với câu hỏi viết đoạn văn nghị luận văn học, đề thi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Do đó, học sinh cần nhận diện đặc trưng thể loại của văn bản được cho trong đề thi, có phương pháp làm bài phù hợp với từng thể loại thay cho cách học theo từng tác phẩm trước đây.

Giảm áp lực cho học sinh

Trong 2 lần gửi văn bản góp ý quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD-ĐT, TPHCM đều giữ quan điểm ổn định việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập trên cơ sở rà soát và đảm bảo thực hiện đúng quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, từ nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại TPHCM gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (trong đó chủ yếu là môn Tiếng Anh).

Trước khi Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố đề thi minh họa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Trên cơ sở đề minh họa, các trường THCS đã triển khai cho các tổ bộ môn xây dựng ngân hàng câu hỏi bám sát yêu cầu và định dạng của đề thi, tổ chức cho học sinh làm quen thông qua các bài kiểm tra định kỳ, hoạt động ôn tập trên lớp.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2024-2025, toàn thành phố có hơn 88.000 học sinh lớp 9 đang theo học tại các trường THCS công lập, giảm khoảng 28.000 học sinh so với năm học 2023-2024. Trong đó, các địa phương ở khu vực vùng ven, ngoại thành tập trung số lượng học sinh lớp 9 cao như TP Thủ Đức (10.975 học sinh), quận Bình Tân (6.580 học sinh), huyện Hóc Môn (6.396 học sinh), huyện Bình Chánh (5.500 học sinh)…

Tại các quận trung tâm, số lượng học sinh lớp 9 giảm khoảng 30% so với năm học trước. Nguyên nhân số lượng học sinh lớp 9 sụt giảm so với các năm trước do đây là lứa học sinh có năm sinh 2010 (năm Canh Dần âm lịch) nên tỷ lệ sinh của người dân ít hơn những năm khác. Ngoài ra, đây cũng là lứa học sinh bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 vào năm 2021. Thời điểm đó, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, nhiều người lao động về quê rồi không trở lại thành phố, dẫn đến số lượng học sinh ngoại tỉnh giảm so với các năm trước. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ chọi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 sẽ nhẹ nhàng hơn so với năm 2024.

Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên TPHCM dừng tổ chức lớp chuyên tại 4 trường THPT, gồm THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức). Dự kiến, các trường sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 thường, giúp học sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào 4 trường thuộc tốp đầu của thành phố.

Ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với nhiều điểm mới

Ngày 24-12, quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD-ĐT ban hành kèm Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT.

Bên cạnh việc kế thừa nội dung của các quy chế đã được triển khai thực hiện thuận lợi, ổn định các năm qua nhất là năm 2023 và 2024, quy chế mới có những điểm mới. Cụ thể, tổ chức kỳ thi thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. So với những năm trước, giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi.

Bên cạnh đó, sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình học (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số. Bộ GD-ĐT cho rằng, việc tăng tỷ lệ sử dụng học bạ từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết). Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây, thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT.

Cũng theo quy chế, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này. Cách thức này tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp. Ví dụ, trước đây, học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IELTS 8.5.

Về điểm khuyến khích, bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên. Quy chế cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ, đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức kỳ thi.

LÂM NGUYÊN