- Xin ông cho biết, ông nhận định thế nào về tính cấp thiết của việc xây dựng hệ thống đê biển cho đồng bằng sông Cửu Long?
- Bờ biển đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của sóng, thủy triều, sạt lở, nước biển dâng. Do đó cần có một chiến lược để tăng cường khả năng chống chịu của bờ biển, trong đó có thể cần những đoạn đê biển như là một hợp phần trong chiến lược tổng thể. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng cần đê biển và nếu cần thì không phải nơi nào cũng phải là đê biển to lớn. Đê biển, tự nó chưa phải là một chiến lược.
Trước hết, chúng ta cần làm rõ về kịch bản nước biển dâng. Trước giờ chúng ta bị ám ảnh với "dự báo" nước biển dâng một mét và 39% diện tích đồng bằng bị dìm trong nước biển, từ đó suy ra cần có một đê biển to lớn bao quanh bờ biển để bảo vệ đồng bằng bên trong. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý một số điều quan trọng. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2020 thì đối với bờ biển đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2100 nước biển dâng theo kịch bản trung bình RCP 4.5 là 53 cm ở bờ biển phía đông, 54 cm ở phía tây và theo kịch bản cao nhất RCP 8.5 tương ứng là 73 cm và 75 cm. Tức là quá trình nước biển dâng diễn ra dần dần trong 77 năm nữa chứ không phải "đùng một cái" nước biển dâng cao từng đó trong vài tháng, vài năm tới. Kịch bản mức nước biển dâng là so với trung bình của giai đoạn cơ sở 1986-2005 trong quá khứ, chứ không phải là tính từ nay (năm 2023). Nói 39% diện tích đồng bằng dưới mực nước biển tức là so sánh cao trình mặt đất (mặt ruộng) so với mực nước biển trung bình, không có nghĩa là đồng bằng bị "chìm dưới biển Thái Bình Dương". Một số vùng trũng ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn thấp hơn mực nước biển.
Tất cả mọi mô hình dự báo đều không hoàn chỉnh. Dự báo càng xa càng không chắc chắn. Thực tế tương lai 100 năm tới có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với dự báo. Xây dựng đê biển để ứng phó với 50 cm nước biển dâng sẽ rất khác so với hai mét nước biển dâng. Đê càng cao, chân đê phải càng rộng, mất nhiều đất, vật liệu xây dựng phải khác, thiết kế khác, chi phí duy tu bảo dưỡng khác, trọng lượng đê nặng nề và bản thân con đê sẽ sụt lún. Xây dựng đê để ứng phó nước biển dâng 1 m ngay bây giờ thì đến cuối thế kỷ sẽ hỏng rồi và nếu lúc đó nước biển dâng chỉ là 0,5 m hoặc đến 2 m thì khó mà sửa lại. Thêm nữa, khi xây dựng công trình to lớn thì phải nghĩ tới chi phí duy tu bảo dưỡng tăng dần theo tuổi công trình, chứ không chỉ tính đủ tiền xây dựng xong bây giờ rồi thôi. Càng nhiều công trình thì chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ là gánh nặng ngân sách cho nhiều thế hệ con cháu về sau.
Vì những sự không chắc chắn trong tương lai, các biện pháp can thiệp nên dựa trên "Nguyên tắc không hối tiếc" ưu tiên những biện pháp có ít rủi ro, ít tác động tiêu cực, có thể sửa đổi được nếu sau này nhận ra sai lầm. Tất cả mọi quy hoạch, kế hoạch can thiệp phải dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về các tiến trình ven biển, có sự tham gia của các chuyên gia đủ mọi lĩnh vực và cộng đồng địa phương chứ không chỉ từ cách nhìn của một ngành nào đó mà bỏ quên tổng thể.
Bờ biển không bao giờ đứng yên mà luôn luôn tiến hóa, dịch chuyển vào ra qua thời gian theo tiến trình bồi, lở. Trước đây khi còn đủ phù sa trong vùng nước biển ven bờ do sông Cửu Long mang ra thì bồi luôn nhiều hơn lở nên bờ biển có khuynh hướng tiến ra biển. Nay trong bối cảnh thiếu phù sa thì sạt lở thắng thế, bờ biển đang thụt lùi. Vì vậy chọn vị trí đặt đê biển nên cẩn trọng. Thực tế hiện nay, nhiều đoạn đê biển, như đoạn ở Bạc Liêu, đã bị sạt lở tới chân đê.
Mục tiêu của việc xây dựng đê biển cũng phải rõ ràng. Đê biển để ngăn thủy triều, nước dâng trong bão để bảo vệ nông nghiệp, hoa màu bên trong sẽ rất khác so với đê biển để bảo vệ dân cư, hoặc ngăn sóng thần. Đồng bằng sông Cửu Long chưa từng có sóng thần nhưng nếu gặp sóng thần thì khó có đê nào chịu nổi.
Thi công kè trụ rỗng đê Biển Đông. Ảnh: Phương Bằng |
- Ở một số quốc gia, như Hà Lan đã xây dựng tuyến đê biển khổng lồ Afsluitdijk để bảo vệ các vùng đất nằm dưới mực nước biển. Theo ông, đồng bằng sông Cửu Long có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm xây dựng đê biển của Hà Lan?
- Không phải toàn bộ mà chỉ khoảng 30% diện tích Hà Lan nằm dưới mực nước biển là do quá trình lấn biển dần trong 700 năm bằng đê quai, bơm nước ra bằng cối xay gió. Sau đó chờ cho bên ngoài được bồi đắp đủ nông thì lại làm đê quai bên ngoài tiếp tục lấn ra. Nền biển phải đủ nông mới làm được chuyện này.
Hệ thống đê biển của Hà Lan cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề. Đất trong đê không còn được bồi đắp, bị sụt lún nên sự chênh lệch giữa mực nước ngoài đê và mặt đất bên trong gia tăng trong khi nước biển đang dâng. Hà Lan đang phải nâng cấp đê với chi phí rất lớn vì đê đã cũ. Vì thành phần đất của Hà Lan có hàm lượng than bùn cao nên gặp những năm nắng nóng, đất ở một số đoạn đê bị co ngót làm sụp đê. Nước bên trong vẫn phải thường xuyên được bơm ra để giữ cho các ô đê bao bên trong khô ráo.
Đê sông của Hà Lan lúc trước được xây dựng gần hai bên bờ sông nên dòng sông không đủ không gian cho nước lũ lan tỏa, vì vậy vào giai đoạn 2006-2015 họ đã chi 2,2 tỷ euro để tiến hành chương trình "không gian cho dòng sông", di dời đê vào trong để phục hồi không gian cho dòng sông.
Còn nhớ có lần gặp bà Tinke Huizinga, nguyên Bộ trưởng Quy hoạch không gian và Môi trường Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2016, tôi nghe bà nói rằng: "Những công trình lớn của Hà Lan đã gây nhiều tác động xấu. Nếu trước đây chúng tôi biết những điều mà nay chúng tôi biết, thì chúng tôi đã không làm như vậy".
Điều kiện ở đồng bằng sông Cửu Long rất khác với Hà Lan, nên chúng ta không thể sao chép nguyên bản cách làm như Hà Lan. Cụ thể sự khác biệt lớn nhất là đồng bằng sông Cửu Long nằm ở vùng nhiệt đới với lượng mưa từ 1.400-2.000 mm/năm, chưa kể dòng sông Mê Công hùng vĩ với lượng nước khoảng 475 tỷ m3 hằng năm đổ về. Nếu làm hệ thống đê biển bao quanh đồng bằng sông Cửu Long để ngăn nước biển vào thì nó cũng ngăn không cho nước từ trong thoát ra. Với một hệ thống đê bao khép kín quanh bờ biển, chúng ta có thể bị dìm trong nước mưa và nước sông trước!
Đê biển khép kín ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ gây tù đọng, ô nhiễm, cắt đứt liên lạc sinh thái sông-biển làm triệt tiêu thủy sản biển và thủy sản sông ngòi. Đê biển sẽ cắt đứt giao thông thủy, hoạt động mưu sinh vào ra các kênh rạch nhỏ của người dân.
- Như vậy, hệ thống đê biển ở đồng bằng sông Cửu Long cần phải được thiết kế như thế nào để vừa hiệu quả trong phòng, chống thiên tai và vừa bảo đảm phù hợp môi trường sinh thái?
- Chúng ta không nên nghĩ tới một hệ thống đê bao khổng lồ, khép kín toàn bộ bờ biển đồng bằng, đặc biệt là khép kín cả các cửa sông Cửu Long. Thay vào đó nên nghĩ tới từng đoạn đê cục bộ đáp ứng nhu cầu và phù hợp điều kiện cụ thể của từng đoạn đó. Cái chúng ta cần là kế hoạch cho từng nơi cụ thể chứ không chỉ nhắm tới một giải pháp duy nhất là đê. Cầm bút lên và vạch một tuyến đê đồng dạng trên bản đồ là rất dễ nhưng rất nguy hiểm. Mục đích cuối cùng là tăng cường khả năng chống chịu cho vùng ven biển gồm một tập hợp các biện pháp. Việc xây dựng đê biển to lớn, đắt đỏ, với nhiều vấn đề tiềm ẩn phải được cân nhắc thật kỹ về những cái giá phải trả về sau.
Điều kiện ở đồng bằng sông Cửu Long cũng rất khác so với những vùng khác của Việt Nam, không thể áp dụng biện pháp "đồng phục" cho toàn bộ bờ biển. Ngay ở đồng bằng sông Cửu Long thì điều kiện từng đoạn bờ biển cũng rất khác nhau, vì thế chiến lược phải khác nhau. Thí dụ bờ biển Bến Tre rất khác ở Cà Mau. Ở Bến Tre là bãi cát rồi tới giồng cát có hàng phi lao, vào trong mới tới rừng ngập mặn. Ở Cà Mau thì bờ biển bùn có rừng ngập mặn. Vì vậy giải pháp cho từng đoạn bờ biển phải khác nhau dựa trên đánh giá nhu cầu và điều kiện cụ thể từng địa phương về rủi ro thiên tai, điều kiện địa hình, phân bố dân cư, sinh kế của người dân, các cơ sở hạ tầng.
Tóm lại, chúng ta cần một chiến lược tổng thể cho bờ biển, trong đó có thể cần những đoạn đê biển đúng mục đích và phù hợp với điều kiện địa phương, theo "nguyên tắc không hối tiếc".
-Trân trọng cảm ơn Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện!