Thắp lửa cùng xuân

|

KHÔNG phải mùa xuân nào cũng là mùa của những niềm vui tràn trề, của lạc quan hạnh phúc.

Xuân 2024 là mùa xuân nhân loại đang tiếp tục phải chứng kiến những cuộc chiến tranh phi lý và đau thương, khiến rất nhiều người dân vô tội bị thiệt mạng, hàng triệu người khác phải từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình. Là một nước đã trải qua nhiều thế kỷ chiến tranh, Việt Nam hiểu hơn ai hết những đau thương mà bom đạn gây ra và hết sức chia sẻ với nạn nhân chiến tranh và gia đình họ, mong muốn và làm hết sức mình để các bên chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, vì đời sống con người.

Hơn một lần nữa, chúng ta thấm thía sâu sắc sự phân tích của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa tư bản: "Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học-công nghệ..., các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước". Nhưng "Cùng với khủng hoảng kinh tế-tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế-xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội" (★).

Hơn một lần nữa chúng ta thêm tin yêu con đường độc lập dân tộc gắn với Chủ nghĩa xã hội theo cách Việt Nam mà Bác Hồ đã chọn. Đó là xây dựng một xã hội thật sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Đó là phát triển kinh tế phải đi liền với giữ vững đạo đức, ổn định chính trị, công bằng xã hội. Đó là một xã hội thật sự vì dân, do dân chứ không phải phục vụ một bộ phận thiểu số người, để gìn giữ tài nguyên, môi trường cho muôn vạn đời sau chứ không phải hủy hoại môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên, một xã hội của văn hóa tiêu dùng và tiêu dùng vô hạn độ.

Càng không phải là thế giới chiến tranh, của sự áp bức và cưỡng đoạt, luẩn quẩn mãi trong vòng tròn mạnh hiếp yếu, lớn nuốt bé như thời trung cổ. Việt Nam, trong đó có mỗi chúng ta, trước sau như một, ý thức sâu sắc, hành động thiết thực là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới, trước hết là nơi mình đang sống, vì hạnh phúc của mình, của anh em chòm xóm.

★★★

Trong thế giới còn nhiều đau thương ấy, thật vạn hạnh khi ta đang có một cuộc sống hòa bình; khi kinh tế thế giới chững lại và nhiều nơi bất ổn, thì Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng cao.

Cụ Nguyễn Trãi nói: Họa phúc hữu môi phi nhất nhật, tức là họa, phúc không một ngày tự sinh ra mà có căn do sâu xa từ trước.

Thế giới đã biết được sự kiên cường của người Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Tinh thần kiên cường ấy nay lại đem lại những chiến công trên mặt trận kinh tế. Ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói rằng, nếu được chọn một từ để mô tả kinh tế Việt Nam trong năm 2023, ông sẽ chọn từ "kiên cường", là sức phục hồi (reslience) đáng nể khi có mức tăng trưởng xấp xỉ 5% so với 2,5% của Mỹ, 0,5% của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Và ông khẳng định: "Con người Việt Nam chính là nội lực lớn nhất của đất nước".

Tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ có bài "Vì sao ai cũng muốn thành bạn của Việt Nam" (Why everyone wants to be Vietnam’s friend". Tờ Sputnik (Nga) có bài "Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục nâng cao" khẳng định: "Với sự khéo léo trong đường lối đối ngoại, đặc biệt là thành công của nền ngoại giao cây tre dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh vốn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quán triệt, đến nay Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế, uy tín và tiếng nói trên vũ đài chính trị thế giới".

Báo Bloomberg có bài phân tích "Mọi người đang yêu Việt Nam. Tại sao chính sách ngoại giao cây tre của Hà Nội thành công" (Everyone is Wooing Vietnam. Why Hanoi’s Bamboo Policy works) đánh giá, trong năm 2023, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế hơn 5%, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tính đến tháng 10) tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước, là nước có nền kinh tế năng động nhất khu vực; đặc biệt thành công trong chiến lược ngoại giao cây tre, tránh xa xung đột, thúc đẩy hòa bình, linh hoạt, cân bằng, không chỉ bảo đảm việc tự đưa ra quyết định của mình mà còn là nước có khả năng thúc đẩy sự gần nhau vì hòa bình và thịnh vượng chung giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Tổ chức định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập Brand Finance châu Á Thái Bình Dương (trong trả lời phỏng vấn trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4, 12 giờ, ngày 24/12/2023), ca ngợi: "Chính sách thân thiện với tất cả các quốc gia, không trở thành kẻ thù của ai, thật sự đang định vị Việt Nam là một cứ điểm sản xuất của thế giới giúp tăng giá trị thương hiệu và cả vị thế của mình. Việt Nam được coi là quốc gia để đầu tư, để mua sản phẩm, và là điểm đến du lịch hấp dẫn... Việt Nam là nước có mức tăng giá trị Thương hiệu quốc gia mạnh nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong bảng xếp hạng top 100 của chúng tôi. Đó là một kết quả rất ấn tượng". Brand Finance cũng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu (soft power - giành được mục tiêu qua việc gây ảnh hưởng) của Việt Nam từ 33,3 điểm năm 2022 lên 37,8 điểm năm 2023.

Không nên lạc quan tếu, tự ru ngủ mình trong những lời lẽ hoa mỹ, trong những thành công nhỏ khi còn đó những thách thức và khuyết điểm lớn. Nhưng càng không thể tự ti, không biết tự tin, ta là ta mà không biết yêu ta!

Phải thế nào đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viết bài cho Báo Nhân Dân trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12-13/12/2023 khẳng định: "Châu Á dựa trên nền tảng lịch sử với văn minh lâu đời đang đón chào thời điểm quan trọng hướng tới phát triển và phồn vinh. Các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế chính của thế giới".

"Tôi tin tưởng rằng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược sẽ thu hút càng nhiều quốc gia tham gia vào sự nghiệp vĩ đại xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai châu Á và cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, mang đến năng lượng tích cực cho sự phát triển lâu dài và tình láng giềng hữu nghị của khu vực châu Á, đóng góp lớn hơn nữa cho sự hòa bình và phát triển của thế giới" (Xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược: Mở ra trang sử mới chung tay hướng tới hiện đại hóa, Báo Nhân Dân, ngày 12/12/2023).

Phải thế nào đó, trong phát biểu trước báo giới tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Biden từ ngày 10-11/9/2023, đánh giá: "Việt Nam là một quốc gia quan trọng trên thế giới và trong khu vực".

★★★

Rét nhiều nên ấm nắng hanh/ Đắng cay lắm, mới ngọt lành đó chăng/ Giã từ năm cũ bâng khuâng/ Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!

Mùa xuân này ta càng nhớ Bác, ơn Bác bao nhiêu. Bác Hồ - Người đã tìm đường đi cho dân tộc theo đi, Bác Hồ - Người như vầng dương không bao giờ lặn vì ánh sáng soi đường vẫn luôn phía trước, năng lượng của Người là nguồn sức mạnh kỳ diệu trong mỗi trái tim người Việt Nam yêu nước.

Thắp lửa cho mùa xuân, cùng mùa xuân, lớp lớp cháu con của Người đang tiến lên với sức vươn Phù Đổng "Đằng vân do hận cửu thiên đê" đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Người đã khai sinh, làm cho đất nước khi ấy lớn cao thành một quốc gia sánh vai cường quốc năm châu như nguyện ước của Người.

Nhất định là thế, như đông hết, xuân về!

(★) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam).