KHÔNG chỉ gây tò mò từ cái tên - Tiệm nửa thước còn khiến nhiều người ngạc nhiên bởi làn gió mới mà hai nhà sáng lập có thể đưa vào những vật dụng hằng ngày quen thuộc.
Trần Thị Thanh Tâm (34 tuổi) là một trong hai thành viên đem lòng yêu công việc sáng tạo vật dụng, quyết tâm từ bỏ công việc văn phòng mang lại thu nhập ổn định để... bắt đầu lại từ đầu với từng mảnh nhựa phế liệu. "100% tự học-tự làm, style của tiệm mình là kết hợp nhiều chất liệu, lại thêm vốn là những người quan tâm đến môi trường, bọn mình đã rất thích và quyết sử dụng tấm nhựa tái chế có nguồn gốc tại Việt Nam để làm vật liệu chính trong các sản phẩm của mình" - Tâm chia sẻ.
Trong quá trình tự mày mò đó, năm 2019 hai cô gái phát hiện ra Jesmonite - chìa khóa thành công của Tiệm nửa thước. Đây là vật liệu được sản xuất tại Anh với những đặc tính thích hợp làm đồ trang trí thực hành bằng phương pháp đổ khuôn, cho ra thành phẩm lên mầu rất sặc sỡ, thuận lợi cho người dùng tự do sáng tạo. Đặc biệt, Jesmonite không độc hại, an toàn khi tiếp xúc với da, hô hấp và thân thiện với môi trường. Vật liệu này có tính tái tạo và tái chế cao, Jesmonite có khả năng kết dính nhựa, nylon để tạo thành những sản phẩm mới. Những mảnh nhựa vỡ phế liệu sẽ được cho vào khuôn, kết hợp với mầu và hỗn hợp Jesmonite tạo nên sản phẩm mới, có kiểu dáng, mầu sắc, họa tiết đặc trưng.
Sản phẩm chính được bày bán là những vật dụng nho nhỏ quen thuộc, như: móc chìa khóa, giá đỡ điện thoại, đèn bàn,... Khi giới thiệu về sản phẩm, Tiệm nửa thước luôn nhấn mạnh: "Trong quá trình sử dụng, nếu có lỡ tay làm vỡ, đừng vội vứt mảnh vỡ đi, hãy nhặt lại, gửi lại cho tiệm hoặc nếu các bạn có vật liệu và khuôn tại nhà, hãy tái tạo chúng thành một sản phẩm mới!".
Không chỉ bán sản phẩm từ nhựa tái chế, Trâm cùng các thành viên khác trong tiệm đã và đang tổ chức định kỳ những buổi workshop hướng dẫn cách làm đồ thủ công bằng vật liệu tái chế. Nhờ đó, xu hướng sản xuất bền vững, nhất là với các bạn trẻ yêu thích ngành thủ công, mỹ thuật, thiết kế nội thất được lan tỏa.
CŨNG mang sứ mệnh lan tỏa lối sống xanh, hai cô gái tại Trạm Xanh lại lựa chọn một lối đi khác. Gặp nhau tại Tổ chức Giáo dục môi trường SaiGon Compass, Trần Thị Mai Yến và Vũ Nguyễn Ngọc Trâm bắt đầu Trạm Xanh với mong muốn tạo nên một góc nhỏ dành cho những bạn trẻ có chung tình yêu thiên nhiên, muốn "xanh hóa" từng thói quen nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.
Gian phòng trong con hẻm trên đường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ấm cúng được xếp đầy các kệ gỗ bày bán đủ loại sản phẩm thân thiện với môi trường, như: túi xách làm lại từ quần, áo jean cũ, chăn, ga, gối, đệm từ vải vụn, bàn chải bằng tre, giỏ xách bằng lá sen, nước rửa bát hữu cơ từ vỏ cam, vỏ dứa,...
Một góc của cửa hàng được chuẩn bị sẵn bàn ghế, cùng ấm trà thảo mộc luôn đầy nước của hai nữ chủ nhân, là điểm nghỉ chân cho khách hàng, nơi mọi người có thể làm quen và chia sẻ với nhau mọi suy nghĩ, ý tưởng sống xanh nho nhỏ trong cuộc sống. Bên cạnh đó, mỗi tháng, Trạm Xanh sẽ có các buổi trình chiếu phim về rác thải nhựa, nông nghiệp sinh thái, cây cối,... hay nhiều hoạt động khác như làm sổ tay bằng vải vụn, trồng cây,... chủ yếu là để kết nối những người yêu thiên nhiên, lan tỏa lối sống xanh đến các bạn trẻ. Gần đây, Trạm cũng bắt đầu nhận thu gom, xử lý rác thải điện tử, nhận thu gom sách cũ, quần áo cũ để chuyển đến tận tay cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa.
Tiệm nửa thước hay Trạm Xanh là những câu chuyện rất nhỏ, nhưng các chủ nhân lại cũng chính là những mảnh ghép giúp hoàn thiện nên bức tranh đầy cảm hứng mang tên thế hệ trẻ hành động vì môi trường!