Để học sinh thích tới trường là thành công

|

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (ảnh bên), cùng PGS Văn Như Cương được coi như người đầu tiên khai mở mô hình giáo dục tư ở Hà Nội sau năm 1975 với sự ra đời của trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh từ gần ba thập niên trước. Năm 1992, thầy Nguyễn Xuân Khang rời khỏi Lương Thế Vinh, tự đứng ra thành lập trường Marie Curie - một thương hiệu hàng đầu của giáo dục Thủ đô ngày nay. Kín tiếng, không hay xuất hiện trên truyền thông, ở tuổi cận kề 70, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, từ thành công thực tế của mô hình Marie Curie, đúc kết lại, cả cuộc đời làm thầy của mình chỉ phụng sự cho triết lý giản đơn: Để học sinh yêu thích tới trường.

Có thể nói, thầy là một trong những người khai mở cho mô hình giáo dục dân lập ở nước ta sau năm 1975. Tham vọng của thầy là gì khi chấp nhận rủi ro, mạo hiểm để mở trường trong bối cảnh các chế tài pháp luật lẫn dư luận xã hội chưa hoàn thiện, ghi nhận, cởi mở?

Tôi nguyên là giáo viên hệ chuyên toán của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1965. 20 năm sau, năm 1985, tôi lại nằm trong nhóm những giáo viên đầu tiên sáng lập ra hệ chuyên Lý của trường. Ngay từ những ngày đầu làm giáo viên, trước sau như một, tôi chỉ có một ước mong, làm sao đó để học sinh yêu thích đến trường, ham đi học, các em có ốm cũng không muốn nghỉ. Đến khi dựng nên trường Lương Thế Vinh và vài năm sau là trường Marie Curie, tôi vẫn giữ vững triết lý, tư tưởng đó: Học sinh vui khi đến trường... Năm trước phu nhân tổng thống Ba Lan đến thăm trường, giao lưu với học sinh. Ra về bà có bắt tay tôi nói rằng, chúc mừng ông, trò chuyện với học sinh, tôi hỏi các em có thích đi học không, các em đều nói rất thích. Điều phu nhân tổng thống Ba Lan nói, đúng với suy nghĩ thường trực của tôi và cũng là điều không phải môi trường giáo dục nào cũng thực hiện được... Học sinh đã thích đến trường thì mọi chuyện đều thành công.

Nói thì đơn giản nhưng để những cô bé, cậu bé, những đứa trẻ đang tuổi ham ăn, ham chơi thích đến trường, thích đi học như một phản xạ được rèn cặp, quả là không dễ dàng, thưa thầy?

Không hề dễ dàng. Có chuyện vui thế này, họp phụ huynh ở trường Marie Curie, có nhiều phụ huynh nói với tôi, con em họ về nhà kể chuyện, ở trường con thích nhất cái toilet, thích nhì là thầy Khang. Tôi cười và nói lại, đấy tôi có nhiều điều hay, thú vị thế mà các học sinh vẫn chỉ thích tôi sau cái toilet, thì phải biết hệ thống toilet của trường tôi tuyệt vời như nào. Khi xây trụ sở ở Mỹ Đình khang trang bây giờ, tôi nói với kiến trúc sư là hãy tạo cho ngôi trường của chúng tôi hệ thống nhà vệ sinh thật đẹp, chúng tôi đủ kinh phí bảo dưỡng bảo trì, giữ gìn. Tôi quan niệm thế này, khi đi vệ sinh là con người ta chỉ đối diện với chính mình, không có một hệ thống giám sát nào giám sát được hành vi đó của con người. Những khẩu hiệu cấm này cấm nọ, những lời nhắc nhở giữ gìn vệ sinh chung chẳng hạn, không có tác dụng nhiều với những đứa trẻ đang trong không gian riêng. Điều duy nhất giúp các em không chỉ không dám, mà là không muốn làm bẩn nhà vệ sinh của mình chính là cái đẹp. Không một em nhỏ nào lại muốn vấy bẩn cái không gian rất sạch rất đẹp mà mình đang sử dụng. Trước hết phải tạo một môi trường thật tốt, thật thân thiện, thật đẹp, từ nhà vệ sinh, sân trường, bếp ăn, các thầy cô..., từ cô chủ nhiệm, cô bộ môn, cô lao công, các chú lái xe bus... tất cả cộng hưởng lại, tương tác với học sinh, và trong môi trường ấy học sinh dễ dàng hơn để phát huy những điều hay, điều tốt đẹp trong bản thân mỗi em... Có lần tôi đi ở sân trường có một tốp học sinh đang ăn kem, bị rơi, tôi nhìn thấy lấy một tờ giấy định vun vào, nhưng tôi chưa kịp làm thì đã có 4, 5 bàn tay giữ tay tôi lại: “Thầy để em”. Ở trường tôi không có chuyện quát ai vứt rác đây, học sinh lớp nào, sao không dọn đi..., mà bản thân các thầy cô, mỗi người một chút, tự giác làm để học sinh nhìn vào. Hay mới đây, một học sinh cũ của trường, một phi công quân đội đã hy sinh trong khi huấn luyện bay tại Anh, thay mặt nhà trường, tôi đã viết vào sổ tang và hứa với gia đình là sẽ đón nhận hai người con nhỏ của em ấy vào trường học, chăm lo cho các cháu tới tuổi trưởng thành...

Vậy trong một môi trường thân thiện cởi mở như thầy nói, liệu có hiện tượng học sinh chấp nhận cho phụ huynh và giáo viên hợp tác với nhau để gian lận điểm số?

Trong trường Marie Curie không có cơ hội cho sự gian lận. Giáo dục sự trung thực cho học sinh chúng tôi làm kiên trì. Trước tiên phải là sự nỗ lực của thầy, cô giáo. Có lần lâu lắm rồi tôi tình cờ phát hiện trường hợp nâng điểm. Cô giáo chủ nhiệm thanh minh trường hợp này là trưởng ban phụ huynh, trường hợp này là cháu tôi. Cô chủ nhiệm đề nghị cô giáo bộ môn nâng một chút xíu. Tôi cảnh cáo cô chủ nhiệm, yêu cầu thu hồi lại giấy khen đã phát hành, trả lại về điểm số đúng, viết lại học bạ. Kể cả cháu ruột tôi, tôi cũng làm thế thì trường hợp khác còn ai dám nữa. Chúng ta không trung thực sao bảo học sinh trung thực được. Đành rằng việc này là việc nhỏ, nhưng từ một hai trường hợp sẽ ra nhiều trường hợp, từ cái nhỏ mới ra lớn, nhiều cái nhỏ tập hợp lại sẽ thành cái lớn. Cái lớn nhất là mất niềm tin ở trẻ con, mình nói trẻ con không nghe. Mà trẻ con nhạy cảm và công bằng lắm. Như chuyện gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, trong lớp trong trường bạn này bạn kia học thế nào các em đều biết, đi thi điểm thế nào các em nghi vấn ngay.

Câu chuyện gian lận trong thi cử nói riêng và căn bệnh thành tích kinh niên của ngành giáo dục quả tình là chưa tìm ra phương thuốc hữu hiệu để chữa trị, thưa thầy?

Trường tôi nằm ngoài các phong trào thi đua của bộ, ngành, sở... Tôi không vướng vào bệnh thành tích. Ở trường tôi cũng không có các phong trào thi đua, không đăng ký thi đua. Tôi không phản đối nhưng cũng không hưởng ứng các hội thi giáo viên dạy giỏi của ngành giáo dục, tôi nghĩ đó là diễn giỏi chứ không phải dạy giỏi, những cuộc đấy chỉ là những cuộc thao diễn làm mầu làm mè, khó áp dụng được trong thực tế giảng dạy. Nhưng chúng tôi có đánh giá giáo viên ngay từ khi thành lập năm 1992, đến năm học vừa rồi là đã có 52 lần chúng tôi phát phiếu đánh giá giáo viên. Suốt 26 năm nay, qua 52 kỳ đánh giá, chúng tôi chỉ phát mảnh giấy bằng 1/6 tờ giấy A4, đề Phiếu test tâm lý học sinh với duy nhất câu hỏi: Nhà trường muốn biết tâm lý của em về việc giảng dạy của các thầy cô trong học kỳ vừa qua, nếu thấy thích hợp em tích vào ô tương ứng, ngược lại thì để trống. Trước mỗi môn học có ô để tích vào. Không có tên học sinh, cũng không có tên thầy, cô giáo. Tuy nhiên từ bộ môn sẽ phiên ra được giáo viên. Nếu giáo viên nào bị dưới 50% “không thích hợp” sẽ không được bố trí dạy môn đó, lớp đó cho trong kỳ tiếp theo. Học sinh bỏ phiếu rồi mà cha mẹ muốn thay đổi giáo viên nào đó chúng tôi cũng không đồng ý, vì phải tôn trọng lựa chọn của các em. Bản thân tôi không có danh hiệu gì ngoài danh hiệu người thầy mà học sinh trao tặng, hay ở trường các em gọi tôi là “ông nội”. Cũng có nhiều lãnh đạo bộ, ngành chân thành nói là trường thầy hay thế, thầy hay thế, thầy về làm báo cáo đi để đề nghị cấp bằng khen, huân huy chương, nhưng tôi luôn cảm ơn thịnh tình của mọi người và từ chối.

Để hc sinh thích đến trường hc là thành công ri. Nhưng hc để làm gì, đúc kết li mt đời dy hc, mtrường ca thy, thy trli câu hi đó như thế nào?

Tôi suy nghĩ nhiều, nhưng tận đến tuổi này tôi mới ngẫm, mới tâm niệm, mục đích của việc học, đi học thì nhiều nhà tư tưởng, nhiều nền giáo dục khác đã đúc kết. Với tôi chung quy là Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng... Học để giữ tính người, để làm người, một con người có bản sắc riêng, có bản sắc dân tộc của mình, và học để tiếp cận thu nhận được những cái mới từ bên ngoài... Hay UNESCO cũng chỉ ra, rất dễ hiểu và đơn giản là: học để biết, học để làm, học để chung sống...

Trân trọng cảm ơn nhà giáo Nguyễn Xuân Khang!