Đó là ngày các em được học về cách hành xử trong những tình huống cấp bách, khi gặp hiểm nguy, khi có báo động, khi có tiếng súng, khi gặp vùng hỏa hoạn, khi chẳng may rơi vào một bãi mìn hay khi nỗi lo âu về chiến tranh vẫn chưa hoàn toàn qua đi...
Phải chăng, người lớn nhận ra, họ cần trang bị cho trẻ nhiều hơn là những bài toán, những bài tập chép, chính tả, và vô vàn những kiến thức khoa học khác để đối mặt với cuộc sống nhiều biến động này? Tôi chợt nhớ những gì mình từng trải qua trong một đám cháy ở ký túc xá sinh viên Mát-xcơ-va cách đây gần 20 năm. Hôm ấy, những sinh viên người Việt chúng tôi gần như không biết phải làm gì trong khi các bạn quốc tế hối hả thực hiện những hành động đã được học từ khi còn là học sinh phổ thông: sử dụng bình xịt chống cháy, làm ẩm rèm cửa, lấy khăn ướt bịt mặt chống ngạt, v.v. Những tình huống có thể chính họ chưa từng trải nghiệm nhưng không mấy làm họ bối rối. Còn tôi, tôi chỉ nhớ, chân tay mình run đến nỗi để có thể đứng vững đã khó rồi, nói gì đến làm một điều gì khác để thoát thân.
Gần đây, các bậc phụ huynh ở Việt Nam cũng bắt đầu lo lắng về vấn đề “kỹ năng sống, giá trị sống” đối với trẻ. Và nỗi lo lắng ấy hoàn toàn có lý. Đó là lúc họ thấy đứa trẻ của mình tỏ ra lúng túng khi khách đến nhà, không biết tiếp khách thế nào. Là lúc đứa trẻ cuối cấp tiểu học không biết tự lo cho mình khi bố mẹ bận việc: ăn gì, mặc gì, tắm vào lúc nào... Là lúc đứa trẻ đã vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, gặp nhiều khó khăn với việc xử lý các mối quan hệ xã hội của mình, nhất là với thầy giáo, cô giáo, bạn bè, dẫn đến tâm lý chán nản, cáu bẳn, buồn bực... Nhiều người than: “Chỉ biết cắm đầu vào học, không làm gì giúp bố mẹ được cả!”. Nhưng ngẫm lại thì, với khối lượng bài học như hiện nay của trẻ, lại đối mặt với các kỳ thi, các cuộc chạy việt dã vào các trường tốt, trường điểm, chúng có thể làm gì ngoài việc... cắm đầu vào học?
Nhà văn, nhà tư tưởng Nga Lev Tolstoy trong các tiểu luận của mình có đưa ra một lý thuyết: Trẻ học những gì chúng cần. Ông từng viết trong một bức thư gửi nhà sư phạm S.A. Rachinsky: “Cần dạy những đứa trẻ những gì có thể là tấm phao cứu sinh cho trẻ trong đại dương đầy ắp những điều thô tục này”. Và trên thực tế, ông đã viết sách giáo khoa, tiến hành những lớp học dạy cho trẻ những điều tinh tế, những niềm vui, cảm giác hạnh phúc, và cả những kỹ năng mà trẻ đang cần. Đúng hơn, ông “học cùng chúng”. Trong bài viết “Nhà giáo Lev Tolstoy và tôi” đăng ở Tạp chí Tia sángtháng 12-2010, nhà giáo Vũ Thế Khôi đã kể về tư tưởng của Lev Tolstoy như sau: “Ông (Lev Tolstoy) chỉ ra những hậu quả tai hại của nền giáo dục là:... về mặt học vấn, thì càng học lên cao càng ít thiết thực cho cuộc sống, lên đến đại học thì toàn là một mớ thông thái vô tích sự; vào đời thì kém xa một nông dân thông minh, một thợ thủ công khéo tay, một người buôn bán tháo vát, vì thế các ông chủ sẵn sàng mời họ làm quản lý và trả cho 300 - 500 rúp/tháng, trong khi không thèm trả cho sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ 200 rúp để làm phòng thí nghiệm hoặc nghiên cứu tự nhiên.” Sau hơn 100 năm, những gì Lev Tolstoy nói không ngờ vẫn còn làm day dứt rất nhiều người quan tâm đến giáo dục hiện nay, ở tất cả các nước. Và đương nhiên, ở cả Việt Nam.
Lẽ dĩ nhiên, cũng không thể cực đoan như nhiều người phát biểu, rằng cứ... học kỹ năng là có tất. Kỹ năng thật ra là một số những kiến thức thực tế đã được biến thành thói quen, trẻ có thể thực hiện thành thục trong nhiều tình huống của cuộc sống. Vậy, trẻ cần gì để có thể trở thành một con người tự lập, biết sống chung hài hòa với cộng đồng, và để có thể luôn vui tươi, lanh lợi, hạnh phúc? Xác định điều này thật sự không đơn giản, đặc biệt là với những người lớn dường như luôn mong muốn điều tốt nhất cho đứa trẻ của mình nhưng nhiều khi lại nhìn những cái “cần” trong một khoảng cách gần. Chuyện này còn đang bàn cãi, nhưng chắc chắn, không chỉ có những kiến thức chung chung. Giữa những kiến thức cơ bản mà nhà trường đem lại cho trẻ, chúng cần có “kỹ năng” kết nối các vấn đề để có thể sử dụng chúng một cách thiết thực sau này. Đó chính là phương pháp học. Nhìn những đứa trẻ miệt mài tập viết chữ cho thật đẹp, đẹp như từ máy tính in ra; những đứa trẻ làm mãi những bài văn với lời văn khuôn mẫu giống nhau... thiết tưởng, không ai trong chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của việc học này! Nếu “chữ là người”, “văn là người”, thì hãy để những con người bé nhỏ này tạo nên bản thân mình qua nét chữ theo thời gian, bằng tất cả những gì các em nhận được làm nên phông văn hóa của mình: những tinh tế, hóm hỉnh, khác biệt, sinh động của riêng một con người.
Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng biệt và bí ẩn, không đứa nào hoàn toàn giống đứa nào. Trong chúng đã có một tố chất nào đó mà qua quá trình giáo dục, hoặc là tố chất ấy bị “vùi dập” mà phải biến mất, hoặc là được phát hiện và thể hiện được mình. Trẻ thông qua các hoạt động giáo dục ở trường, ở xã hội mà bộc lộ bản thân. Trẻ cần được tham gia hơn là thụ động tiếp nhận. Trẻ cần có câu chuyện hơn là quá nhiều những con số phải nhớ. Trẻ cần tự đặt ra vấn đề hơn là chỉ chăm chăm giải mãi những bài toán giống nhau cùng một dạng. Trẻ cần có được những cảm xúc và nuôi dưỡng cảm xúc ấy để bước vào đời... Đầu năm học, nhìn các cô cậu học trò mang vác thật nhiều sách vở đến trường, bỗng nhiên nghĩ lan man như vậy. Không rõ trong những gì các em mang theo kia, có gì thật sự cần cho chúng và còn thiếu những gì?
* “Cần dạy những đứa trẻ những gì có thể là tấm phao cứu sinh cho trẻ trong đại dương đầy ắp những điều thô tục này”. * Gần đây, các bậc phụ huynh ở Việt Nam cũng bắt đầu lo lắng về vấn đề “kỹ năng sống, giá trị sống” ở trẻ. Và nỗi lo lắng ấy hoàn toàn có lý. Đó là lúc họ thấy đứa trẻ của mình tỏ ra lúng túng khi khách đến nhà, không biết tiếp khách thế nào; là lúc đứa trẻ cuối cấp tiểu học không biết tự lo cho mình khi bố mẹ bận việc: ăn gì, mặc gì, tắm vào lúc nào... |