Tục nhảy lửa có từ bao giờ thì không ai rõ, ngay cả những vị cao niên nhất ở thôn Thượng Minh (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang). Họ chỉ nhớ rằng từ thuở bé đã thấy cha, ông nhảy lửa rồi, và mừng là đến nay lớp trẻ vẫn hứng thú và duy trì lễ hội này.
Chủ trì lễ hội là thầy cúng của thôn, người có uy tín và am hiểu sâu sắc về phong tục, văn hóa dân tộc mình. Khoảng 18 giờ, trời chiều nhá nhem ngả sang tối, ấy là lúc nghi thức quan trọng nhất được tiến hành giữa khoảng sân rộng đầu thôn. Những lễ vật để cúng tế trong lễ nhảy lửa khá đơn giản: bát hương, con gà luộc, chiếc thủ lợn, mười chén rượu trắng, và những đống củi to để đốt lên tạo một mảng than đỏ hồng. Thầy cúng một tay gõ đàn pán-dơ (nhạc cụ truyền thống của người Pà Thẻn), một tay lắc vòng, miệng rầm rì đọc bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn mà chúng tôi không hiểu. Hỏi ra thì đại ý đó là những lời kêu gọi 28 vị thần linh về dự lễ, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà bình an, người người khỏe mạnh…
Rồi tiếng đàn, tiếng trống, tiếng cầu nguyện dường như mỗi lúc một vang vọng, dồn dập hơn. Sau đó là một cảnh tượng đủ khiến tất cả những ai thấy lần đầu phải choáng ngợp: lần lượt từng thanh niên Pà Thẻn nhảy lò cò vào đám than hồng đang rừng rực cháy trên sân. Chân trần. Tay không. Không một tiếng kêu đau đớn. Chỉ có những thân hình lắc lư theo một nhịp điệu lạ kỳ, giữa ánh sáng lấp lánh tóe ra của bụi lửa. Gọi là thanh niên nhưng độ tuổi của họ cũng dao động từ 15 cho đến 50. Lớp này nhảy ra, lớp khác tiến vào. Có người còn làm động tác “bốc” lửa cho vào miệng nhai khiến cả đám đông ồ lên trầm trồ, thán phục. Sau khoảng 45-60 phút, than hồng lịm dần, những trai tráng tham gia nhảy lửa cũng thấm mệt. Người thầy cúng lại một lần nữa đọc bài cúng tiễn các vị thần, cảm tạ thần linh đã chứng kiến lễ hội của dân làng.
Sau lễ nhảy lửa, trai làng ai nấy đều lấm lem bụi than, mồ hôi mướt mải. Nhưng lạ lùng là không ai bị bỏng hay thương tích gì dù họ đã nhảy trên than hồng ở độ nóng bỏng nhất. Nhiều du khách đã đến nhìn tận mắt, sờ tận tay để kiểm chứng. Phải chăng là nhờ họ có lớp da dày dạn, cứng rắn sau những ngày lao động, đi rừng? Hay nhờ bí quyết riêng nào đó khi nhảy theo nhịp điệu? Bí ẩn đó càng khiến điệu nhảy “khiêu vũ với thần lửa” của người Pà Thẻn nhuốm thêm màu sắc thần bí, ma mị, hấp dẫn những người ưa khám phá.