Cán bộ là gốc

|

Thiết nghĩ, toàn Đảng ta đang tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, những lời chỉ bảo nói trên của Bác có tác dụng rất thiết thực, mỗi cấp ủy cần soi vào đó để đánh giá, lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ hợp ý Đảng, lòng Dân.

Trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngay từ năm 1925 đã dồn sức triển khai công tác tư tưởng - chính trị và công tác tổ chức. Sau khi ra tờ báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, Người khẩn trương tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ để truyền bá các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với nhận thức sâu sắc: không có đội ngũ cán bộ nòng cốt được trang bị lý luận cách mạng thì không thể tạo ra phong trào cách mạng rộng lớn từ quần chúng. Theo hướng đó, hàng chục, hàng trăm những người yêu nước từ Việt Nam đã được Bác tuyển chọn sang học những lớp ngắn hạn hoặc dài hạn ở Trung Quốc và Liên Xô. Ngoài nội dung về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người trực tiếp biên soạn cuốn “Đường cách mệnh” được xuất bản ở Quảng Châu vào năm 1927 nhằm giúp học viên nhận thức rõ mục tiêu, phương thức tiến hành sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Vậy là, từ năm 1925 cho đến lúc qua đời vào năm 1969, Bác Hồ thường xuyên chỉ đạo và nhắc nhở các ngành, các cấp, các địa phương phải hết sức coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đó là “gốc” của mọi phong trào cách mạng; còn đạo đức cách mạng là cái “gốc” để thực hiện thành công mục tiêu cách mạng.

Trước lúc đi xa một năm, Bác lại đề cập công tác cán bộ, nhấn mạnh rằng: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”. Khi được cử làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội (khóa I) năm 1946, Bác Hồ phát biểu trước cử tri: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”… Khi nói về cái “danh”, cái “lợi” của cán bộ, Bác nhắc nhở: “Muốn cho danh chính, lợi chính, thì Danh, làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới, và Lợi, làm thế nào cho tranh được lợi với thế giới”. Ngay từ tháng 10-1947, Bác viết bài: “Vấn đề cán bộ”. Cùng với việc biểu dương phẩm chất trung thành, tận tụy với Dân, với Nước của số đông cán bộ, Bác Hồ chỉ ra những “chứng bệnh” của một bộ phận cán bộ: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.

Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”.

Thiết nghĩ, toàn Đảng ta đang tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, những lời chỉ bảo nói trên của Bác có tác dụng rất thiết thực, mỗi cấp ủy cần soi vào đó để đánh giá, lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ hợp ý Đảng, lòng Dân. Chung quy, vẫn là vấn đề con người được đại hội các cấp lựa chọn bầu vào các cấp ủy đảng, cần thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) và các Chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Chính trị về công tác nhân sự đại hội các cấp. Nói gọn lại, như tổng kết của Bác Hồ, những cán bộ ấy phải thể hiện rõ phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, gần Dân, hiểu Dân, trọng Dân và có trách nhiệm với Dân.