Càng gặp thách thức, càng phải khẳng định mình

|

Để xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, phải không ngừng tập hợp đông đảo người lao động, nâng cao uy tín, vai trò của Công đoàn các cấp trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Đó cũng là động lực để mạng lưới công đoàn cơ sở được thiết lập rộng khắp, ở mọi địa bàn, doanh nghiệp.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo

Những năm qua, từ khu vực đô thị tới miền núi cao của Bình Định, ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức Công đoàn. Công đoàn các cấp có nhiều sáng kiến, vận động các doanh nghiệp thành lập tổ chức và phát triển đoàn viên. Trải qua nhiều khó khăn, thậm chí phải nếm trải cả những lần thất bại nhưng nhiều cán bộ vẫn kiên trì, gặp gỡ, vận động các chủ doanh nghiệp và người lao động thành lập công đoàn cơ sở, mở rộng mạng lưới. Từ chỗ chỉ có vài trăm đoàn viên khi mới thành lập, đến nay, Công đoàn tỉnh Bình Định đã có 85.650 đoàn viên với 1.584 công đoàn cơ sở. Ông Lê Từ Bình, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Bình Định, chia sẻ: "Chúng tôi xác định, muốn phát triển đoàn viên, cần tích cực tuyên truyền để người lao động thấy được những lợi ích khi tham gia công đoàn. Đó là, có cả một tổ chức hùng hậu hỗ trợ phía sau mỗi khi người lao động bị xâm phạm về quyền, lợi ích hợp pháp của họ, đơn cử như việc hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Chúng tôi cũng chia sẻ đến người lao động rằng, nếu chỉ đứng riêng một mình và đấu tranh vì lợi ích cá nhân, họ sẽ hoàn toàn ở thế yếu hơn là cả một tập thể. Tiếp theo, vận dụng có hiệu quả các thiết chế công đoàn sẵn có để làm bàn đạp, làm cơ sở thu hút đoàn viên đến tham dự các hoạt động, tạo ra lợi ích vật chất, tinh thần để họ phục hồi sức lao động thông qua việc tham gia các hoạt động tại đây, từ đó lôi kéo và giữ chân họ với công đoàn".

Ở Hà Nội, số lượng công đoàn viên, công đoàn cơ sở cũng tăng từng năm. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, hiện thành phố có 7.386 Công đoàn cơ sở trực thuộc hệ thống Công đoàn Thủ đô, với 206.394 đoàn viên. Năm 2023, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội xác định đối với doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, cần có thêm giải pháp để vận động người lao động gia nhập công đoàn, tăng tỷ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân lao động ở doanh nghiệp. Thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đổi mới hình thức tập hợp người lao động, tổ chức ở cơ sở với nhiều loại hình như: Thành lập nghiệp đoàn giáo viên mầm non ngoài công lập theo địa bàn; thành lập nghiệp đoàn tại các tổ chức hoạt động cùng ngành nghề, đối tượng lao động phi chính thức…

Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, bày tỏ: Nhằm đạt hiệu quả cao, đơn vị sẽ tích cực phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội, cơ quan Thuế để kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn và các bộ luật liên quan, gắn nhiệm vụ tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Cán bộ công đoàn phải tăng nhiệt huyết, có sự thôi thúc người khác làm việc, giống như việc truyền cảm hứng tích cực, lan tỏa đến mỗi thành viên của đơn vị.

Tại Cần Thơ, Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ phấn đấu phát triển tăng thêm 5.000 đoàn viên mỗi năm; đến cuối năm 2028 thành lập mới 50 công đoàn cơ sở, phát triển tăng thêm 25.000 đoàn viên. Để đạt mục tiêu đó, Liên đoàn Lao động tích cực làm tốt vai trò chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Đặc biệt đơn vị sẽ phối hợp đổi mới phương thức hoạt động, bám cơ sở, bám công nhân; tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để tạo sân chơi bổ ích cho công nhân.

Thí điểm mô hình liên kết công đoàn ngành toàn quốc

Có một điều đặt ra, Bộ luật Lao động năm 2019 công nhận sự ra đời và hoạt động hợp pháp của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, quy định cụ thể được nêu từ Điều 170 đến Điều 178. Lần đầu tiên, Bộ luật Lao động quy định cho người lao động có quyền lựa chọn rộng hơn, ngoài tổ chức công đoàn, có thể lựa chọn thành lập một tổ chức khác, có tên gọi chung là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đây là một tổ chức rất mới, được xác lập trên cơ sở mở rộng quyền lựa chọn cho người lao động, tổ chức này độc lập với Công đoàn Việt Nam. Việc xây dựng, ban hành các quy định pháp luật về tổ chức đại diện người lao động ở nước ta là xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vừa phát huy thuận lợi từ việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA), vừa bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Nhưng theo đó, để bảo vệ uy tín, giá trị, vai trò của Công đoàn các cấp, thì việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động sẽ càng phải được củng cố thường xuyên, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định chính trị-xã hội, mang lại lợi ích thật sự cho người lao động, doanh nghiệp, nhà nước và xã hội.

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông Chu Văn Bình, Công đoàn chủ động sắp xếp lại tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, trở thành nhân tố quan trọng trong việc vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để giữ chân họ gắn bó với tổ chức, doanh nghiệp. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Cao Thắng (Trường đại học Công đoàn) cho biết thêm, nên thực hiện thí điểm mô hình liên kết công đoàn ngành toàn quốc, theo từng nghề, từng ngành. Từ đó nghiên cứu hình thành một số công đoàn ngành toàn quốc khác theo ngành, lĩnh vực của công đoàn ngành quốc tế mà Việt Nam chưa có và chủ động gia nhập các tổ chức công đoàn ngành đó, trước khi tổ chức của người lao động được phép liên kết theo ngành.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến hết tháng 5/2023, cả nước có hơn 11 triệu đoàn viên, với hơn 123 nghìn công đoàn cơ sở. Mục tiêu Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra, đến năm 2025 có 13,5 triệu đoàn viên; đến năm 2030 có 16,5 triệu đoàn viên và đến năm 2045 thì hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam.