Để không tái phạm

|

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến tháng 9/2023, hơn 1.000 tổ chức đảng, gần 52.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 91 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Dẫn đến những con số nhức nhối, đau lòng nêu trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và những nguyên tắc khác về tổ chức và hoạt động của Đảng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", trong đó người đứng đầu cấp ủy và ban thường vụ phải chịu trách nhiệm chính. Trên phương diện tình người, hơn 5 triệu đảng viên trong toàn Đảng chắc không thể không đau lòng khi phải xử lý kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, phải chứng kiến cảnh những người từng là đồng chí, đồng đội của mình bị tổ chức kỷ luật, bị pháp luật trừng trị, đánh mất tất cả, kể cả những điều thiêng liêng, cao quý nhất mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hơn một lần đề cập đến.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng của cả nước và của mỗi địa phương. Cho nên sau kiểm điểm, thi hành kỷ luật, yêu cầu cấp bách là phải tái thiết, kiện toàn cấp ủy bảo đảm số lượng, nhất là chất lượng để cấp ủy phát huy tốt nhất vai trò là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội theo điểm 2, Điều 9, Điều lệ Đảng. Nói một cách hình ảnh, trong cơn "bạo bệnh" có khi kéo dài 5 năm, 10 năm, cấp ủy đã được chữa trị bằng "thuốc" đặc hiệu là phải kiểm điểm, phải chịu kỷ luật nghiêm minh. Nhưng vấn đề đặt ra là tái thiết, kiện toàn cấp ủy như thế nào, làm sao để cơn "bạo bệnh" không tái phát, tổ chức đảng lại trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, lấy lại niềm tin đã ít nhiều bị giảm sút trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Xin nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể sau đây khi tiến hành các bước tái thiết, kiện toàn cấp ủy:

Một là, sau kiểm điểm và thi hành kỷ luật ban thường vụ hoặc một cấp ủy viên, cấp ủy phải tự giác nhận ra được và cấp trên phải chỉ ra đúng nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, cái gì thuộc về tập thể, cái gì thuộc về cá nhân, tuyệt đối không đánh đồng hoặc né tránh sự thật, từ đó rút ra những bài học sâu sắc, cốt lõi trong công tác lãnh đạo của cấp ủy thời gian qua. Khuyết điểm, sai phạm có thể bắt đầu từ một vài cá nhân trong cấp ủy, nhưng sẽ để lại hậu quả lớn nếu bắt nguồn từ người đứng đầu cấp ủy. Vì vậy, quá trình tái thiết, kiện toàn cấp ủy cấp dưới, cấp trên phải nhìn xa trông rộng, sâu sát, rút kinh nghiệm từ chính việc thực hiện vai trò lãnh đạo của mình, không hoàn toàn quy trách nhiệm chỉ do cấp dưới.

Hai là, khi tái thiết, kiện toàn cấp ủy, phải thật sự phát huy dân chủ trong tổ chức đảng, trong ban chấp hành, ban thường vụ, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ cơ hội, vụ lợi cá nhân, không đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, thoái hóa, biến chất, mất đoàn kết. Vì thế việc phát hiện, giới thiệu phải dân chủ, bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, các tiêu chuẩn đã được quy định trong Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các quan điểm về công tác cán bộ được nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nghĩa là đi tìm và trọng dụng người tài chứ không phải đi tìm và trọng dụng người nhà, người thân, người quen theo kiểu "cánh hẩu" hoặc lợi ích nhóm.

Theo đó, cùng với việc được quy hoạch, được đào tạo, bồi dưỡng, cần chú ý giới thiệu những cán bộ trẻ, trưởng thành và được rèn luyện từ thực tiễn, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có tính kỷ luật cao, gương mẫu về mọi mặt, nhất là trong tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", có phương thức lãnh đạo sáng tạo, hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không chạy chức, chạy quyền. Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát trong xây dựng và quản lý cán bộ. Cấp ủy cần tiếp nhận và chủ động xử lý những ý kiến phản ánh của nhân dân về cán bộ và công tác cán bộ.

Ba là, trong quá trình tái thiết, kiện toàn cấp ủy, cần thực hiện nghiêm Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, điều kiện, quy trình giới thiệu, đánh giá, hồ sơ nhân sự.

Bốn là, xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy với những quy định cụ thể, khoa học, rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy, của từng vị trí công tác. Trong quá trình thực hiện quy chế làm việc, từng cá nhân trong thường trực, ban thường vụ, từng cấp ủy viên không chỉ làm tròn vai của mình mà còn thể hiện được sự cộng đồng trách nhiệm, trí tuệ của cả tập thể cấp ủy, để việc tái thiết, kiện toàn cấp ủy được chặt chẽ, thực chất, đúng quy định của Đảng, tránh mượn quy trình, coi quy trình chỉ là cách để hợp thức hóa ý kiến của một vài cá nhân trong cấp ủy.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để quá trình tái thiết, kiện toàn cấp ủy chọn lựa được những đồng chí đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời cũng để sớm phát hiện những dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có các hình thức xử lý phù hợp theo Hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng và các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Vai trò của ủy ban kiểm tra các cấp, cơ quan, bộ phận làm công tác nội chính là rất quan trọng. Công tác kiểm tra, giám sát phải tiến hành thường xuyên, chủ động, hiệu quả, khắc phục cho được tình trạng cấp ủy, ủy ban kiểm tra không phát hiện được, chỉ đến khi các cơ quan báo chí và người dân phản ánh thì vấn đề nổi cộm mới được phanh phui. Khi đó, hậu quả không chỉ là mất cán bộ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò lãnh đạo của Đảng và niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.