Với các anh “Bộ đội Cụ Hồ” trong đoàn quân trùng trùng tiến về giải phóng Hà Nội ngày 10-10-1954, có không ít chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô sau 60 ngày đêm chiến đấu ghìm chân quân địch, là đơn vị cuối cùng rút khỏi Hà Nội mang nỗi bâng khuâng “người ra đi đầu không ngoảnh lại / sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Có những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến vượt núi đá cheo leo và thác dữ, đêm vẫn “mơ Hà Nội dáng kiều thơm...”. Năm năm trước khi diễn ra chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, nhạc sĩ tài hoa Văn Cao với dự cảm nhạy bén, đã viết bài hùng ca “Tiến về Hà Nội”, và trong ngày tiếp quản Thủ đô đáng nhớ, bài ca ấy đã rền vang khắp năm cửa ô. Cùng với những bài ca đi cùng năm tháng của các nhạc sĩ khác, đã góp sức thắp lửa tin yêu, hy vọng, tạo nên động lực tinh thần vô giá, khơi dậy sức mạnh nội sinh, giúp Hà Nội vượt lên mọi gian nan, thách đố, gặt hái nhiều mùa vui trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong 60 năm qua...
VUI mừng biết mấy, sau gần 30 năm đổi mới, mức tăng trưởng của Thủ đô thường cao hơn 1,5 lần và bình quân GDP đầu người cao hơn khoảng 1,3 lần so với mức chung cả nước; đóng góp hơn 10% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu, 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp, 20% thu ngân sách quốc gia... Diện mạo Thủ đô thay đổi từng quý, từng năm. Một Việt kiều sau 35 năm xa Hà Nội trở về thăm đã quá ngỡ ngàng: “Tôi là người sinh ra ở Hà Nội, nay trở về nhà, mà dòng lệ tuôn trào vì thấy Thủ đô đổi thay đến chóng mặt! Nhiều con đường từ bốn đến sáu làn xe được mở rộng nối năm cửa ô. Nhiều tòa nhà cao tầng, trường học, siêu thị, công viên mọc lên như nấm. Tôi đã tới thăm nhiều khu nhà chung cư thoáng mát, khá đủ tiện nghi. Cách ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội được nhiều du khách quốc tế quý trọng. Một điều làm tôi vô cùng xúc động là, 36 phố cổ, nơi có người thân của tôi đang sống được bảo tồn và xếp hạng di tích cấp quốc gia. Thật may mắn, đúng dịp kỷ niệm 60 năm, tôi đi dạo trong đêm khắp sáu tuyến phố dành cho khách đi bộ, được ngắm nhìn toàn cảnh và nghe những ca sĩ hát nhiều bài dân ca, làm rung động lòng người... Vậy là, cái hồn cốt văn hóa Hà Nội không mất, mà đang được nâng niu, gìn giữ...”.
“HÀ NỘI vì cả nước; cả nước vì Hà Nội” - khẩu hiệu ấy đã và đang trở thành hành động đẹp, ngày càng lan tỏa rộng. Trước hết, người Hà Nội thấu suốt trách nhiệm đi tiên phong và vai trò nêu gương trong xây dựng đạo đức, lối sống, mà nét đặc trưng nhất là thanh lịch, văn minh. Những hè đường bằng phẳng, rộng thoáng; những hàng cây được bảo vệ phủ xanh; những công viên sạch sẽ, thoáng mát; an ninh từng khu dân cư được bảo đảm... Những biểu hiện tưởng như nhỏ nhoi ấy, nhưng thật sự là những nhân tố quan trọng, tạo nên dáng vóc, phong cách, lối sống của người Thủ đô, vốn được thừa hưởng một gia tài văn hiến, văn hóa quý báu của cha ông đã tích tụ ngàn năm. Hà Nội lo cho mình và cũng lo cho cả nước. Nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng cao và cả các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa..., đã và đang đón nhận những món quà nghĩa tình sâu nặng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Mọi kinh nghiệm, mọi cách làm hay của Hà Nội được nhiều địa phương nghiên cứu, làm theo; và chính Hà Nội cũng thể hiện sự cầu thị học hỏi những cách làm sáng tạo của nhiều địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...
Trên đà đi tới, người Hà Nội lòng nhủ lòng: cần quyết liệt hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, đặc biệt là bồi đắp ý chí tự vượt lên chính mình nhằm tạo ra bước phát triển mới về chất để Hà Nội thật sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, xứng đáng là điểm tựa tinh thần của nhân dân cả nước.
Người Hà Nội thấu suốt trách nhiệm đi tiên phong và vai trò nêu gương trong xây dựng đạo đức, lối sống, mà nét đặc trưng nhất là thanh lịch, văn minh.
Hà Nội tin yêu và hy vọng
|