"Người gác cổng" phải đến gần dân hơn

|

Nhiều người dân khi ốm đau, bệnh tật thường khăn gói lên bệnh viện tuyến trên khám, chữa bệnh mà bỏ qua y tế cơ sở. Khoảng trống nào đang tồn tại khiến cho hệ thống y tế gần dân nhất thực chất lại xa vời vợi như vậy?

Ðiệp khúc thiếu và yếu

Đảng, Quốc hội, Chính phủ nước ta đã ban hành nhiều quyết sách nhằm không ngừng củng cố, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, như: Chỉ thị số 06-CT/TW năm 2002 về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa IX; Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2017 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Mới nhất, ngày 25/10/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Trong những năm qua, hệ thống chính trị nói chung và ngành y tế nói riêng đã có rất nhiều nỗ lực để phát triển y tế cơ sở thật sự là "người gác cổng" đáng tin cậy của người dân. Mạng lưới y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Dù y tế cơ sở được coi là "xương sống" của hệ thống y tế nhưng thực tế vẫn còn một khoảng cách lớn giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và khả năng đáp ứng của hệ thống. Mấu chốt của bất cập này chính là tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, ngay kể cả ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Lý giải thực trạng này, các chuyên gia chỉ ra, thu nhập và chế độ đãi ngộ quá thấp là nguyên nhân chính khiến cán bộ y tế cơ sở khó chuyên tâm công tác. Mức hỗ trợ cho y tế thôn, bản chỉ bằng 0,3 và 0,5 so với mức lương cơ sở (tương đương 447.000 đồng và 745.000 đồng), không khuyến khích được họ duy trì công việc và là nguyên nhân chính dẫn tới người làm công tác y tế dự phòng chuyển công tác, xin nghỉ việc ngày càng tăng.

Phân tích sâu hơn, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ ra điểm cốt yếu khiến người dân thờ ơ với y tế cơ sở, chính là bởi chưa có lòng tin vào nguồn nhân lực tại cơ sở. Chưa kể, việc thiếu thuốc tốt, trang thiết bị cần thiết, chính sách bảo hiểm y tế chưa được cải tiến khiến người dân đến khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở ngày một thưa thớt. Bà phân tích thêm về điều này: Tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã giảm từ 19,8% năm 2017 xuống còn 14,6% năm 2022 là bởi hạn chế về năng lực của trạm y tế xã trong thực hiện các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật.

Bên cạnh đó, thực trạng này còn xuất phát từ chính các văn bản hiện hành. Chẳng hạn, Thông tư số 39/2017/TT-BYT, Thông tư số 43/2013/TT-BYT của Bộ Y tế có quy định về phê duyệt danh mục kỹ thuật theo chuyên khoa phụ thuộc vào chứng chỉ của người hành nghề. Vì vậy, phạm vi hoạt động chuyên môn của trạm y tế xã chưa bao quát được hết nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân. Hay do quy định về tổng mức thanh toán Quỹ Bảo hiểm y tế tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ nên mức chi trả cho một đơn thuốc điều trị của cùng một loại bệnh tại trạm y tế rất thấp so với các tuyến thành phố và Trung ương, vì vậy người bệnh thường muốn chuyển lên tuyến trên khám, chữa bệnh để được hưởng mức thanh toán cao hơn.

Nói thêm về chính sách bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh tại tuyến ban đầu, theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại tuyến xã hiện có 182 danh mục kỹ thuật được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, nhưng hiện các trạm y tế xã chưa thực hiện được khoảng 50% danh mục, vậy nên chưa được bảo hiểm y tế thanh toán khoảng 50% số danh mục kỹ thuật thuộc phạm vi được triển khai.

Ðưa nhân lực chất lượng cao về cơ sở

Trước những hạn chế của hệ thống y tế cơ sở hiện nay, theo nhiều ý kiến chuyên gia, nên có cơ chế bắt buộc các bác sĩ tốt nghiệp về công tác tại cơ sở trong một thời gian nhất định.

Về vấn đề này, GS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, trước đây vì quá hiếm hoi nên bác sĩ nội trú được ưu tiên khá nhiều thứ, trong đó, có ưu tiên về chỗ làm việc. Vì thế, gần như "luật bất thành văn" là bác sĩ nội trú ra trường được ở lại các bệnh viện tuyến trung ương, ở lại Hà Nội và các thành phố lớn, nên các tỉnh hầu như "trắng" bác sĩ nội trú dù rất cần. Trong khi hiện nay, bệnh viện tuyến trung ương cũng không còn chỗ để nhận bác sĩ nội trú, vì mỗi năm đào tạo nhiều hơn. "Việt Nam cần có chính sách bác sĩ nội trú tốt nghiệp phải làm việc tại y tế cơ sở một thời gian, rồi mới được về Trung ương, dĩ nhiên, Nhà nước cần hỗ trợ để họ đủ sống và cống hiến. Bằng cách này, y tế cơ sở sẽ có bác sĩ giỏi", Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói.

Cùng đó, giải bài toán thiếu hụt nhân lực tuyến y tế cơ sở, cần có cơ chế hỗ trợ thu nhập cho các y, bác sĩ. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi một số chính sách đãi ngộ nhằm động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở. Cụ thể, các chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2. Đặc biệt, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn liên tục cho nhân lực y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt ở khu vực khó khăn; đổi mới chương trình đào tạo theo cách tiếp cận dựa trên năng lực và nhóm làm việc đa chuyên ngành.

Về chính sách hưởng chế độ phụ cấp y tế cơ sở tại trung tâm y tế, trạm y tế tuyến xã theo Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 15/2/2023, một số ý kiến đề nghị cho hưởng phụ cấp ưu đãi 100% đối với tất cả cán bộ, viên chức đang làm việc tại tuyến này.

Ở một góc nhìn khác, GS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến nghị, để y tế cơ sở thực hiện đúng chức năng, cần thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện. Bên cạnh, cần giao thêm quyền và trách nhiệm cho Trưởng trạm y tế, động viên để họ phát triển thế mạnh của mình. Khi đã vận hành trơn tru, có thể tiến lên bước nữa là phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ngoài ra, với từng địa phương cần có kế hoạch chi tiết tới từng trạm y tế theo nhu cầu cụ thể, không "mặc đồng phục" cho tất cả trạm y tế trong cả hệ thống.

Phía Bộ Y tế, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, nhằm khắc phục những bất cập nội tại trên, cơ quan này đang thực hiện dự án hỗ trợ y tế cơ sở giai đoạn 2019-2024, triển khai tại 26 trạm y tế điểm nhằm trang bị đồng bộ hệ thống máy móc, phương tiện, cơ sở vật chất, được cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng viên, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên. Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm; đề nghị bảo đảm đủ thuốc cho các trạm y tế.

Thời gian tới, ngành Y tế đang tập trung xây dựng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, qua đó hút người bệnh về với trạm y tế xã, phường. Đặc biệt, với các trạm y tế chưa có bác sĩ, sẽ cử bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc. Bộ Y tế cũng sẽ cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Vấn đề mấu chốt để giải quyết triệt để bài toán của y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo hướng ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị, chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ cho đơn vị được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng đề án riêng cho trạm y tế xã với mục tiêu đến năm 2030, các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn, khu vực, theo bán kính phục vụ, bảo đảm tính căn cơ và lâu dài.

Báo cáo của ngành Y tế chỉ rõ trong bốn năm, từ 2018-2021, tổng số bác sĩ xã giảm 2.238 người, trong đó năm 2020 số bác sĩ tuyến xã giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019). Tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế giảm từ 97,5% năm 2015 xuống 71% năm 2020, trong đó 28% chưa qua đào tạo.