Những chỉ dấu giản đơn của hạnh phúc

|

Trong hành trình rong ruổi, có lẽ điều may mắn nhất của chúng tôi là "thấy được" những chỉ dấu giản đơn của hạnh phúc ẩn sau những thân phận, câu chuyện bình thường. Bằng hành động, họ hát lên những bài ca Chân-Thiện-Mỹ…

1. Kim, cô gái người Khơ Mú gần như đã sụp đổ niềm tin vào lòng tốt khi đã có gần 10 năm bị lừa bán làm vợ người bên kia biên giới. Sinh ra tại huyện miền núi Nghệ An, 14 tuổi, cô lấy chồng và đẻ liền hai con. Cuộc sống của người mẹ "không quen người nào khác bản" ấy cứ thế trôi qua cho tới trước năm 2015. Năm ấy, Kim bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ người, khi đứa con nhỏ nhất mới vừa tròn bốn tuổi.

Sáu năm sau, cô được "giải cứu". Mọi người mừng cho Kim. Cô cũng mừng cho chính mình. Nhưng niềm vui ấy lại chẳng kéo dài. Bởi cô nhận ra, mình không biết phải làm gì để nuôi hai đứa con đang ngày càng khôn lớn. "Có những lúc, đứa bé bảo: Mẹ ơi, mẹ mua cho con quả dừa. Lúc ấy, em chẳng biết nói sao, khi trong người chỉ còn một ít tiền dành cho bữa tối".

Cuộc sống ngày càng khó khăn, khiến Kim một lần nữa nghĩ tới việc rời bản. Mang theo chút tiền vay mượn, cô bắt xe xuống Hà Nội, trong nỗi hoang mang vô bờ.

"Em ơi, vào đây làm với chị", Kim nhớ lại cách cô tìm được việc mới. Lời giới thiệu không khác mấy so với lời mời khi cô bị bán năm nào. Nhưng lần này, cô may mắn hơn khi không bị đưa sang đất khách. Chỉ khác, cô liên tục bị "ăn chặn", cắt bớt tiền lương khi làm việc tại một xưởng may tại Hà Nội. "Em bắt đầu tới xưởng lúc 7 giờ sáng, có những ngày 12 giờ đêm mới về phòng trọ. Tiền lương có khi không đủ trang trải hằng ngày", Kim kể.

Một buổi sáng đầu tháng 8/2022…

Kim ngại ngần bước vào khoảng sân của Bệnh viện đồ da nằm sâu trong làng Bằng Liệt (Thanh Trì, Hà Nội). Từ phía trong, Phúc bước ra, tươi cười đón Kim.

Sinh ra trong một gia đình có năm anh chị em tại Thanh Oai, bố mất sớm, từ thời niên thiếu, Phúc đã giấu mẹ gia nhập đội đánh giày của làng. Công việc giúp anh có thêm chi phí để học hết đại học, đồng thời cũng khiến anh hiểu hơn về nỗi chật vật của những người yếm thế.

Năm 2019, Phúc quyết định nghỉ việc ở một cơ quan báo chí, về mở xưởng đồ da của riêng mình. Sau một thời gian ổn định, anh quyết định đón những người ở thế yếu, thanh niên đường phố về làm việc với mình. Họ được tạo điều kiện học nghề, đồng thời được nhận lương hằng tháng.

Kể về ngày đầu làm việc của Kim, Phúc bảo: Khi ấy, Kim luôn nói: "Cái này mình không làm được đâu!". Cô không bao giờ dám nhìn vào mắt người đối diện. Phúc đã phải dành rất nhiều thời gian hỏi han, chuyện trò, đưa Kim vượt qua mặc cảm.

"Khi xác định mình cần làm việc, những người yếm thế là đối tượng chăm chỉ, nghị lực nhất. Đã đi qua đau thương, họ hiểu giá trị của những điều tốt đẹp. Bởi vậy, thay vì mất một năm để thành thợ may đồ da, Kim chỉ cần sáu tháng đã thành thạo", Phúc nói.

Cũng từ đây, một cánh cửa mới đã chính thức mở ra cho người mẹ trẻ. Từ lời giới thiệu của Phúc, cô đã được nhận vào làm việc tại một xưởng đồ da với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Và nụ cười đã dần trở lại trên môi cô.

2. Tháng 2/2023, trận động đất kép 7,8 độ richter đã khiến 11 tỉnh vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ rung chuyển, cướp đi sinh mạng của hơn 44 nghìn người.

Tại Gaziantep, một trong những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất, Ahmet Kaya Baba, 50 tuổi, bật khóc khi chúng tôi hỏi chuyện. Trong đại địa chấn, ông mất đi cô con gái Selma Kaya Anne mới 22 tuổi, bị chôn vùi cùng chồng sắp cưới khi mới chỉ đính hôn vài ngày. 10.000 người khác ở thị trấn Nurdagi cũng vĩnh viễn chẳng thể trở về.

Mặc dù vậy, khi biết chúng tôi là những phóng viên đến từ Việt Nam, Ahmet vẫn bật đứng dậy, vừa khóc, vừa ôm chầm lấy từng người, lẩm bẩm: "Cầu Thánh Allah ban phước cho các bạn! Thánh Allah sẽ đi theo từng bước chân các bạn!". Những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ biết đến và rất yêu quý Việt Nam khi trước đó, hai đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã trực tiếp sang hỗ trợ, tìm kiếm, cứu nạn.

Không chỉ ở cấp Nhà nước, ngay cả những người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng trực tiếp chung tay sẻ chia cùng cư dân bản địa. Tại Istanbul, chị Nguyễn Ngọc Nga (hiện là Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ) cùng bảy chị em khác đã lập tức dành thời gian, công sức và tiền bạc để hỗ trợ nạn nhân của động đất. Mỗi ngày, nhóm các chị em sẽ thăm hỏi và chia sẻ với khoảng từ bốn đến sáu gia đình, đều là những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua các mối quan hệ, nhóm chị Nga cũng liên hệ, tìm chỗ ở tạm cho các nạn nhân.

"Có người bị mất đi cha mẹ sau đại địa chấn, có người vẫn còn thất lạc người thân. Trước khi tới được Istanbul, những gia đình này sống ở ngoài đường dưới trời bão tuyết âm 20 độ C trong ba ngày ba đêm; chia nhau trái táo cùng ít khoai tây cầm cự qua ngày. Chúng tôi chỉ mong, chút tấm lòng nhỏ của cộng đồng sẽ giúp được họ vơi bớt đi nỗi khó khăn chồng chất", chị Nga thổ lộ.

Vậy đấy, lòng tốt và tinh thần đùm bọc không phân biệt màu da, dân tộc, tôn giáo… Đó là những biểu tượng phổ quát, là chỉ dấu rõ ràng cho tinh thần nhân văn không biên giới. Hành động của nhóm chị Nga, giọt nước mắt của người đàn ông đang cầu thánh Allah ban phước lành cho chúng tôi… trong phút chốc hóa thành những cánh chim báo bình an.

Mồ hôi, và cả máu đã phải đổ xuống để đổi lấy bình yên cho quê hương.

3. Sau gần một tuần mưa, cuối cùng trời cũng hửng nắng. Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý dự án NPA/RENEW - dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại địa phương nai nịt gọn gàng rồi chở chúng tôi chạy về Trung Giang (Gio Linh) để gặp "những bóng hồng" phá bom.

Linh cho biết, việc thành lập hai đội nữ rà phá và xử lý bom mìn đầu tiên của Việt Nam nằm trong nỗ lực nhằm khẳng định vai trò của phụ nữ trong Hành động bom mìn của NPA. Để có thể tham gia vào "tiểu đội", tất cả các thành viên phải bảo đảm hai tiêu chuẩn bắt buộc: Có sức khỏe tốt, và quan trọng nhất là tình nguyện đi rà phá bom mìn. Khi "vào ca", những cô gái sẽ phải làm việc trong những ngày nắng như rang của Quảng Trị. Họ cũng phải làm quen với thứ "đặc sản" mùa mưa là vắt. Vắt nhảy tưng tưng lên chân người, vắt chui sâu vào mọi kẽ hở có thể thấy. Đến độ, các chuyên gia nước ngoài từng phải thốt lên khiếp sợ.

Vất vả là thế, hiểm nguy cũng luôn chực chờ. Hải Vân, tiểu đội trưởng 50 tuổi của Đội nữ rà phá bom cho biết: Công việc hằng ngày của các chị là khoanh vùng, tìm kiếm bằng máy móc trên thực địa. Phát hiện vật nổ, các chị sẽ trực tiếp đào bom, mìn để tiếp tục xử trí. Việc nhận dạng, đánh giá tình trạng vật nổ cũng như mức độ nguy hiểm và quyết định phương án cuối cùng sẽ được đội trưởng đưa ra sau đó.

Đứng từ xa nhìn về phía nữ đội trưởng đang "bưng đạn", các thành viên khác nín thở: Đây là giờ phút nguy hiểm nhất. "Tử thần" sau vài chục năm ngủ quên có thể sẵn sàng "thức giấc" bất cứ lúc nào.

Năm 2016, Ngô Thiện Khiết, người đội trưởng của NPA/RENEW đã hy sinh tại cánh đồng xã Hải Ba, huyện Hải Long. Đồng đội của anh, Nguyễn Văn Hảo cũng bị trọng thương. Sau gần 20 năm hoạt động, đó cũng là lần đầu NPA/RENEW có nhân viên thiệt mạng khi thực hiện nhiệm vụ. Trong cuộc chiến trăm năm chống lại bom mìn còn sót lại, máu và mồ hôi vẫn đang đổ trên những cánh đồng hòa bình.

Giữa trưa, mưa lại ràn rạt theo gió biển đổ xuống cồn cát. Linh và cả nhóm dừng lại, ngồi quây quần dưới một tấm bạt lớn mắc tạm dưới tán dương già. Mùi thuốc nổ lẫn loãng vào hương cỏ ngai ngái vô tình bị xéo nát dưới chân người làm cho không gian nồng lên một hương vị đặc biệt, khó tả. Dường như thoáng có dấu vết của chiến chinh sau hàng chục năm ngủ vùi trong lòng đất, lại thoảng một chút bình yên của hiện tại.

Mỹ Lệ, cô em út của "tiểu đội" chợt véo von hát. Tiếng hát như gió thổi, như biển xô vào bờ, thấp thoáng một niềm vui hồn nhiên. Bài hát về một dấu chân tròn trên cát, về ước vọng hòa bình. Nghe ra, hình như có cả câu chuyện của chính cô. Lệ chính là con dâu của đội trưởng Khiết đã hy sinh năm nào. Đến lượt mình, cô và chồng lại tiếp tục "tìm tử thần" trên đất cháy.

"Chúng em tin vào lựa chọn của ba, tin rằng nỗ lực, mồ hôi của chúng em sẽ được trả lại bằng sự bình yên của mảnh đất này trong tương lai!", cô thoáng cười.

4. Những ngày cuối cùng của năm Quý Mão, mạng xã hội Facebook như thường lệ vẫn ồn ào với đủ chuyện đúng sai, thị phi. Một nhóm người giả vô gia cư để xin quà từ thiện ngay giữa Thủ đô; vị hiệu trưởng ăn chặn tiền ăn, tiền vệ sinh của học sinh ở vùng cao; một TikToker với scandal về lòng trắc ẩn… Tất cả khiến không ít người hoài nghi nhân sinh, phần nào đánh mất niềm tin vào cuộc sống.

Nhưng, những chỉ dấu về lòng tốt vẫn ngày ngày định hình và được vun đắp, như một "mỏ neo" níu giữ con người đứng vững với những giá trị CHÂN-THIỆN-MỸ vẫn đang hiện hữu quanh mình.

Và, đó cũng chính là hạnh phúc.