Người ta bảo Mai Châu không có nhà nghỉ và khách sạn, chỉ tròm trèm mấy nếp nhà sàn vì có ai đến mấy đâu.
Đi rồi mới biết, hóa ra người ta bảo sai cả.
Chúng tôi đi qua TP Hòa Bình, ghé đập thủy điện sông Đà, rồi từ cảng du lịch Thung Nai, huyện Cao Phong, chỉ mất 15 phút là tới đền Thác Bờ. Nếu lên thuyền từ cảng xã Thái Thịnh trên đập thủy điện Hòa Bình thì quả mất tới một tiếng đồng hồ lênh đênh trên sông nước; khởi hành từ bến Nước, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong thì cũng mất ngót một tiếng. Tuy nhiên cảng du lịch Thung Nai nằm sâu trong huyện, không nhiều khách du lịch biết đến.
Vừa xuống chân dốc Cun, xuôi theo đường Tây Tiến đã thấy một cậu thanh niên phóng xe máy ra hiệu với tài xế hãy đi theo cậu. Cậu chính là người lái thuyền. Các lái thuyền đều theo cách này, hằng ngày ra đứng đón lõng ở ngã ba đường, rồi từ đó dẫn khách đi vòng vèo hơn hai chục cây số ra đến bến cảng. Chiếc thuyền của cậu có giá thuê một triệu đồng cho 10 khách. Khu vực cảng Thung Nai cũng có nhiều khu du lịch sinh thái, nhưng nom tiêu điều. Khách phần lớn không dám ăn uống gì ở những nhà hàng trông rõ hoang vu này. Họ thường đặt các nhà dân trên hai khu đền nấu cơm rồi bày biện lên thuyền ăn trưa tại chỗ. Đền Thác Bờ nức mùi cá nướng. Các loại cá sông được kẹp nứa, phết dầu và nướng trên than củi, giá dao động từ 70 tới 400 nghìn đồng cho một con cá măng nướng dài hơn nửa mét. Khó ai đừng được trước món ăn đặc sản này, nhất là ngày chúng tôi đi thuyền qua sông, trời rét, mưa bụi lâm thâm và gió thốc tháo đẩy đưa cả hơi lạnh buốt lẫn mùi cá nướng ấm áp.
Nếu có nhiều thời gian, thời tiết đẹp, du khách có thể tham quan thêm bản Mu để khám phá văn hóa sống của người Mường, đi thuyền trên lòng hồ thăm hang Trạch, động Thác Bờ với hằng hà thạch nhũ.
Rời TP Hòa Bình, chúng tôi tiếp tục khởi hành đi Mai Châu, cách 60 cây số. Trên đường đi, khách thường dừng lại nơi lưng đèo. Ở đó có mấy túp lều ủ khói ngô thơm. Món ngô nướng nơi này, có lẽ là thứ ngô ngon nhất tôi từng nếm thử. Ngô luộc trong nồi ám khói than củi. Hạt ngô căng mẩy, giòn, bùi và ngọt lịm. Co ro tránh gió núi, khách sưởi ấm đôi tay lạnh cóng trong làn hơi nước ngô đang bốc khói. Chẳng ai lại có thể từ chối mang theo vài chục bắp ngô luộc và dăm đõn mía mùa hanh ngọt lịm để tối về nhẩn nha trên nếp nhà sàn.
Tới Mai Châu vào giờ cơm chiều là thành phản xạ có điều kiện nhớ đến câu thơ lãng mạn của cựu binh Tây Tiến - nhà thơ Quang Dũng: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Bụng đã đói, thèm khủng khiếp món xôi nếp thơm lựng trong ống lam ăn kèm lợn Mường, cá suối hấp lá dong, thịt gà đồi, su su luộc chấm muối vừng, rau cải mèo luộc đăng đắng để lại dư vị ngọt lịm nơi đầu lưỡi. Cũng là có ngần ấy món, song ẩm thực bản Lác là thứ khó chịu nhất trong suốt cả chuyến đi. Xôi nếp lạnh lẽo, khô khốc như xôi cúng và thịt gà đồi, thịt lợn Mường nhạt nhẽo giống thực phẩm để tủ lạnh dự trữ của các nhà hàng hạng hai dưới miền xuôi. Bụng lại nhớ món ngô nương còn để thành bọc trên nhà sàn.
Từ Thung Nai tới Mai Châu
|