Trọn một tình yêu Hà Nội

|

Tròn 65 năm về trước, một sớm thu Hà Nội trong trẻo đón chờ “lớp lớp đoàn quân tiến về” giải phóng Thủ đô đã được ông lưu giữ trọn vẹn trong ống kính. Tròn 65 năm sau, Hồ Gươm mỗi sớm tinh mơ vẫn có bóng dáng người nghệ sĩ lão thành chậm rãi bấm máy, để kể tiếp những câu chuyện bằng hình ảnh về mảnh đất nghìn năm văn hiến mà ông đã trọn đời chung thủy đồng hành. Sức sáng tạo bền bỉ của NSNA Quang Phùng (ảnh dưới) được chính ông lý giải: “Giản dị, vì tình yêu Hà Nội!”.

Còn sức còn chụp ảnh

Nhiều năm nay, có lẽ chiếc máy ảnh là vật bất ly thân với ông. Những nóng lạnh, bão mưa khắc nghiệt của thời tiết cũng không thể khiến ông thay đổi lịch trình quen thuộc với Hồ Gươm mỗi ngày. Sự cần mẫn làm nghề của ông đã khiến nhiều người thật sự kinh ngạc...

Đúng là tôi đã giữ được nhịp đi, nhịp chụp nhiều năm nay, đều đặn và chính xác như một chiếc đồng hồ. Dù tuổi mỗi ngày mỗi cao, dù đã phải trải qua ba lần bạo bệnh, dù bà lão nhà tôi ngày nào cũng lo lắng, càm ràm. Nhiều người bảo tôi gàn, khi chứng kiến tôi dành nhiều ngày, nhiều tháng thậm chí nhiều năm cho một chủ thể, đề tài nào đó.

Chiếc lá rơi chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh. Cánh hoa mong manh nhẹ nhàng đáp xuống mặt hồ. Gánh hàng rong tảo tần mưu sinh nơi phố thị. Nét đẹp từ cổ điển đến hiện đại của những thiếu nữ bất chợt nhìn thấy trên đường. Vẻ biến ảo, tinh khôi của Hà Nội sau cơn mưa, nét dịu dàng trong một chiều mát gió hay cảm xúc hân hoan qua mầu lá biếc ngời trong tiết giao mùa... Tôi cứ theo đuổi, đợi chờ từng khoảnh khắc “trời cho” ấy và bấm máy.

Ngày còn tham gia Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneve, tôi may mắn được học ké một đồng nghiệp người Canada khóa đào tạo nhiếp ảnh hàm thụ ba tháng của Trường Cao đẳng Nhiếp ảnh New York. Nói “học ké” vì tôi không được đứng tên học viên, không được cấp bằng chứng nhận. Nhưng những bài học cơ bản thu nạp từ bộ giáo trình như mỗi tấm ảnh phải hội đủ ba yếu tố Chân - Thiện - Mỹ (nói nôm na là phản ánh chân thực cuộc sống bằng một cái tâm hướng thiện và nhân văn thì sẽ có một tác phẩm đẹp), như kích cỡ chuẩn ảnh xem là 30x40 cm và ảnh lưu là khổ A4... đã được tôi tuân thủ nghiêm ngặt tới tận bây giờ.

Nhân nhắc đến quan niệm về cái đẹp trong tác phẩm nhiếp ảnh, ông từng chia sẻ mình chụp tất cả những gì Hà Nội có kể cả những cái tốt và cái xấu. Có lẽ vì thế mà tác phẩm của ông chuyển tải những thông điệp chính luận mạnh mẽ để thủ đô ngày một đẹp hơn?

Đúng là ảnh của tôi không đẹp kiểu bắt mắt, dễ xem. Một người lính trước lúc hy sinh đã từng tâm sự với tôi, rằng người phụ nữ gánh nặng trở vai giữa cánh đồng là hình ảnh mà anh mang theo trước giờ vào trận. Nỗi xúc động khi nghe anh trải lòng đã khiến tôi đặc biệt hứng thú với những gánh hàng rong xuôi ngược trên vỉa hè, một hình ảnh đậm chất Hà Nội dù đâu đó vẫn cho rằng nó làm mất mỹ quan và gây ảnh hưởng trật tự đô thị. Ẩn sau cái đẹp của bộ ảnh trong triển lãm Hoa rơi mặt hồ là bức thông điệp về một mặt nước hồ Gươm đang ô nhiễm trầm trọng. Và những tán cây xanh mát, những công trình kiến trúc tuyệt đẹp đã trở thành hậu cảnh để lột tả những phận người dưới đáy xã hội: con nghiện ma túy, gái mại dâm, trẻ lang thang cơ nhỡ, những người nông dân lần hồi mưu sinh rất đỗi nhọc nhằn... Tất cả đã trở thành nhân vật của tôi và hiện hữu sinh động, chân thực trong những triển lãm cá nhân về phòng, chống ma túy (năm 2004) hay Hoa rơi mặt hồ (năm 2008); trong cuốn sách ảnh Dạo quanh hồ Gươm hay những bộ ảnh chủ đề mà tôi vẫn đang tập hợp và bổ sung mỗi ngày (như Hà Nội 36 phố phường, Ma túy tuổi học trò, Hàng rong Hà Nội, Tệ nạn mại dâm, Nghị quyết của Đảng đi vào đời sống...).

Hà Nội - Nơi trao truyền nguồn năng lượng vô hạn

Nghe nói số lượng những bộ ảnh chủ đề Hà Nội của ông đã lên tới con số hàng trăm. Và hình như ông đang ấp ủ giấc mơ kể “101 câu chuyện về Hà Nội” bằng hình?

Trước mỗi lần bấm máy, tôi đều có sự tính toán rất kỹ trong đầu. Thường thì với mỗi chủ thể, tôi sẽ có một bức toàn cảnh - một đặc tả và một đối xứng để làm bật thông điệp mà mình muốn chuyển tải. Ý tưởng thường xuất hiện trước và tôi sẽ kiên trì đeo bám, để đạt được tối đa mục đích. Ví như để có được một bức ảnh Lá phổi xanh của thành phố, tôi phải chờ đợi khoảnh khắc tán cây soi bóng xuống mặt nước đọng lại sau cơn mưa, với hình dạng từa tựa hai lá phổi. Cứ thấy mưa là che ô đi, rồi ngồi đợi, kỳ công lắm mới chộp được khoảnh khắc ẩn chứa một thông điệp nhân sinh như thế. Rồi để chụp được những cái rễ si trắng muốt nhú ra từ bờ tường Văn Miếu rêu phong, tôi cũng phải rình thời điểm sau cơn mưa, để quá chút là mấy cái rễ xỉn mầu, không còn đẹp nữa... Rất mất công và rất mệt óc, tôi chụp ảnh vất vả vô cùng.

Nói vậy để dễ mường tượng khối lượng ảnh mà tôi đã phóng to, đã lưu giữ cẩn thận theo từng chủ đề trong 50 album chất cao hàng mét ở nhà riêng lớn tới cỡ nào. Mỗi cuốn là 120 ảnh, mỗi ảnh tôi đều cố gắng chú thích và ghi lại câu chuyện mà mình đã gom nhặt, tích cóp. Tôi mong sẽ có điều kiện xuất bản thành 10 tập, để nhiều thế hệ người yêu Hà Nội có thể ngắm nhìn mảnh đất và con người nơi đây đã thay đổi, đã phát triển ra sao qua biến thiên thời cuộc.

Vâng, tôi đã đọc được những điều đó trong cuốn sổ ghi chép của ông. Kiên trì theo đuổi một chủ đề về Hà Nội suốt hai phần ba thế kỷ, có lúc nào ông cảm thấy nhàm chán hay cạn sức sáng tạo không?

Tôi sinh ra ở phố Hàng Gai, đã trốn nhà ra Bờ Hồ từ khi còn là cậu ấm năm tuổi. Ngày gia đình di cư vào nam, tôi vẫn chọn ở lại bởi tình yêu mảnh đất này quá lớn. Nhớ thời còn làm việc ở Ủy ban Quốc tế trên Lào Cai, lần nào về thủ đô, tôi cũng lang thang ra hồ. Với tôi, Hồ Gươm là nơi tích tụ khí thiêng sông núi, là nơi chứa đựng hồn cốt của Thăng Long nghìn năm văn vật. Nơi đây đã trao truyền cho tôi nguồn năng lượng vô tận và cũng níu giữ tôi, tôi nguyện gắn bó cả đời người. Hà Nội đã thay da đổi thịt từng ngày trước mắt tôi. Đời sống đủ đầy, văn minh hiện đại gấp nhiều lần ngày xưa nhưng cái gì cũng có hai mặt. Những mặt còn chưa được mà tôi kiên trì phản ánh cũng chỉ hướng tới cái đích để Hà Nội ngày càng văn minh hơn, đẹp hơn. Vì tình yêu Hà Nội, tôi sẽ không tiếc sức mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

NSNA Quang Phùng

Sinh năm 1932, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng là con út của cụ Nguyễn Quang Riệu - Tri phủ Hoài Đức, hàm Tổng đốc Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ). Ông từng tham gia hoạt động nội thành từ rất sớm, dẫn đầu nhiều đoàn biểu tình của học sinh, sinh viên phản đối chế độ thực dân Pháp đầu những năm 1950. Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, ông đã ở lại Hà Nội, dù cả gia đình di cư vào nam.

Với vốn tiếng Anh tự học, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng có 15 năm tham gia Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneve. Làm quen với chiếc máy ảnh Leica - vốn là món quà của người anh trai tặng ông năm 1953, lưu lại những khoảnh khắc khó quên của thành phố quê hương đã trở thành niềm đam mê theo ông suốt cả cuộc đời. Kho ảnh đồ sộ mà ông đang lưu giữ là những trang sử bằng hình quý giá về thủ đô Hà Nội. Ông đã được nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái vào năm 2013. Hiện nay đã 87 tuổi, ông vẫn miệt mài sáng tác, với mong ước kể lại “101 câu chuyện về Hà Nội” trong một bộ sách sắp tới.