Nhà thơ Yến Thanh

|

Ông tên khai sinh là Nguyễn Thanh Bính, quê xã Thạch Vĩnh (nay là Lưu Vĩnh Sơn) huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Là thế hệ sinh ra cùng Cách mạng Tháng Tám, được đào tạo dưới mái trường XHCN, ông thuộc lớp trí thức cách mạng "vừa hồng vừa chuyên" mà chất "hồng", chất lý tưởng ngấm sâu vào máu thịt, làm nên tất cả cuộc đời và sự nghiệp; cũng như những trăn trở trong đời, trong thơ.

Thấm thoát hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng sinh tử giữa chiến trường bom rơi đạn lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhà thơ Yến Thanh. Những năm 1965-1971, thời kỳ ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại ở Khu IV, là cán bộ kỹ thuật giao thông của Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh, trong đó có Đại đội TNXP 552 của mười cô gái, ông kiên cường bám trụ ở Ngã ba Đồng Lộc. Nguyễn Thanh Bính còn là giáo viên dạy văn hóa, cây văn nghệ nổi bật trong Phong trào "Tiếng hát át tiếng bom". Toàn Tổng đội ai cũng yêu quý, coi ông như người thầy, người anh.

"Đâu có giặc là ta cứ đi", "Đâu khó có thanh niên"... Đại đội TNXP 552 luôn có mặt ở những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất, tới tháng 7 năm 1968 được tăng cường cho Đồng Lộc. Đến Mỹ Lộc, qua một nhà dân bỏ hoang vì tránh bom, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 Võ Thị Tần lấy than viết lên vách: "12-7-1968. A4, C552, P18". Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc viết thêm một con số: "15". Mồ côi cha khi chưa đầy một tuổi, bốn tuổi mẹ đi bước nữa, tuổi thơ đau buồn, khổ cực, chị Cúc trầm tính nhưng thương yêu, nhường nhịn đồng đội hết lòng, chiến đấu lại can trường, dũng cảm.

16h ngày 24/7/1968, đơn vị được lệnh ra vá đường cho một chuyến xe đặc biệt sắp ra tiền tuyến. Từ sáng, ngã ba đã bị cày nát bởi 14 trận bom dồn dập. Bom nhiều đến nỗi không còn đếm xuể. A4 còn 10 chị, tất cả đều ra trận. Trên nón mũ, luôn có một khẩu hiệu mang lời trái tim: "Máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt".

Khi đoạn đường được vá sắp xong, một tốp ba chiếc F4H và F105 từ phía tây cũng vừa bay vuột qua về phía biển, bỗng một chiếc thình lình quay lại trút một loạt bom nơi Tiểu đội 4 đang làm. Đồng đội khóc gào, gọi vang tên các chị, không một tiếng trả lời. Sau hai giờ, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi hài 9 chị, sang ngày hôm sau lực lượng công binh và nhân công dùng máy móc, cuốc cào xới tung từng tấc đất vẫn không thấy chị Cúc. Thương chị, Ban Chỉ huy Đại đội 552 xin không dùng máy mà dùng cào răng gỗ để tìm. Nhìn ra ngoài vườn dưới những tán lá cọ nơi kê chiếc quan tài thứ 10 chờ chị Cúc, xúc động dâng trào, mạch thơ cứ thế tuôn chảy, Nguyễn Thanh Bính viết bài thơ "Cúc ơi" chỉ trong hai tiếng đồng hồ.

Sáng 26/7, ông nhẩm đọc lời khấn bằng thơ, thắp nén tâm nhang trước một bàn thờ đặt tạm ở miệng hố bom. Lúc đó là 9 giờ sáng. Một giờ sau, đồng đội tìm thấy chị Cúc bị vùi trong hố cá nhân ở đồi Trọ Voi, cách miệng hố bom 20m, trong tư thế ngồi, đầu còn đội nón, bên cạnh là cái cuốc; mười đầu ngón tay tứa máu vì cào đất để lên. Các chị đã hy sinh như thế, trong khi làm nhiệm vụ, trong tư thế chở che nhau, lúc sống cũng như lúc chết, giành phần khó khăn, nguy hiểm nhất về mình!

***

Kể từ khi chuyên mục thơ trên sóng của Ðài Tiếng nói Việt Nam phát bài "Cúc ơi" ngày 29/9/1968 và khi bài thơ được phổ nhạc, lời thơ da diết, cảm động càng được chắp cánh bay xa. Bài "khấn" của Nguyễn Thanh Bính chính là bài thơ "Cúc ơi" đã, đang và sẽ lay động hàng triệu con tim, làm cho Đồng Lộc mãi vang vọng.

Sức mạnh, sự truyền cảm của nghệ thuật, trước hết chính là sức mạnh, sự truyền cảm của cái đẹp và sự vĩ đại của bản thân cuộc sống, của nhân dân mà chỉ những ai gắn bó tha thiết với nó mới có thể lắng nghe được, chỉ những ai có trái tim rung nhịp chân thành mới thể hiện được.

"Cúc ơi" là một bài thơ bất hủ như chính cuộc đời các chị.

Cái hay của bài thơ, theo tôi không thể phân tích, hay đúng hơn, sự tự cảm thụ, thấm thía bằng mọi rung cảm của các giác quan sẽ đem lại một hiệu ứng tự nhiên, mạnh mẽ hơn nhiều. Cái hay nhất của bài thơ là ở đó.

Song, chúng ta cũng có thể chỉ ra một vài đặc điểm của bút pháp nghệ thuật. Ngay từ câu đầu tiên, nhà thơ đã khẳng định được tình đồng đội không thể chia cắt, khẳng định sự bất tử của mười cô gái: Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang... Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp? Đây là linh cảm của nhà thơ nhưng cũng có thể là tiếng gọi của chị Tần, là ý nguyện của mười cô. Mộ mười cô từng được an táng từng quê nhà, sau lại được quy tập về thành tiểu đội đủ đầy ở Ngã ba Đồng Lộc. Đó là một sự linh thiêng.

Dân gian nói: "Chín bỏ làm mười" để khuyến khích sự nhường nhịn, là sự bỏ qua cho nhau những sơ suất, khuyết điểm, là một truyền thống nhân văn. Tác giả đã mượn thành ngữ này và sử dụng rất tài tình "Chín bỏ làm mười răng được" khi nói về lương tâm, trách nhiệm. Trong cuộc đời này, dứt khoát có những điều không thể "chín bỏ làm mười", như chín thân bỏ làm mười mộ ngày ấy; cũng như "chín bỏ làm mười" trong chính sách đối với liệt sĩ và thân nhân; trong ơn nghĩa của đồng chí, đồng đội, của nhân dân!

Trong số báo tháng 7 năm nay, Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu bài "Cúc ơi" cùng một bài thơ khác của nhà thơ Yến Thanh như một sự tri ân đối với Mười liệt nữ ở Ngã ba Đồng Lộc và để hiểu thêm tác giả, người đã coi thơ như sự sống, như phương thuốc thần diệu trong đời: "Thơ với tôi là bạn đời cứu tôi những lúc gian khổ, ác liệt và là yếu tố hạ nhiệt suốt trường đời".

----------------------------------------------------

CÁI DẰM

Nhà anh cạnh chợ kề đường
Chắc rằng người ấy vẫn thường qua đây
Nợ người một nợ cầm tay
Cà sa bụt mặc anh đây nợ chùa

Cái dằm anh lể ngày xưa
Em đau thuở trước
Bây giờ anh đau
Ngón tay tháp bút trắng phau
Dằm tre đen xỉn cắm vào tim anh

Sông Cày mấy khúc loanh quanh
Tre nghiêng Truông Rọ
Bóng xanh Tân Đình

Bây giờ mình lể tay mình
Cái kim lại nhớ cái tình bàn tay
Nong vàng rải lúa em quây
Ghen anh, dằm xóc vào tay máu nhòe
Anh từ giận cái dằm tre
Giận lây măng mọc giận về tre xanh

Sông Cày còn chảy loanh quanh
Răng anh quên được ngày anh lể dằm
Tay kia giờ để ai cầm
Gai kia đã mọc thành dằm trong thơ!

----------------------------------------------------

CÚC ƠI

Tưởng nhớ Hồ Thị Cúc và 9 đồng đội tiểu đội 4, C552, N55-P18-TNXP Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc ngày 24/7/1968

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt:
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh!
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em!
(Chín bỏ làm mười răng được!)

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi, em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em thì xanh
Áo em thì mỏng

Cúc ơi, em ở đâu về với bọn anh
Tắm nước trong Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp năm em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn

Ở đâu em, hỡi Cúc
Đồng đội tìm em: đũa găm cơm úp
Gọi em
Gào em
Khản cổ rồi
Cúc ơi!!!

Ngã Ba Đồng Lộc, 25/7/1968

Minh họa thơ | NGUYỄN MINH