Cộng đồng mạng đã thay đổi tích cực

|

Đã có những bước tiến lớn trong việc hợp tác, phối hợp xử lý các nội dung vi phạm trên không gian mạng giữa cơ quan chức năng Việt Nam và các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, đó là chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do (ảnh bên) trong cuộc trò chuyện cùng Nhân Dân hằng tháng:

Dư luận thời gian qua cho rằng, trên không gian mạng ngày càng xuất hiện nhiều các video, clip, vlog... có nội dung phản cảm, nhảm nhí, thậm chí độc hại... Ông đồng tình với ý kiến này chứ?

Nói vi phạm nhiều hay ít thì phải căn cứ trên số liệu cụ thể, chứ không thể cảm tính, phải định lượng các hành vi, cố gắng minh bạch, có đủ căn cứ thì mới kết luận vi phạm pháp luật. Nhưng trước hết chúng ta cần chấp nhận, không gian mạng cũng như đời thật, hoạt động trên không gian mạng cũng như đời thật, vì vậy không thể có một môi trường mạng "vô trùng" tuyệt đối. Đấy là không gian sống thứ hai của loài người nên khó tránh được các vấn đề tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật xảy ra. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, của người dân, của cộng đồng là làm sao hạn chế thấp nhất các tiêu cực. Có người đặt vấn đề xóa sổ triệt để các thông tin độc hại trên không gian mạng, theo tôi đó là điều không tưởng.

Chúng ta được thụ hưởng những thành tựu tích cực của internet nhưng ngược lại cũng phải chấp nhận mặt tiêu cực như một hệ lụy do sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Vậy làm cách nào để hạn chế các tiêu cực đó, thưa ông?

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất: Những nền tảng mạng xã hội nhiều vi phạm chủ yếu là nền tảng xuyên biên giới, họ từ nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên internet vào Việt Nam, yêu cầu họ tuân thủ pháp luật Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Có một số nền tảng khi thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam thì họ chấp hành tốt hơn, nhưng một số nền tảng không có văn phòng ở Việt Nam, hoàn toàn ở nước ngoài thì ý thức và cam kết tuân thủ pháp luật có nhiều hạn chế, thí dụ như Facebook, Google... Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải triển khai nhiều cuộc đấu tranh đặc biệt để yêu cầu những nền tảng này tuân thủ pháp luật và gần đây mới đạt được bước tiến lớn. Nhưng luôn luôn các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook vẫn đề cao tiêu chuẩn cộng đồng của họ và coi đó là yếu tố thông tin số một trong việc xử lý những nội dung vi phạm. Đặc biệt những thông tin liên quan đến văn hóa, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục..., giữa quy định pháp luật của Việt Nam đã có những độ vênh khác với tiêu chuẩn cộng đồng của các công ty công nghệ của Mỹ. Góc nhìn quan điểm của các công ty này thoáng hơn rất nhiều, thậm chí họ coi một số hành vi sai phạm là chuyện bình thường nên không chịu xử lý. Đó là một yếu tố khách quan.

Thứ hai: Tất cả quy định pháp luật của chúng ta hiện nay có những hành vi vi phạm cụ thể và đạt đến mức độ nhất định mới trở thành hành vi vi phạm chịu chế tài pháp luật. Nhưng đại đa số những nội dung xuất hiện trên không gian mạng thì mức độ thường dừng ở nhảm nhí câu view câu like, nằm lưng chừng giữa phản cảm nhưng chưa đến mức độ vi phạm pháp luật, nên xử lý khó khăn. Trước tình hình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất một số hướng giải quyết và đã triển khai trên thực tế...

Cộng đồng mạng, những người sử dụng internet cũng đã ghi nhận và hoan nghênh các giải pháp hữu hiệu mà Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan quản lý nhà nước triển khai, áp dụng để thiết lập lại trật tự trên không gian mạng, thưa ông?

Hiện nay, chúng ta đã bổ sung thêm các quy định về hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng vào Nghị định xử lý vi phạm hành chính. Từ Nghị định 174/2013 đến Nghị định 15/2020, các hành vi vi phạm trên không gian mạng phát triển rất nhanh với tính năng mới. Trước đây chúng ta chưa định nghĩa rõ ràng về thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoan, giờ đã định lượng rõ hơn. Mức chế tài xử phạt cũng tăng lên, sau một năm ban hành, nghị định có bất cập lại đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Hội thảo đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020 và định hướng năm 2021. 

Tuy nhiên liệu có khó khăn khi xử lý những hành vi phản cảm, gây bức xúc cho cộng đồng nhưng chưa đến mức đưa ra pháp luật, thưa ông?

Bộ đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng gồm những quy định điều chỉnh hành vi người dùng bằng đạo đức văn hóa ứng xử dư luận xã hội. Bộ quy tắc ứng xử này đã xây dựng xong, đã trình Chính phủ cho ý kiến và chỉnh sửa chuẩn bị ban hành. Đây không phải là quy định pháp luật bắt buộc nhưng là bộ khung cơ sở để các tổ chức địa phương, cơ quan, đơn vị, các ban, ngành dựa vào đó đưa ra quy định của mình và có điều kiện ràng buộc với những người trong phạm vi cơ quan tổ chức địa phương đó. Bộ cũng triển khai giải pháp công nghệ rà soát phát hiện các hành vi vi phạm. Sức người không thể xử lý được nên phải có máy móc thiết bị và làm một cách tự động, đã đưa vào vận hành được hai năm nay Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Năng lực của Trung tâm xử lý 300 triệu thông tin, đáp ứng phát hiện kịp thời, hiệu quả áp lực công việc. Hiện, chúng tôi cũng đang nghiên cứu hoàn thiện giải pháp phát hiện hành vi vi phạm bằng video, lọc cả nội dung video... Bộ cũng phối hợp với các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương phối hợp xử phạt hơn 1.200 trường hợp tung tin giả về dịch bệnh, 30 trường hợp đăng tải hành vi phản cảm mê tín dị đoan nhảm nhí, thậm chí có ba trường hợp bị xử lý hình sự khi tung tin thất thiệt về đại dịch. So với mặt bằng chung của các mức xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm trên không gian mạng có chế tài cao, nghiêm. Điều này đã tạo ra hiệu ứng răn đe rất tốt với những người có ý định sử dụng mạng để thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực chỉ đạo Cục Báo chí và các cơ quan truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dùng các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và cả những đối tượng sử dụng các nền tảng này để vi phạm. Tuyên truyền đã có nhiều hiệu quả tích cực. Người dân có thay đổi về nhận thức, một khi viết gì, đăng tải gì trên không gian mạng đã cẩn trọng hơn. Thậm chí có ai đăng tin gì đó có vẻ không chính xác, tin giả thì ở dưới lập tức có ngay comment: có muốn lên phường uống trà hay không. Người dân đã có ý thức chống tin giả, có nhận thức đăng tin giả sẽ bị xử phạt. Đây là tín hiệu tốt, là động lực để tiếp tục tuyên truyền. Một thay đổi nữa là người dân đã phản bác lại các thông tin mà họ cho là không đúng sự thật. Trong họ đã hình thành bộ lọc để bảo vệ mình trước thông tin chưa được kiểm chứng trên không gian mạng.

Xây dựng không gian mạng văn minh, văn hóa, tuân thủ pháp luật sẽ dễ dàng hơn nếu có sự hợp tác của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, thưa ông?

Các cơ quan chức năng Việt Nam đã làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và đạt được nhiều thỏa thuận. Họ phải gỡ những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Trong năm 2020 đã có những bước tiến lớn. Tuy vậy hai bên còn những khác biệt về pháp luật, quan điểm chính trị, văn hóa nên để họ thực hiện đầy đủ 100% yêu cầu của chúng ta là vẫn có khoảng cách và các bên đang tìm mọi giải pháp thu hẹp khoảng cách này. Do sự phát triển quá nhanh của công nghệ, đang có xu thế kinh tế chia sẻ làm nội dung trên các nền tảng mạng xã hội dẫn đến nhà nhà, người người chạy theo để kiếm tiền. Người dân được quyền đăng tải nội dung lên mạng xã hội và phải chịu trách nhiệm về nội dung đó. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hậu kiểm, nếu bất kỳ ai đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến tổ chức doanh nghiệp cá nhân phải chịu trách nhiệm. Hiện thuật toán chia sẻ tiền quảng cáo cho những người làm nội dung theo lượt view nên một bộ phận những người này chạy theo view, bất chấp tất cả để thu hút người xem. Các nền tảng xuyên biên giới đã phối hợp, đạt được thỏa thuận không chia sẻ tiền quảng cáo cho các nội dung vi phạm pháp luật. YouTube đã chặn 15 kênh rất lớn theo đề nghị của Việt Nam. Chặn nguồn tiền sẽ làm giảm động lực của những người có ý đồ xấu.

Trân trọng cảm ơn ông!