Cần điều chỉnh hành lang pháp lý về LĐTE
Hành lang pháp lý về LĐTE của Việt Nam hiện được đánh giá thế nào, thưa ông?
Tôi nhận thấy hiện nay nhận thức về quyền trẻ em có tiến bộ, nhưng nhận thức về LĐTE cần phải được nâng cao, đặc biệt là với chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động và cả các doanh nghiệp. Vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở chỗ, việc sử dụng LĐTE không phổ biến ở khối kinh tế chính thức có quan hệ lao động mà chỉ xuất hiện nhiều ở khối kinh tế không chính thức và trong nhóm không có quan hệ lao động. Cần điều chỉnh hành lang pháp lý, trong đó có điều chỉnh Bộ luật Lao động sửa đổi để quản lý giám sát được LĐTE, kể cả trong nhóm không có quan hệ lao động. Bởi rất nhiều mặt hàng, ngành hàng xuất khẩu của ta hiện nay như thủy hải sản xuất khẩu, trồng trọt... xuất phát từ khu vực kinh tế không chính thức và nguy cơ sử dụng LĐTE trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, các biện pháp phòng ngừa phải bắt đầu từ hành lang pháp lý để có những quy định đẩy đủ về sử dụng LĐTE.
Môi trường lao động độc hại nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ. Ảnh | luu van tien / ilo
Chính vì vậy, Bộ luật Lao động 2012 và dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang trình Quốc hội có một chương quy định về lao động chưa thành niên dưới 18 tuổi, trong đó có LĐTE. Quy định này khá cụ thể về độ tuổi trẻ em được phép tham gia vào các quan hệ lao động. Nhưng để phù hợp với các công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn thì Bộ luật Lao động phải điều chỉnh được vấn đề sử dụng LĐTE trong khu vực không có quan hệ lao động. Đó là điểm mấu chốt.
Vậy Chính phủ cần có những giải pháp gì để phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE?
Hiện nay, Chính phủ đã có Đề án Phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE (đề án 1023 năm 2012). Điểm tiến bộ của đề án này là phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE trong khu vực kinh tế không chính thức, hướng đến đối tượng các làng nghề và kinh tế hộ gia đình. Đề án cũng chọn cách tiếp cận về truyền thông, làm sao đẩy mạnh truyền thông giáo dục các hộ gia đình, trẻ em và các cơ sở sử dụng lao động. Mặt khác, đề án hỗ trợ cho các hộ gia đình, các chủ sử dụng lao động ở các làng nghề để họ chuyển đổi môi trường làm việc. Cũng phải thừa nhận một thực tế, rằng một số gia đình, tại một số địa phương vẫn có nhu cầu sử dụng LĐTE. Vấn đề là làm sao để hỗ trợ họ sử dụng sao cho đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để nhanh chóng phát hiện, loại trừ những sai phạm liên quan đến LĐTE, vốn rất phức tạp trong đời sống hiện tại. Với trường hợp bộ phim “Vợ ba” có diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng bị dư luận lên án mới đây, ngoài việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý rồi thì Bộ LĐ, TB&XH kiến nghị sẽ xử lý tiếp nếu có vi phạm về sử dụng lao động chưa thành niên.
Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong thực hiện Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có nội dung phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE. Đó là cam kết rất tích cực của Chính phủ nhưng trách nhiệm triển khai nằm một phần ở chính quyền các địa phương. Nhận thức của chính quyền địa phương, của UBND các cấp cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tiến bộ nhất thì phải coi trọng các tiêu chuẩn về vấn đề sử dụng đối tượng lao động đặc biệt này.
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”
Ông có đề cập việc cần tăng cường thanh tra, kiểm tra những vi phạm liên quan đến LĐTE. Vậy chế tài để xử lý những vi phạm này đã đầy đủ chưa?
Hiện nay chế tài xử lý những vi phạm liên quan tương đối đầy đủ, kể cả về xử lý hành chính cũng như xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã có chế tài xử lý việc sử dụng lao động chưa thành niên. Nhưng để phát hiện những vi phạm về LĐTE, hệ thống các cơ quan hành pháp, thanh tra cần tích cực hơn nữa. Vấn đề làm thế nào để giữ lao động chưa thành niên đúng quy định, tránh việc sử dụng vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, có biện pháp hỗ trợ để các em được đi học nghề, chuyển đổi công việc. Đó là cách tiếp cận ở một quốc gia còn nhiều hộ nghèo, đang ở mức phát triển trung bình. Dĩ nhiên, điều lý tưởng là hướng tới là xóa bỏ hoàn toàn LĐTE nhưng phải đi từng bước. Phải thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ, “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tùy theo sức của mình”. Pháp luật không cấm các em làm việc, nhưng lao động phải phù hợp với độ tuổi.
Thực tế đã có vụ vi phạm LĐTE nào bị xử lý hình sự chưa, thưa ông?
Hiện nay chưa có vụ vi phạm nào bị xử lý hình sự, xử lý hành chính thì có rồi. Tôi nghĩ phải phát động người dân và toàn xã hội tham gia phát hiện, tố cáo những vi phạm liên quan đến LĐTE, chứ không thì chẳng có hệ thống thanh tra nào đủ sức giám sát cho xuể.
LĐTE giờ đây liên quan đến vấn đề thương mại
Theo ông điều mấu chốt nhất trong các giải pháp phòng ngừa giảm thiểu LĐTE là gì?
Theo tôi, điều mấu chốt nhất, về lâu dài vẫn phải nâng cao nhận thức cho trẻ em, cho các bậc phụ huynh và các cả doanh nghiệp. Phải phân tích cho họ thấy, lợi ích của việc sử dụng lao động trẻ em, làm kinh tế cùng với người lớn không thể so sánh với lợi ích các em được học nghề, học hành để sau này có công việc bền vững. Thông điệp truyền thông này phải làm thường xuyên, phải dựa vào đội ngũ các tổ chức chính trị - xã hội. Gần đây có một tín hiệu tốt khi những vụ xâm phạm trẻ em, trong đó có bóc lột LĐTE bị cả xã hội lên án. Nhưng phải nhấn mạnh khâu phòng ngừa, không để sự việc xảy ra rồi mới ứng phó, giải quyết.
Dù đẩy mạnh truyền thông là giải pháp quan trọng nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế, rằng hầu hết các gia đình có LĐTE đều khó khăn về kinh tế?
Chính vì vậy phải làm sao để có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em hơn nữa. Trong Luật Trẻ em năm 2016 ghi rõ: Trẻ em là đối tượng được ưu tiên. Ở cấp độ địa phương hay cấp độ quốc gia phải làm sao cho trẻ em được hưởng lợi nhiều nhất các thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những giải pháp chính là tăng cường các chính sách cho trẻ em, thí dụ mở rộng lứa tuổi và diện trẻ em được hưởng chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa.
Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, trong đó có nhưng quy định rất cụ thể về nghiêm cấm LĐTE. Đó có phải là một áp lực lớn với các doanh nghiệp của chúng ta?
Tôi cho rằng đó là những áp lực rất tích cực, vì một khi Việt Nam dám tham gia vào những sân chơi tiến bộ như thế thì tất nhiên phải có sự chuẩn bị tốt nhất và tránh những rủi ro có thể. Các nước có những cơ chế song phương và đa phương để phát hiện các sản phẩm, ngành hàng có sử dụng lao động trẻ em hay không. Hằng năm Bộ Lao động Hoa Kỳ có công bố danh sách các quốc gia mà họ cho rằng có sử dụng LĐTE, trong đó có Việt Nam. Tất nhiên để thống nhất như thế nào là ngành hàng có LĐTE thì cần trao đổi kỹ hơn. Thí dụ như ngành hàng dệt may, chúng ta có những xưởng may sử dụng đối tượng này nhưng hoàn toàn cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhưng các mặt hàng dệt may Việt Nam gia công để xuất sang Mỹ thì không có LĐTE, vì đã có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE là rất lớn. Không ai có thể thay thế được doanh nghiệp trong việc giám sát toàn bộ quy trình sản xuất, các nhà thầu phụ và toàn bộ chuỗi cung ứng của mình. Nếu doanh nghiệp không thực hiện nghiêm ngặt thì sẽ đối mặt nguy cơ vi phạm tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại tiến bộ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần và uy tín của chính mình và rộng hơn, của cả quốc gia. Vấn đề LĐTE bây giờ không chỉ đơn thuần là quyền trẻ em nữa. Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại quốc tế thế hệ mới, trong đó một trong những tiêu chí dễ bị soi xét và bị kiểm soát chặt chẽ nhất là LĐTE, đặc biệt là với những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Chúng ta cần tuân thủ luật chơi chung, nhưng rất buồn là ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, thậm chí các lãnh đạo địa phương chưa có ý niệm rõ ràng về vấn đề này.
Tôi muốn nhấn mạnh, trách nhiệm là thuộc cả ba bên, các cơ quan quản lý nhà nước - bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thế chân kiềng vững chắc đó sẽ tạo thành mạng lưới tốt bảo vệ trẻ em và ngăn chặn sử dụng lao động trẻ em mang tính chất bóc lột.