“Kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên: Ăn cũng phải tập

|

NDO - NDĐT - Nữ kình ngư của Việt Nam, Nguyễn Thị Ánh Viên đã làm dậy sóng đường đua xanh ở Myanmar sau cú hat-trick HCV mà cô giành được trong tổng số tám nội dung đã đăng ký. Sự cần mẫn trong quá trình “luyện vàng” tại Florida (Mỹ) cùng với những hỗ trợ, quan tâm đặc biệt từ Ban huấn luyện chính là những yếu tố đưa cô gái Cần Thơ vươn đến đỉnh vinh quang.

Cô gái “vàng”
Cú hat-trick vàng lần này của Ánh Viên thật ý nghĩa, bởi bên cạnh đó, cô cũng đã lập được một kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m hỗn hợp nữ sở trường trong ngày thi đấu cuối cùng của môn bơi tại nhà thi đấu Wunna Theikdi, Nay Pyi Taw, hôm 16-12 vừa qua. Kế hoạch chinh phục tấm HCV thứ ba tại Đại hội của Ánh Viên có vẻ như dễ dàng được thực hiện khi cô gái 17 tuổi đã dẫn đầu ngay từ lúc xuất phát và kể cả khi chuyển sang bơi ngửa. Có thời điểm Ánh Viên bỏ xa người thứ hai tới 13 giây. Để rồi ở lượt cuối, khi Ánh Viên đang băng băng về đích thì đối thủ Thái Lan còn chưa hoàn thành lượt bể thứ bảy. Thành tích 4 phút 46 giây 16 không chỉ đem lại ngôi vô địch mà còn đưa Ánh Viên vào bảng kỷ lục bơi SEA Games sau khi xô đổ kỷ lục cũ 4 phút 50 giây 88 của Natthanan Junkrajang (Thái Lan) lập tại SEA Games 26. Về nhì sau Ánh Viên tại đường bơi hôm 16-12 là Dewi Ressa Kania với thời gian 4 phút 59 giây 59. Trước đó, trong ngày thi đấu 12-12, cô gái 17 tuổi cũng đã mở đầu thời kỳ lịch sử mới cho bơi lội Việt Nam tại SEA Games khi giành cú đúp vàng (ở các nội dung 200 m hỗn hợp cá nhân nữ với thành tích hai phút 16 giây 20 và 200 m ngửa, thành tích hai phút 14 giây 80) để trở thành tay bơi nữ đầu tiên của Việt Nam vô địch sau 54 năm.

Sớm bộc lộ tài năng
Sinh ra ở miền sông nước Cần Thơ, ngay từ nhỏ Ánh Viên đã bộc lộ tài năng của một “kình ngư”. Dưới sự hướng dẫn của ông nội cùng với lợi thế chiều cao vượt trội so với các bạn cùng trang lứa (cao 1,66 mét và sải tay lên tới 1,8 mét), Ánh Viên đã được Trung tâm Thể dục thể thao quốc phòng 4 (Quân khu 9) tuyển chọn từ năm 10 tuổi. Cũng chính từ cái nôi này, năm lên 14, Ánh Viên đã lọt vào “mắt xanh” của HLV tuyển bơi quốc gia Đặng Anh Tuấn tại giải trẻ toàn quốc vào tháng 7-2010. Vừa mới lên tuyển, Ánh Viên đã giành năm HCV cho Việt Nam tại giải vô địch bơi lội Đông Nam Á được tổ chức tại Singapore. Cô cũng được chọn làm đại diện cho Việt Nam tại Thế vận hội Mùa hè 2012, trong các nội dung 200 mét bơi ngửa và 400 mét bơi hỗn hợp cá nhân. Trước khi tới Myanmar tranh tài, Ánh Viên đã đoạt tổng cộng 142 huy chương các loại (78 HCV, 46 HCB, 18 HCĐ), trong đó có 70 huy chương quốc gia và 72 huy chương quốc tế. Tại Đại hội thể thao trẻ Châu Á lần hai được tổ chức tại Nam Kinh (Trung Quốc) gần đây, Ánh Viên cũng xuất sắc đoạt thêm ba HCV và một HCB.

Chuyện thật như đùa về Thượng úy trẻ tuổi
Với những thành tích đạt được, ngày 22-8 vừa qua, Ánh Viên đã được Bộ Tổng Tham mưu quyết định chuyển chế độ phục vụ từ công nhân viên quốc phòng sang quân nhân chuyên nghiệp và phiên quân hàm cấp Thượng úy. Ngoài ra, cô còn là cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Quân khu 9 và được cử sang Mỹ tập huấn. Tại xứ cờ hoa, Ánh Viên được các chuyên gia của Mỹ tư vấn để đảm bảo đủ năng lượng khoảng 4.000 calo. Cô phải ăn bốn bữa một ngày và mỗi bữa phải ăn hết một kilôgram thịt bò, 50 con tôm, một đĩa mỳ to, một đĩa rau trộn, gần một lít sữa tươi và chưa kể hoa quả các loại.

Chuyện thật mà như đùa! Nhưng theo các chuyên gia Mỹ, bữa ăn của Ánh Viên luôn đặc biệt để đảm bảo đủ năng lượng tập liên tục trong sáu đến bảy tiếng. Thực đơn của Ánh Viên vượt xa và khác hẳn bất cứ vận động viên nào của Việt Nam, tiếp cận tiêu chuẩn dành cho kình ngư nổi tiếng người Mỹ, Michael Phelps, bởi nó được chính các chuyên gia nước này tư vấn dựa trên thực tế đặc điểm cơ thể, nhu cầu tập luyện thi đấu. Nhưng để ăn được như vậy cũng không dễ. Sau một thời gian dài vừa ăn vừa khóc, Ánh Viên phải tập rất nhiều mới ăn được như bây giờ. Để có thể xơi hết một bữa, cô phải nghỉ giải lao vài lần.

Trước đây, chỉ những trường hợp đặc biệt mới có huấn luyện viên riêng trong môn bơi ở Việt Nam. Người nào nhiều nhất cũng chỉ có một chuyên gia huấn luyện. Nhưng Ánh Viên khi tập huấn ở câu lạc bộ St Augustine được tới ba ông thầy kèm cặp. Ngoài huấn luyện viên trưởng đội tuyển bơi quốc gia Đặng Anh Tuấn chịu trách nhiệm quán xuyến chung, còn có hai ông thầy ngoại. Trong đó, một người hướng dẫn Ánh Viên về thể lực còn người kia lo chuyên môn. Nhờ ý chí, sự chịu khó khổ luyện cùng với sự hỗ trợ của bộ ba huấn luyện viên tài ba, cô gái Cần Thơ luôn đáp ứng mọi bài tập ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của các kình ngư trẻ hàng đầu thế giới. Nhiều chuyên gia quốc tế thậm chí còn đánh giá Viên là một trong số ít kình ngư nữ có kỹ thuật bơi ngửa tốt nhất châu lục, bên cạnh các chỉ số hình thể lý tưởng (cao 1,73 mét và có sải tay dài 1,93 mét), sau khi tận mắt chứng kiến hình ảnh cô bơi ngửa với một cốc nước đặt ở giữa trán, và nó không hề nghiêng ngả một chút nào trong thời gian tập cũng như thi đấu cọ xát cùng nhóm vận động viên xuất sắc của câu lạc bộ St Augustine.

Chưa bằng lòng với chính mình
Được đánh giá là một tài năng hiếm có của thể thao Việt Nam, song Ánh Viên rất khiêm tốn. Cú hat-strick vàng giành được tại Myanmar vừa qua là niềm mơ ước của bao vận động viên khác, nhưng Ãnh Viên lại thừa nhận, đây vẫn không phải là kỳ đại hội thành công của cô. “Thành công của tôi tại SEA Games lần này thì cũng có, nhưng chưa được như mong muốn. Tôi muốn số HCV của mình tăng lên con số năm. Tôi sẽ cố gắng tập luyện để được đi dự Olympic trẻ và Asiad. Tôi muốn cải thiện hơn nữa thành tích của mình ở nội dung 200 mét ngửa và 400 mét hỗn hợp”, Ánh Viên chia sẻ.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở SEA Games 27, cô gái vàng của bơi Việt Nam đã cùng với toàn bộ thành viên của đội tuyển về nước hôm qua (17-12). Sau những ngày nghỉ ngắn ngủi bên gia đình ở Cần Thơ, Ánh Viên sẽ tiếp tục lên đường sang tập huấn tại Mỹ vào đầu năm sau. Gọi là nghỉ ngơi nhưng Ánh Viên sẽ dành thời gian cho việc thi lại những môn học văn hóa mà thời gian qua cô vẫn còn nợ do tập huấn liên tục ở nước ngoài.