Quy hoạch đô thị Lý Sơn hướng tới thành phố du lịch quốc tế

|

Ngày 12-7, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi phối hợp UBND huyện Lý Sơn tổ chức Lễ công bố, công khai Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đô thị Lý Sơn.

Quảng Ngãi đề xuất xây dựng mức thu phí tham quan đảo Lý Sơn

Đồ án Quy hoạch đô thị Lý Sơn quy định rõ các chỉ tiêu kinh tế, xã hội được tuân thủ theo Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất đến năm 2045.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, khẳng định, việc lập, phê duyệt đồ án là cần thiết và cấp bách, nhằm xây dựng Lý Sơn phù hợp với chiến lược phát triển biển, đảo của Việt Nam. Lý Sơn sẽ phát triển theo hướng kết hợp cải tạo chỉnh trang với đầu tư xây dựng mới, thu hút nhà đầu tư lớn vào đảo, góp phần làm cho cuộc sống nhân dân Lý Sơn ngày càng tốt hơn.

Theo đó, huyện đảo Lý Sơn sẽ có quy mô diện tích quy hoạch khoảng 1.492ha, trong đó, phần diện tích hiện trạng đảo Lý Sơn hơn 1.039ha và phần diện tích mở rộng liền kề đảo Lý Sơn hơn 452ha.

Về tính chất, Lý Sơn là đô thị biển, một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của quốc gia và của tỉnh, phát triển các loại hình du lịch biển, đảo đặc sắc. Đồng thời là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, trung tâm tránh trú bão và cứu hộ cứu nạn trên biển, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Một góc huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Về tầm nhìn, Đồ án Quy hoạch đô thị Lý Sơn đặt mục tiêu phát triển Lý Sơn trở thành một thành phố du lịch quốc tế với tiêu chí xanh - sạch - đẳng cấp, đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị cốt lõi mang tính độc - lạ - hiếm về văn hóa, khám phá, thiên nhiên, nghỉ dưỡng.

Quy hoạch đô thị Lý Sơn phân ra 7 tiểu khu chức năng để kiểm soát phát triển. Cụ thể, gồm tiểu khu sân bay Lý Sơn và cơ sở hạ tầng; tiểu khu đô thị dịch vụ phía đông; tiểu khu đô thị dịch vụ trung tâm; tiểu khu đô thị dịch vụ phía Tây; tiểu khu du lịch, dịch vụ phía Bắc; tiểu khu đảo Bé...

Theo đó, cần phải xây dựng hệ thống các cơ chế chính sách và mô hình quản lý đô thị có yếu tố đặc thù. Đặc biệt ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa Lý Sơn trở thành đô thị loại IV (giai đoạn 2026 - 2030) và sớm đạt tiêu chí đô thị loại III - đô thị biển, đảo đặc sắc của Quảng Ngãi và của quốc gia trong tương lai.