Không ai được đứng ngoài xu thế

|

Chính phủ điện tử (CPĐT) sẽ trở thành một xu thế tất yếu của xã hội phát triển, Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh quá trình triển khai để sớm hoàn thiện mục tiêu này. Bởi vậy không một ai, không bộ, ngành, địa phương nào có thể cản trở và đứng ngoài xu thế. Đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, chia sẻ cơ sở dữ liệu, chấp nhận thu hẹp lợi ích cục bộ của một số bộ, ngành là quan điểm của khách mời của Nhân Dân hằng tháng để cùng vì mục tiêu: Xây dựng CPĐT, hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số...

Chính phủ đang quyết liệt vào cuộc cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai CPĐT, chính quyền điện tử, vậy còn những bất cập gì cần giải quyết để cải thiện, nhanh chóng hoàn thành mục tiêu chung?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh,

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Theo tôi dù đã rất nỗ lực, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng 6 về chỉ số CPĐT. Nhiều nhiệm vụ còn được thực hiện rất chậm và mang tính hình thức. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển CPĐT tiến độ triển khai còn chậm so yêu cầu; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, mức độ tin cậy của quốc gia trong giao dịch điện tử thấp. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chạy theo số lượng trong khi tỷ lệ hồ sơ thực hiện mới ở mức độ thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc cũng nặng tính thủ công, giấy tờ. Còn cả những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương chưa có đủ thông tin dữ liệu số của các đối tượng mình quản lý. Chúng ta còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT, thiếu quy định cụ thể về xác thực cá nhân, tổ chức trong các giao dịch điện tử cũng như các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính và thanh toán. Chúng ta cũng chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng CPĐT, thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù dự án công nghệ thông tin.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Nội vụ, nguyên Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ: Khai trương được Cổng thông tin quốc gia theo tôi là một bước tiến lớn. Hơn 20 năm nay, chúng ta vẫn nỗ lực cải cách hành chính mà thành tựu chưa được bao nhiêu, có chăng cũng mới chỉ đẩy mạnh được họp giao ban trực tuyến. Cổng thông tin quốc gia thì cơ sở dữ liệu vẫn là quan trọng nhất, từ dữ liệu dân cư, đất đai, quy hoạch... Tập hợp được dữ liệu và công khai thì sẽ đạt hiệu quả tốt... Tôi băn khoăn là chúng ta có chia sẻ và kết nối được cơ sở dữ liệu không, như dữ liệu về đất đai, quy hoạch. Giờ mà người dân được quyền giám sát từng cái giấy phép xây dựng, từng khu vực quy hoạch thì mới phát huy được hết hiệu quả của CPĐT, chứ không cũng chỉ thay vì đến Ủy ban làm các thủ tục giấy tờ, người dân được làm trực tuyến. Nói cơ sở dữ liệu mà không có dữ liệu thì cũng chỉ là nói suông? Tôi nghĩ các dữ liệu như đất đai quy hoạch cũng không dễ để có thể được công bố công khai. Mục đích cuối cùng vẫn là người dân được gì, doanh nghiệp và tổ chức được lợi gì...

TS Trần Kim Liễu - Trường đại học Luật Hà Nội: Hiện nay còn một bất cập là Hiến pháp và Bộ luật Dân sự chưa có quy định cụ thể nào về quyền công dân trong xã hội số hoặc liên quan đến internet, ngoài quy định tại Khoản 1, Điều 119, Bộ luật Dân sự: “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”. Quy định này được đánh giá là rất chung chung, chưa cụ thể. Trong khi đó luật thì vừa thừa vừa trùng lắp, thí dụ chỉ nguyên hướng dẫn chi tiết các nội dung có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đã có tới 20 nghị định và trên 100 thông tư. Đồng bộ hóa hệ thống luật pháp liên quan theo tôi chính là đòi hỏi bức thiết.

Ông Đỗ Viết Mạnh, Giám đốc Trung tâm hành chính công thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh: Ở Móng Cái đang triển khai mô hình thí điểm, chưa có tiền lệ, nên Trung tâm Hành chính công vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Quá trình thực hiện đã lộ ra nhiều vướng mắc, tồn tại như một số quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) của UBND tỉnh do các sở, ngành tham mưu có danh mục nhưng chưa có trình tự, thời gian, biểu mẫu hoặc nội dung đôi khi chưa có sự thống nhất với Luật, Nghị định, Thông tư mà Chính phủ đã ban hành; giải quyết các TTHC liên thông khó khăn do chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị trong các bước giải quyết TTHC, trách nhiệm trong phối hợp theo các quy trình liên thông dọc và liên thông ngang, thời hạn giải quyết ở từng cấp; một số phòng, ban, cơ quan chưa thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời và hướng dẫn đến cấp xã đối với TTHC lĩnh vực ngành phụ trách nên khó khăn trong quá trình cập nhật, áp dụng tại địa phương, nhất là xây dựng và cập nhật lại các quy trình điện tử giải quyết TTHC trên hệ thống phần mềm, kiosk, các cổng thông tin thành phần mỗi khi có sự thay đổi về TTHC... Và đúng là cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch chưa hoàn thiện dẫn đến khó cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, nhất là những lĩnh vực cần phải kiểm tra, xác minh tình trạng, nguồn gốc.

Vậy thì làm cách nào để các bộ, ngành, địa phương bỏ qua lợi ích cục bộ của mình, tích hợp đồng bộ vào hệ thống dữ liệu của CPĐT, thí dụ phải công khai các thông tin về đất đai, quy hoạch?

Ông Thang Văn Phúc: Đồng bộ hóa hệ thống pháp luật là chuyện tất yếu, nhưng còn vấn đề con người cũng rất quan trọng. Đẩy mạnh dịch vụ hành chính công trực tuyến thì các địa phương, bộ, ngành sẽ phải đối mặt với bài toán nhân sự. Nhiều cán bộ công chức viên chức sẽ dư dôi, buộc phải giảm biên chế. Giờ người dân thực hiện các giao dịch hành chính công bằng máy tính, bằng điện thoại và tự mình theo dõi xem hồ sơ của mình đang ở đâu, được thực hiện đến đâu chứ đỡ phải lóc cóc tới tận Ủy ban nhân dân xã, phường để xin xác nhận văn bản khác. Nhưng chúng ta cũng đừng băn khoăn, có thể điều chuyển cán bộ sang doanh nghiệp hoặc ra làm dịch vụ, bây giờ đã có nhiều lựa chọn hơn và cũng là một cơ hội để chọn lựa được những người đủ năng lực, đủ phẩm chất, đáp ứng được đòi hỏi ngày một cao của cuộc sống. Đổi mới là xu thế rồi, ai không theo kịp phải đứng sang một bên thôi...

TS Trần Kim Liễu: Tôi không có thông tin về các địa phương, bộ, ngành, nhưng ở góc độ người nghiên cứu luật, tôi thấy hiện nay có nguy cơ là hầu hết người dân đang sử dụng hộp thư điện tử miễn phí của một số hãng công nghệ lớn trên thế giới. Điều này không chỉ gây thất thu thuế từ hoạt động quảng cáo mà còn tiềm ẩn rủi ro mất an ninh, an toàn cá nhân cũng như an ninh quốc gia. Do đó, cần Hiến định về quyền công dân trong việc tiếp cận, khai thác và sử dụng internet; đồng thời bổ sung các nội dung liên quan đến cơ chế hoạt động của nền kinh tế chia sẻ tại Bộ luật Dân sự, cũng như pháp luật về thương mại điện tử. Chẳng hạn như người dân tham gia phân phối, kinh doanh, bán hàng hóa dịch vụ theo hình thức kinh tế chia sẻ thì các tiêu chuẩn công nghệ bảo vệ quyền lợi, bảo mật dữ liệu, trong đó có thông tin cá nhân, thu nhập cần được quy định cụ thể. Cũng cần nhanh chóng hoàn thiện, hệ thống hóa pháp luật về thương mại điện tử, ngoài Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, hoạt động thương mại điện tử còn bị chi phối bởi rất nhiều văn bản khác như Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh... Khắc phục được những điều này sẽ tạo thêm cơ hội cho người dân và doanh nghiệp sử dụng, tham gia vào hệ thống CPĐT, chính quyền điện tử.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh: Để triển khai CPĐT hiệu quả, chúng ta cần phải phát triển đồng bộ nhiều yếu tố và cần thời gian thử nghiệm, đánh giá và cải thiện chất lượng các giao dịch. Tôi hy vọng với cố gắng trong việc xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo như cam kết của Thủ tướng Chính phủ thì các cấp, các ngành sẽ cùng vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ; tổ chức, cá nhân sẽ tham gia, đồng hành để việc triển khai, xây dựng phát triển CPĐT ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Như tôi đã đề cập thì triển khai CPĐT là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và là con đường để tạo lập phồn vinh cho dân tộc. Bởi thế không ai, không thế lực nào có thể cản trở xu thế này và các bộ, ngành, địa phương cũng không thể vì lợi ích cục bộ của mình mà đứng ngoài cuộc.

Ông Đỗ Viết Mạnh: Từ thực tiễn cơ sở, nơi chúng tôi đang triển khai thì đa số cán bộ phụ trách công nghệ thông tin các đơn vị là kiêm nhiệm nên triển khai phần mềm thuộc đề án chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh khó khăn. Mặt bằng dân trí biết sử dụng công nghệ thông tin và khai thác các tiện ích của CQĐT còn hạn chế. Số lượng tổ chức, doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa nhiều do chưa chủ động tiếp cận, không có thiết bị máy tính, máy scan, điện thoại thông minh, khả năng sử dụng, cập nhật internet thực hiện giao dịch hành chính qua mạng, vẫn có thói quen sử dụng văn bản thủ công đến nộp hồ sơ trực tiếp, thế nên vẫn còn phải nỗ lực nhiều.