Hy vọng "ấm" dần lên

|

Nhiều bãi biển và hải đảo miền trung đã vào mùa du lịch hè, nhưng năm nay, nghỉ hè của học sinh, sinh viên đều muộn, cộng với sự lo lắng đã an toàn chưa? Và những đơn vị du lịch kích cầu thị trường ra sao?

Một mùa nghỉ dài ngoài mong đợi

Câu chuyện được bắt đầu từ vị khách phương xa. Bà Vera cùng chồng là ông Nguyễn Văn Dũng người gốc Việt, sinh sống tại vùng Charleroi (Vương quốc Bỉ) đến Việt Nam hưởng nắng ấm từ đầu tháng 1-2020. Ông bà thuê một căn nhà riêng với giá bảy triệu đồng mỗi tháng bên bờ biển An Bàng (Hội An, Quảng Nam). Những ngày đầu, họ có thể nấu ăn, hoặc đến các nhà hàng quốc tế. Kỳ nghỉ ấm áp dự định kết thúc vào tháng 4, nhưng ông bà đã phải gia hạn vào tháng 7 vì dịch Covid-19 khiến nhiều đường bay thương mại ngừng khai thác: "Tôi nhớ các con của chúng tôi. Chúng cũng lo lắng cho bố mẹ khi ở xa châu Âu mà gần Trung Quốc", bà Vera nói. Tại thời điểm này, nhiều nước châu Âu đang lúng túng giữa gỡ bỏ giãn cách và giãn cách người tắm trên các bãi biển. Bà Vera vui vẻ khẳng định: "Chồng tôi đọc báo, đọc các bài đánh giá và nói với tôi rằng Việt Nam an toàn. Tôi tin chồng tôi".

Hằng tuần, ông Dũng cùng vợ sang thành phố Đà Nẵng mua thực phẩm trong siêu thị. Và mỗi ngày họ ra bờ biển phơi nắng, đếm ngược thời gian. Quan sát cuộc sống, bà Vera cho hay: "Tôi ở đây đã được năm tháng. Tôi có một cảm nhận lạ lẫm. Nó giống như một thước phim. Trước, toàn bộ người Việt Nam đeo khẩu trang như trong bệnh viện. Sau đó, họ bỏ khẩu trang, vỡ òa tiếng cười. Nhiều người địa phương đã thoải mái ra bờ biển, nướng cá, uống bia cùng nhau vào chiều tối. Điều này khiến tôi không còn nghĩ gì về Covid-19".

An toàn đã hiện rõ trong các không gian du lịch ven biển nhưng khách vẫn chưa đến, bờ cát vắng bước chân, đến "nhà nghỉ lồng bè" cũng... mốc! Anh Trần Huỳnh Văn Dương nuôi tôm ở đảo Bình Hưng (Cam Ranh, Khánh Hòa) phàn nàn: "Mùa này những năm trước, khách ra đảo rất đông. Họ còn trẻ, thích trải nghiệm ăn trên bè, ngủ trên bè mát mẻ. Mỗi cái võng cho thuê với giá 50 nghìn đồng qua đêm. Thu nhập từ du lịch cũng tàm tạm".

Dịch vụ chèo đò, thuê thuyền bơi, đồ lặn ngắm san hô cứ nghỉ ngơi chơi dài. Trước có người nọ, người kia lui tới, không nói về tiền, về thu nhập mà nói về nhịp sống ở đảo, anh Dương bình luận: "Có khách ra, mình hời. Nhìn thôi... cũng đủ vui rồi. Giờ mà họ ra đây, tôi miễn phí luôn cái võng. Ăn hải sản tươi ở đây thì vô cùng rẻ luôn".

Chị Nguyễn Thị Nhung nhân viên buồng phòng của resort S. nằm ven biển Phú Yên cho biết: "Chỉ còn mỗi bảo vệ là làm đầy đủ các ca. Chúng tôi vẫn đang tạm chia ngày làm, ngày nghỉ". Bên bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng nhiều nhà hàng vẫn đóng cửa nghỉ... dài! Khác với mọi năm, đây là thời điểm các nhà hàng "bung" hết công suất. Năm trước, con đường ven biển cũng khá tấp nập với xe cộ nối dài, người tắm biển qua đường không ngưng nghỉ. Năm nay, điều đó chưa xảy ra. Biển như một bãi tắm mới. Hoàn toàn chưa có hoạt động vui chơi gì.

"Mọi con đường" đều giảm giá

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả các dự tính, làm sụp đổ các phương án đề ra của doanh nghiệp làm du lịch. Sau giãn cách xã hội, trạng thái "ngủ đông" du lịch đang cần một động thái vẫy gọi cũng như cam kết an toàn. Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông gần đây, nhiều tỉnh thành đã bổ sung cho ngành du lịch những tính từ: "lan tỏa, ấn tượng, thổn thức, ngất ngây... cảnh đẹp", mà đến người địa phương nghe cũng còn khó hiểu. Thực tế, cần thấp giọng, nói ra nỗi niềm, chứ không phải "trao" thêm "thương hiệu" cho nó.

Show diễn "Ký ức Hội An" vào cuối tuần giảm giá vé 50% từ tháng 6 đến hết tháng 9. Điểm qua các báo cáo du lịch, con số kinh doanh sụt giảm hơn 90% trong những ngày nghỉ lễ đầu hè năm nay. Tuy nhiên, đây là cơ hội cho người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Bà Nà Hills giảm giá vé đến 60% cho 19 tỉnh miền trung và Tây Nguyên. Tại đây, công tác vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khu du lịch được triển khai rốt ráo, việc giãn cách, số lượng khách tại từng khu vực và trên ca-bin cáp treo được khống chế, du khách trước khi vào cổng khu du lịch cũng được đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn... Ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc Sun World Ba Na Hills, cho biết: "Việc đón khách trở lại tại thời điểm này hướng đến mục tiêu tái khởi động thị trường du lịch trong nước, đáp ứng nhu cầu của những du khách mong muốn được xả hơi".

Về phía các cơ sở kinh doanh ven biển, họ đã phải làm gì? Chủ Homestay Sông Đò (Hội An), cho biết: "Gửi mail cho tất cả các khách hàng đã từng lưu lại homestay trong những năm trước, cảm ơn và chia sẻ thông tin các gói sản phẩm hỗ trợ. Gửi mail cho các hãng lữ hành trong nước. Khách ra về sẽ được tặng voucher ưu đãi đặc biệt cho người thân khi đặt phòng kế tiếp tại homestay".

Khó mà nói hết được những động thái giảm giá, thêm nhiều dịch vụ đi kèm như massage chân, giao lưu ẩm thực, giảm và giảm tiếp giá phòng cho khách ở nhiều ngày. "Bức tranh" về khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn rất mơ hồ, khó dự đoán. Ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Công ty dịch vụ Du lịch Hoa Hồng (Hội An) cho biết: "Nhà hàng đã chuyển đổi các món ăn thuần Việt, đậm đà hương vị đặc sản địa phương mang đến sự trải nghiệm cho du khách. Ngoài yếu tố an toàn sức khỏe, cung cấp thực dưỡng sạch cho khách thì sản phẩm dịch vụ luôn luôn được giữ chất lượng bảo đảm tốt nhất. Vì khách Việt tương đồng về ngôn ngữ nên chăm sóc khách hàng phải luôn được quan tâm, phục vụ làm sao vừa lòng khách đến và vui vẻ lúc đi là mục tiêu hàng đầu".

Trong khi cả thế giới đang thực hiện giãn cách hoặc mở cửa từng phần thì ở Việt Nam đã khởi đầu các trận đấu bóng đá, khán giả vào sân trên vạn người. Ngành du lịch cũng đã khởi động lại với những "gói" kích cầu thiết thực. Đánh giá tình hình, ông Lê Quốc Việt, CEO Hoteljob (Hội An) cho biết: "Thị trường nội địa chắc chắn sẽ sớm phục hồi do nhu cầu du lịch, đi lại của người dân vẫn cao, chỉ cần an toàn là dân sẽ tiếp tục đi du lịch. Sắp tới, mặc dù năm nay bị ảnh hưởng bởi lịch học đảo lộn của học sinh, nhưng vẫn sẽ có nhiều gia đình, công ty đi du lịch. Hy vọng sẽ "ấm" dần lên...".

Người đang muốn đi nghỉ, người cần việc làm, cả hai đang trong những ngày chờ đợi nhau. Việt Nam đã an toàn nhưng nơi khác chưa an toàn thì dòng người vẫn chưa thể lưu chuyển, hưởng thụ.