Sự ủng hộ đó được cụ thể hóa từ những tin nhắn tới tổng đài 1407, những khoản tiền chuyển vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, những món hàng thiết yếu gửi tới các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch... Sự sẻ chia, yêu thương, thấu hiểu ngày càng lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tạo nên hiệu quả bước đầu của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, đúng như chia sẻ của đồng chí Hầu A Lềnh (ảnh bên), Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
Kể từ khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lễ phát động "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19" ngày 17-3, tới thời điểm này số tiền, hàng ủng hộ, đăng ký ủng hộ đã rất lớn và theo dự tính còn tăng lên nhiều nữa. Việc phân bổ được tiến hành thế nào, thưa đồng chí?
Thực hiện chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, sau khi thống nhất với Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành lễ vận động quyên góp ủng hộ. Mặt trận đã làm việc với các cơ quan trung ương như Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ mở tổng đài nhắn tin trên cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1407, song song đó là mở các tài khoản và công bố công khai số tài khoản. Ngoài ra còn tổ chức các địa điểm để trực tiếp tiếp nhận ủng hộ từ người dân, doanh nghiệp...Trên cơ sở các nguồn ủng hộ, ngay sau lễ phát động, MTTQ đã thống nhất với các bộ, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số bộ, ngành khác về nội dung, đối tượng, hình thức phân bổ. Về nguồn hàng do Mặt trận tiếp nhận trực tiếp, cơ bản đã phân bổ xong các nguồn ủng hộ tới trước ngày 10-4 tới các đơn vị. Các doanh nghiệp đăng ký nhưng chưa chuyển hàng thì Mặt trận đề nghị bộ, ban, ngành giới thiệu để doanh nghiệp chuyển trực tiếp hàng hóa tới các địa chỉ theo yêu cầu. Về nguồn tiền có hai hình thức.
Thứ nhất, nguồn đóng góp trực tiếp vào tài khoản của Mặt trận, Mặt trận quản lý và trên cơ sở căn cứ vào đề xuất của các bộ, ngành trong Ban Chỉ đạo quốc gia, Mặt trận chuyển tiền vào tài khoản các cơ quan nói trên để các cơ quan này là đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn tiền đó mua hàng hóa, sắm sửa trang thiết bị phục vụ chống dịch theo nguyên tắc đã được thống nhất. Thứ hai, một số doanh nghiệp đăng ký thông qua MTTQ nhưng chỉ rõ địa chỉ bộ, ngành tiếp nhận mà chủ yếu là Bộ Y tế, Mặt trận sẽ làm thủ tục xác nhận và doanh nghiệp chuyển thẳng tiền đến cơ quan bộ. Tính đến ngày 8-4, Tập đoàn Vingroup đã chuyển ủng hộ 100 tỷ đồng mua sắm thiết bị y tế đến Bộ Y tế, hệ thống ngân hàng đăng ký ủng hộ 140 tỷ đồng mua thiết bị y tế, Mặt trận cũng đã giới thiệu tài khoản để phía các ngân hàng chuyển thẳng đến Bộ Y tế. Đến thời điểm này (ngày 8-4-PV), từ tài khoản của Mặt trận đã chuyển tới Bộ Y tế 150 tỷ đồng và dự kiến chuyển tiếp luôn 100 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ thông qua tin nhắn 1407 ngay khi Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển cho MTTQ. Trong thời gian tới, tiến độ phân bổ nguồn tiền, hàng ủng hộ vẫn duy trì nhanh chóng như thế, MTTQ cam kết chuyển tiền ngay cho các đơn vị theo đề xuất khi các cơ quan như Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an xác định danh mục, nội dung, địa chỉ...
Mặc dù người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội đang căng sức, chật vật đối phó với dịch bệnh, nhưng khi được vận động, các cá nhân tổ chức đều không tiếc tiền của, "tùy theo sức của mình"chung tay đóng góp. Rất nhiều câu chuyện cụ thể mà truyền thông, mạng xã hội đăng tải những ngày qua đã lan tỏa hiệu ứng tích cực, đồng thời chứng tỏ, mỗi người dân đều không tiếc công, tiếc của, sẵn sàng chia sẻ với Nhà nước, với xã hội nếu có niềm tin rằng công và của của mình được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, minh bạch?
Yêu nước, đoàn kết tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta đã được thử thách, tôi luyện qua hàng nghìn năm lịch sử. Bắt nguồn từ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Đảng, Chính phủ đã đưa ra quyết sách kịp thời đúng đắn, có những hành động cụ thể thuyết phục, đặt mục tiêu tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của nhân dân lên hàng đầu, thậm chí sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế; người dân tiếp nhận được thông tin về dịch bệnh, biện pháp phòng chống dịch đầy đủ, minh bạch, nhanh chóng...Tất cả yếu tố đó đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ và từ tin yêu, người dân đã nhiệt tình chia sẻ, ủng hộ. Truyền thống tương thân tương ái càng được phát huy khi Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị lắng nghe tâm tư nguyện vọng, chăm lo cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả và kết quả là đã tạo nên những thành công bước đầu trong công cuộc phòng, chống dịch mà toàn xã hội cũng như bạn bè quốc tế đều ghi nhận.
Chính phủ đã cam kết Không một người dân nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch. Cam kết này đã được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực thời gian qua. Tuy nhiên, trong số những thành phần chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh phức tạp, có cả khối doanh nghiệp, lực lượng mà dù đang gặp khó, vẫn dốc sức dốc tiền của ủng hộ nguồn lực chống dịch. Vậy Mặt trận Tổ quốc, với vai trò của mình, có kiến nghị, đề xuất hay sáng kiến gì để hỗ trợ trở lại cho doanh nghiệp, giúp họ giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh?
Rất nhiều thành phần trong xã hội chịu tác động từ dịch bệnh mà Chính phủ đã đưa ra sáu nhóm đối tượng: hộ nghèo, cận nghèo, người lao động bị mất việc làm, các hộ kinh doanh cá thể, các hộ sản xuất nhỏ, gia đình có công với cách mạng... cần được hỗ trợ ngay để bảo đảm cuộc sống, duy trì mức chi tiêu tối thiểu. Các nhóm đối tượng này đang được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai gói hỗ trợ từ nguồn ngân sách. Cộng đồng doanh nghiệp cũng chịu tổn thất vô cùng nặng nề.
Đoàn viên, thanh niên Báo An ninh Thủ đô phối hợp Công ty TNHH Bell Đức
phát miễn phí 5.000 chai nước rửa tay diệt khuẩn phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài dịch bệnh còn thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. MTTQ mong muốn Chính phủ, các bộ, ban, ngành địa phương tập trung lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp kịp thời. Chính phủ đã giao các bộ, ngành xây dựng chính sách, có chính sách rồi cần đẩy nhanh tiến độ, tổ chức triển khai hết sức đồng bộ. Trước mắt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hỗ trợ người lao động, giữ chân người lao động để dễ dàng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch. Các hệ thống chính sách về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, miễn giảm lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế phải được triển khai song song với công tác phòng chống dịch. Lo nhất vẫn là việc chậm chễ, rề rà trong thủ tục; cũng như phải xây dựng được công cụ để kiểm soát đối tượng kê khai, đối tượng cần hỗ trợ sao cho chính xác, tránh chuyện lợi dụng chính sách trục lợi hay hình thành lợi ích nhóm trong thực hiện chính sách. Phải bằng mọi cách giúp chính sách đến đúng nhóm đối tượng theo quy định, tránh tuyệt đối việc thất thoát ngân sách nhà nước. Chính phủ, các bộ, ngành phải làm đồng bộ cả các khâu xây dựng chính sách, triển khai thực hiện và giám sát thực hiện mới đáp ứng được đòi hỏi sát sườn từ cộng đồng doanh nghiệp.
Từ thực tiễn cuộc sống trong thời điểm cả nước "chống dịch như chống giặc" có thể thấy, từ le lói tư tưởng kỳ thị, thậm chí kỳ thị với cả những người ở tuyến đầu chống dịch, cộng đồng đã ngày càng nhân văn, thấu hiểu và vị tha hơn, và điều đó sẽ giúp cuộc chiến của cả nước bớt đi phần gian khó, thưa đồng chí?
Đúng là đã xuất hiện yếu tố kỳ thị với người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước tránh dịch, người nước ngoài ở Việt Nam, với các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Nhưng trạng thái tình cảm ấy cơ bản đã qua, chỉ le lói vào thời gian đầu, còn hiện tại xã hội đã hình thành sự nhận thức đầy đủ hơn, đùm bọc tốt hơn thông qua công tác tuyên truyền giải thích. Xã hội đã ngày càng yêu thương, thấu hiểu, sẻ chia. Câu chuyện về các cụ ông, cụ bà trích từ đồng tiền ít ỏi của mình góp cho quỹ phòng, chống dịch, người dân nghèo mua gạo, thực phẩm gửi tới các địa điểm cách ly tập trung, các em nhỏ mổ lợn tiết kiệm quyên góp, hay những cá nhân không đóng góp bằng tiền thì gọi điện cho cơ quan Mặt trận đề nghị đóng góp bằng sáng kiến, có những thanh niên tha thiết muốn được tham gia các công việc cần đến sức người, sức trẻ, sự xả thân của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, cả sự ủng hộ của người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài đều là nghĩa cử cao đẹp được thể hiện rõ nét trong những ngày cả nước chung tay phòng chống dịch.
Sự vào cuộc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ cho chính người Việt trong cộng đồng, gây dựng phong trào may khẩu trang, tổ chức bữa ăn tặng cho lực lượng chống dịch nơi cộng đồng người Việt sinh sống, có những hành động cụ thể ủng hộ cuộc chiến chống dịch trong nước, quyên góp tiền hàng gửi về, chứng tỏ Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát huy tác dụng và hiệu quả rõ rệt.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!