Trong số hàng trăm nghìn người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Pháp, nhiều gia đình có “hai quốc tịch và văn hóa”. Việc giữ gìn tiếng Việt, truyền thống Việt Nam trở nên rất khó khăn, nhất là đối với thế hệ hai và ba sinh trưởng tại đây, hoặc lớp trẻ sang đây học tập, lập gia đình với người Pháp. Cùng gia đình, các thành viên ít có điều kiện chia sẻ, trò chuyện với nhau do không thật sự hiểu và nói được tiếng Việt. Niềm mong ước của nhiều người là được quây quần cả nhà kể câu chuyện ngày Tết, chúc Tết bằng tiếng Việt đã thành hiện thực khi những lớp học ngôn ngữ này được thành lập.
Tới thăm Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, từ cửa, chúng tôi đã thấy tiếng các em nhỏ học về chủ đề gia đình. Dù một số còn chưa nói trôi chảy, các em có thể kể về ông bà, bố mẹ ở đâu và đang làm gì. Những mái tóc đen xen lẫn tóc vàng cùng nhìn lên bảng đọc theo cô giáo: “ông bà”, “bố mẹ”, “chúc mừng năm mới”... Hồng Ly, 10 tuổi, giọng rất hào hứng kể về thành tích học tiếng Việt: “Sau bốn năm theo học tiếng Việt ở đây và ở nhà với mẹ, cháu rất vui vì được nói nhiều tiếng Việt với các bạn. Khi ở trường cháu cũng rất hào hứng khi khoe với các bạn Pháp là về Việt Nam ăn Tết ra sao. Hay hơn là cháu biết chúc Tết như thế nào”.
Cậu bé Henri, chín tuổi, mới chỉ nói mấy câu đơn giản như “cháu tên là...”, “đến Việt Nam hai lần”, “thích bánh chưng...”, nhưng rất thích đến lớp học tiếng Việt. Ở nhà chỉ có mẹ thỉnh thoảng nói nên em không hiểu được. Đến đây được cô giáo giải thích, được nói tiếng Việt với các bạn nên Henri biết quê mẹ ở chỗ nào, Tết vui ra sao.
Đang dở câu chuyện với Henri, tôi nghe lớp bên cạnh vang giọng ngọng nghịu đọc bài thơ: “Trên trời mây trắng như bông/Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/Mấy cô má đỏ hây hây/Đội bông như thể đội mây về làng”. Hóa ra lớp này dành cho người Pháp tầm thanh niên, trung niên. Họ đến đây học tiếng Việt để hiểu hơn về Việt Nam, để có thể trò chuyện với vợ hoặc chồng người Việt.
Anh Jérôme, một học viên cho biết: “Con tôi đến đây học tiếng Việt vì vậy tôi theo học để có thể nói chuyện với vợ con và quan trọng hơn là để con tôi biết về văn hóa Việt Nam. Giờ đây, mỗi khi dự các ngày lễ hội hay Tết, tôi cảm thấy như về nhà mình, được hòa cùng những nét văn hóa đặc sắc. Tết của Việt Nam đặc biệt từ cách chuẩn bị tới các tục lệ. Tôi rất vui khi thấy con mình biết chúc Tết mọi người bằng tiếng Việt”.
Đây là những lớp học do Hội Tre Xanh tổ chức từ năm 2010 theo ý tưởng của bà Kiều Thu, một Việt kiều có nhiều năm gắn bó với hoạt động thiếu nhi và dạy tiếng Việt. Tên “Tre Xanh” được lựa chọn như muốn nói sự dẻo dai, vững chãi kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Chị Khánh Linh, có hai con 11 và 9 tuổi đang theo học tiếng Việt, chia sẻ: “Tôi nghĩ tới việc dạy con học tiếng Việt ngay từ khi lập gia đình. Con phải biết tiếng Việt mới cảm nhận được văn hóa Việt, mới hiểu và nhớ nguồn gốc là Việt Nam”. Còn theo chị Trinh Lan, các cháu sinh ra ở Pháp phải biết tiếng Việt mới tham gia, hòa nhập được cộng đồng Việt, hiểu hơn văn hóa Việt, gắn kết với gia đình, đất nước. Không gì tốt hơn là thông qua học tiếng Việt để nói về ý nghĩa của các lễ hội truyền thống. Giờ con của chị rất háo hức chờ Tết đến để tham gia các trò chơi ngày xuân cùng các bạn.
Nhớ lại những lúc khó khăn từ việc tổ chức cho tới duy trì các lớp học, bà Kiều Thu cho biết, để có được kết quả như bây giờ là cả quá trình đầy quyết tâm của các thầy, cô giáo và phụ huynh, sự say mê của học viên cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp. Niềm vui lấp lánh trong ánh mắt, bà Thu chia sẻ: “Chúng tôi đều nghĩ rằng dù các cháu học văn hóa Pháp nhưng cũng phải nhớ đến nguồn gốc tiếng Việt. Qua tiếng Việt, các cháu biết văn hóa Việt, cội nguồn của bố hoặc mẹ và cũng là của các cháu”.
Dạy các em học tiếng Việt, học hát, học đàn dân tộc... để truyền lại những thuần phong mỹ tục của Việt Nam, đó cũng chính là tâm nguyện của những người con nơi xa quê hương. Đối với họ, giá trị văn hóa truyền thống chính là sức mạnh để tạo nên cộng đồng đoàn kết, biết thương yêu đùm bọc nhau, vừa hướng về nguồn cội, vừa hội nhập cuộc sống nơi đây.
Không khí chuẩn bị đón Tết năm nay đến sớm hơn ở Tre Xanh. Trong lớp học hát và múa, các em nhỏ vẫn miệt mài luyện đàn tranh, tập bài hát “Tết đến rồi” để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn Tết. Những âm thanh thân thương vang xa làm ấm lòng những người xa quê luôn hướng về Tổ quốc.