Hành trang hội nhập

|

Nếu tìm từ khóa để nói về kinh tế Việt Nam năm 2015 và cả năm 2016, chắc chắn từ hội nhập là lựa chọn số một. Nhưng để đo mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt trong sân chơi toàn cầu, sẽ thấy, hành trang của họ vẫn cần được bổ khuyết rất nhiều.  



Cánh cửa rộng mở

Năm 2015 là một năm đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam, khi mà hàng loạt hiệp định thương mại tự do với những thị trường lớn và quan trọng hàng đầu thế giới được ký kết. Khép lại một năm đầy ấn tượng cũng bởi dấu mốc quan trọng - một cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được chính thức hình thành.

Nếu ví hội nhập là bơi ở đại dương thì các hiệp định thương mại chính là những dòng sông mở lối ra biển cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thế nhưng, nắm bắt được cơ hội không dễ. Điều này là một trải nghiệm thực tế. Việt Nam từng rất trông chờ vào sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cách đây gần 10 năm. Tuy nhiên, các báo cáo kết quả thực thi WTO đều cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và nền kinh tế cũng không bùng nổ như kỳ vọng. Ngay cả với những hiệp định thương mại trong khu vực ASEAN đã có hiệu lực cách đây nhiều năm thì tỷ lệ hàng Việt Nam sang các nước tận dụng được các ưu đãi giảm thuế quan còn rất khiêm tốn.

Như vậy, trong hành trình hội nhập thời gian tới, trước những cơ hội mở ra, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần chuẩn bị hành trang những gì?

Trước hết, cần hiểu biết chính xác về các cam kết hội nhập, từ đó có sự chuẩn bị đầy đủ, chính xác và kịp thời để tận dụng các cơ hội từ các cam kết. Tuy nhiên, các điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thời gian qua cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp thật sự quan tâm và hiểu biết cặn kẽ về các cam kết này còn quá ít. Họ thiếu sự chủ động chuẩn bị cho giai đoạn thực thi các hiệp định thương mại quan trọng này.

Có nhiều lý do nhưng phải kể đến trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo nên chiến lược bài bản để cung cấp và trang bị thông tin cho doanh nghiệp, thiết lập cơ chế cung cấp thông tin bắt buộc. Đây phải được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong một vài năm tới đây.

Sự đồng hành của Nhà nước

Việt Nam rõ ràng đã đi được một bước dài khi người dân được quyền tự do kinh doanh, dần chuyển từ tư duy quản lý mang đậm tính cấp phép, xin cho, sang tư duy trao quyền, khuyến khích tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 vừa qua đã thể hiện rõ điều này.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực ASEAN và nhất là những quốc gia mà Việt Nam đang đàm phán các hiệp định thương mại mới, mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh của Việt Nam với các nước vẫn còn có khoảng cách rất xa.

Sức ép của hội nhập, cạnh tranh trở thành mệnh lệnh sống còn. Tuy nhiên, làm sao cạnh tranh khi nộp thuế tốn hơn 700 giờ, trong khi doanh nghiệp các nước chỉ mất hơn 100 giờ mỗi năm? Thật khó để hàng hóa từ Việt Nam tạo được lợi thế khi thủ tục thông quan thông thường mất 3-4 ngày, trong khi nhiều nước tính theo giờ đồng hồ… Đó là chưa tính đến những phiền hà, trục trặc từ sự nhũng nhiễu, các khoản chi không tên, những rủi ro rất dễ đến từ sự hành xử tùy tiện của những công chức trong bộ máy nhà nước.

Liên kết của các doanh nghiệp

Muốn “ra biển xa” thì phải có thuyền lớn, trong khi doanh nghiệp Việt Nam hầu hết chỉ như những con thuyền bé tí ti. Do vậy, tăng cường liên kết là một yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây trước hết là nhu cầu tự thân của chính các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, tính liên kết kém lại đang là một đặc trưng, là điểm yếu cố hữu mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải.

Muốn nâng uy tín, tăng sức mạnh, cải thiện khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế thì các doanh nghiệp cần liên kết. Các hiệp hội doanh nghiệp, thiết chế quan trọng để liên kết các doanh nghiệp, hoạt động đang rất hạn chế và đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cải thiện hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp do vậy là một nhu cầu bức thiết, là một giải pháp quan trọng để tăng cường tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam.

Khoảng cách giữa quyết định hành chính của nhà nước và quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cần được rút ngắn. Để lọt vào nhóm ASEAN 4, thủ tục hành chính cũng phải cạnh tranh được với các nước về mức độ thuận lợi và chuyên nghiệp.