Sóng cả không ngã tay chèo

|

Hiệp ước chống biến đổi khí hậu được toàn thể các nước tham gia đàm phán tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP-21) ở Paris (Pháp) chấp thuận ngày 12-12-2015 trong bầu không khí hân hoan. Đây là lần đầu chính phủ 195 nước hợp tác cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.

Thế giới coi đây là thỏa thuận lịch sử vì trong 20 năm kể từ 1995 - năm diễn ra COP-1 tại Berlin (Đức), không ít lần các nhà đàm phán tay trắng ra về. Do có quá nhiều bất đồng, COP-15 tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009 thất bại ê chề, khiến ngay cả người vững tin nhất lung lay ý chí. Trong khi biến đổi khí hậu gây hậu quả nhãn tiền như thiên tai, suy giảm đa dạng sinh học, nước biển dâng..., tại COP-17 ở Durban (Nam Phi) năm 2011, thế giới thêm một lần lỡ cơ hội, không đạt thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto.

Kết quả COP-20 ở Lima (Peru) năm 2014 cũng “khiêm tốn” khi không đi tới thỏa hiệp cắt giảm khí thải. Các nước đang phát triển cho rằng chính các nước giàu từng sử dụng nhiều nhiên liệu phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính nên phải chịu trách nhiệm lớn hơn; trong khi các nước phát triển khăng khăng một số nước đang phát triển sử dụng lượng than đá quá lớn nên phải cắt giảm nhiều hơn.

Nhưng “chẳng vì sóng cả mà ngã tay chèo”, sau nhiều năm và sau những nỗ lực đến tận phút chót, các nhà đàm phán đạt đồng thuận tại Paris, tạo khuôn khổ có tính ràng buộc cho quá trình hành động chung. Thỏa thuận bảo đảm sự nóng lên toàn cầu không quá 2 độ C vào năm 2100 so thời kỳ tiền công nghiệp, nỗ lực hạn chế mức tăng ở ngưỡng 1,5 độ C; đặt mục tiêu giảm khí thải từng nước, rà soát lại mục tiêu; minh bạch hóa việc thực hiện cam kết; quy định nghĩa vụ tài chính, theo đó các nước giàu hỗ trợ nước nghèo chuyển đổi sử dụng năng lượng và ứng phó thảm họa thiên nhiên, khuyến khích nước phát thải lớn đóng góp tài chính...

Sóng gió tạm yên. Động lực quan trọng để hợp sức trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hình thành. Dù là bước khởi đầu và còn không ít “đá ngầm” trong hành trình sắp tới, cái kết lạc quan tại COP-21 cho thấy thiện chí, tinh thần trách nhiệm và sự gắn kết của cộng đồng quốc tế nhằm biến thách thức thành cơ hội, tạo dựng niềm tin, thắp lên hy vọng về tương lai phát triển bền vững.