Bình yên Nến và Hoa

|

Sáng 14-11, từ Điện Ê-li-dê, Tổng thống Pháp P. Ô-lăng-đơ khẳng định, khủng bố Pa-ri đêm 13-11 “là hành động chiến tranh… chống lại những giá trị mà chúng ta bảo vệ, được chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức ở nước ngoài, có sự thông đồng của những cá nhân ở Pháp”. Năm 2015 qua đi và có lẽ chưa bao giờ phòng, chống khủng bố lại mang tính toàn cầu và đặt trách nhiệm lên mọi quốc gia như hiện nay.

Chính sự mong manh của các đường biên giới tỷ lệ thuận với sự gắn kết chặt chẽ của khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, các thách thức an ninh phi truyền thống, đã khiến trách nhiệm cộng đồng quốc tế ngày càng lớn. Nổ bom tại ngôi đền linh thiêng giữa Băng-cốc, đặt bom máy bay Nga trên bầu trời Ai-cập… tất cả đã chứng tỏ, không quốc gia, dân tộc nào có thể chủ quan khi láng giềng, đối tác, bạn bè mình bất ổn.

Chủ nghĩa khủng bố do các nguyên nhân: mặt trái của toàn cầu hóa, đói nghèo, chiến tranh; chính trị hóa, chủ nghĩa cực đoan dân tộc và tôn giáo… ở một khía cạnh, cũng làm khái niệm bạn - thù, đối tác - đối thủ trong liên kết an ninh toàn cầu, mang những sắc thái mới, không phân biệt giàu - nghèo, phát triển hay đang phát triển, nước lớn hay nhỏ. Mát-xcơ-va đã chia sẻ nỗi đau với Pa-ri bằng lời cam kết của Tổng thống Pu-tin: “Chúng tôi sẽ truy tìm mọi ngóc ngách trên thế giới và trừng phạt chúng”. Dẫu còn nhiều bất đồng, Điện Krem-li và Nhà trắng đã đi tới thỏa thuận phối hợp chống khủng bố và nhất trí, tương lai Tổng thống Át-xát và hòa bình Xy-ri do chính người dân Xy-ri quyết định...

Hình ảnh chiến sĩ cảnh sát Thủ đô tuần tra bằng xe đạp được nhiều người dân đánh giá là thân thiện, gần gũi, thể hiện văn minh đô thị.Ảnh: HỒNG PHÚ



Theo thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia Việt Nam, năm 2015 trên thế giới đã xảy ra hơn 700 vụ khủng bố, làm hơn 8.500 người chết, gần 10.000 người bị thương. Khủng bố có mặt ở hầu khắp các nước, châu lục, đặc biệt ở I rắc, Áp-ga-ni-xtan, Ai Cập, Xy-ri, Li-bi, Thái-lan, Xô-ma-li, Phi-li-pin, I-xra-en, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Mỹ… Thật giật mình khi các mục tiêu tiến công thường là: trụ sở ngoại giao nước ngoài; trụ sở chính quyền; cơ sở tôn giáo; địa điểm công cộng (nhà ga, trung tâm thương mại, sân vận động, khách sạn, nhà hàng, nhà hát…).

Việt Nam là điểm đến bình yên nhưng đằng sau yên bình đó là bộn bề công tác an ninh phức tạp, lặng thầm. Báo chí Mỹ mới đây đã công bố hồ sơ cáo buộc Việt Tân liên quan khủng bố giết người, buôn bán ma túy. Mấy ai biết suốt thập kỷ 80 của thế kỷ trước, chúng ta đã bắt, xử lý hàng trăm kẻ khủng bố, thu giữ hàng chục tấn thuốc nổ, đạn dược của Mặt trận Hoàng Cơ Minh và đảng Việt Tân phục vụ mục tiêu khủng bố chính trị. Chúng ta đã yêu cầu xét xử vụ khủng bố Đại sứ quán Việt Nam ở Thái-lan, Phi-li-pin năm 2001. Đó còn là những tổ chức phản động đứng sau bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001, 2004; bạo loạn ở Mường Nhé năm 2011; lợi dụng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép để kích động bạo loạn ở Hà Tĩnh, Bình Dương… năm 2014 - tất cả đều được xử lý tại chỗ, không để lây lan…

2015 là năm thành công to lớn của ngoại giao đa phương, của các sự kiện đối nội, đối ngoại lịch sử, cho thấy nỗ lực và thành tựu của cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp của công tác an ninh. Đáng mừng, trong năm 2015, Việt Nam chưa xảy ra vụ khủng bố nào do cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện, cho dù đã ghi nhận ba vụ tung tin có bom đe dọa an ninh hàng không, tám vụ vận chuyển trái phép vũ khí qua đường hàng không. Cả năm có 48 vụ nổ tại 31 địa phương làm chết 29 người, đáng lưu ý là 10 vụ nổ mang tính chất khủng bố, ảnh hưởng đến trị an. Cơ quan an ninh tại TP Hồ Chí Minh đã khám phá một vụ âm mưu đặt vật dụng giả thiết bị nổ gây bất ổn xã hội. Cơ quan chức năng kết luận hầu hết các vụ đều do trả thù cá nhân, không có mục đích khủng bố chống chính quyền.

Thực hiện đường lối độc lập tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước, “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Luật Phòng, chống khủng bố và các văn bản pháp luật liên quan, Bộ Công an tiếp tục “chuyển từ tham gia sang chủ động, tích cực đóng góp, đề xuất các ý kiến” tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam đã đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, chủ động ngăn chặn từ xa âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lưu vong chống phá Nhà nước Việt Nam. Mỗi năm chúng ta đã cử hàng trăm lượt cán bộ đi học tập ở nước ngoài; mời chuyên gia đào tạo, chia sẻ thông tin về khủng bố, ma túy, mua bán người, quản lý xuất nhập cảnh, an ninh hàng không, khoa học hình sự… Thông qua đối thoại, hợp tác quốc tế, đối ngoại an ninh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành hữu quan xử lý các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo với các nước phương Tây, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan của Liên hợp quốc trên tinh thần xây dựng, tôn trọng sự khác biệt, từ đó cho họ thấy rõ những thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, xây dựng nhà nước pháp quyền...

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam T.Ô-xi-ớt trong một lần trả lời báo chí đã kể lại ấn tượng về hai chữ “bạn bè” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi mô tả mối quan hệ Việt-Mỹ trong “chuyến thăm lịch sử” tháng 7-2015 - chuyến thăm góp phần tăng cường lòng tin chính trị giữa hai nước. “Bạn bè” theo cách hiểu của ông Đại sứ, 20 năm trước nằm trong số những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên tới Hà Nội sau bình thường hóa quan hệ, “là một từ vô cùng quan trọng, thể hiện sự tin cậy, xây dựng mối quan hệ bằng cách đối thoại với con người, xây dựng lòng tin giữa những con người”.

Đó là kết quả của một quá trình bình thường hóa lâu dài, gian khổ để chứng tỏ hai quốc gia có chế độ chính trị khác nhau vẫn có thể vượt qua khác biệt, chấp nhận, hợp tác vì lợi ích chung. Tháng 6-2008, trong chuyến thăm cấp cao đến Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã thống nhất tổ chức các cuộc đối thoại an ninh chiến lược cấp thứ trưởng, và cuộc đối thoại chính trị, an ninh quốc phòng đầu tiên đã diễn ra tháng 10-2008 tại Oa-sinh-tơn. Tiếp đó, chuyến thăm Mỹ tháng 7-2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là dấu mốc quan trọng, nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên mức “đối tác toàn diện” trong đó đặc biệt cam kết tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị của nhau.

Khẳng định lập trường lên án mọi hành động khủng bố, Bộ Công an Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 59 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia 26 diễn đàn song phương, đa phương. Việt Nam đã gia nhập 13/20 điều ước quốc tế về chống khủng bố, tăng cường hợp tác phòng, chống khủng bố với hơn 60 bộ, cơ quan ngang bộ của hơn 40 nước, hợp tác đặc biệt toàn diện với Bộ An ninh Lào, hợp tác toàn diện với Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia, Tổng bộ Cảnh sát vũ trang Trung Quốc; Bộ Nội vụ Cam-pu-chia; tăng cường hợp tác với Bộ Nội vụ Cu-ba; phát triển quan hệ hợp tác với ASEAN; khôi phục quan hệ hợp tác với LB Nga, U-crai-na, Bê-la-rút, Hung-ga-ri, Ba Lan..; mở rộng quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Thái-lan…; các đối tác như: Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Interpol, Aseanpol; các diễn đàn ARF, AMMTC, đối thoại Shangri-La...

Càng hội nhập trong bối cảnh khủng bố quốc tế nguy hiểm, càng hiểu thêm tầm nhìn Việt Nam muốn “là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Càng hội nhập càng cho thấy giữ gìn bản sắc riêng không thể tách rời tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa nhân loại. Lợi dụng tôn giáo gây bất ổn, nhắn tin khủng bố, bình luận kỳ thị, xúc phạm đạo Hồi và các tôn giáo khác… là những hành vi cần cảnh báo, xử lý nghiêm khắc.

Bình yên với tình yêu cuộc sống, khát vọng giản dị đó đặt trọn vào nỗ lực lặng thầm của lực lượng an ninh và nỗ lực toàn dân. Không ai muốn cảnh ngập tràn hoa và nến thương đau tưởng niệm các nạn nhân bị khủng bố! Như lẽ thường mong ước, nến và hoa chỉ lung linh, rạng rỡ trong đoàn viên, hạnh phúc, thanh bình.